Chủ động chiến lược và hoàn thành tốt nhất các mục tiêu kinh tế - xã hội

PV.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng các kịch bản tăng trưởng và phương án hành động khác nhau để bất luận trong trường hợp nào vẫn giữ được sự chủ động chiến lược và hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội tốt nhất.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tạo ra hơn 1200 tỷ USD GDP trong gần 5 năm trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định

Tại phiên giải trình và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khoá XIV sáng ngày 10/11/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, không chỉ riêng trong năm 2020 này mà ngay từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ 2016-2020, Việt Nam đã đối diện những thử thách như: hạn hán kỷ lục trong gần 100 năm ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sự cố môi trường Formosa, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ở Tây Bắc, bão lũ, ngập lụt ở Miền Trung...

Tuy nhiên, bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, Việt Nam đã tạo ra hơn 1200 tỷ USD GDP trong gần 5 năm, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Thủ tướng minh chứng, tháng 8/2020, Tạp chí The Economist đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất.

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt “mục tiêu kép” của Chính phủ, Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương ở mức khá. Nhiều địa phương đã vươn lên trở thành những động lực kinh tế quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước, có địa phương đã đạt mức tăng trưởng GDP kỷ lục trong hàng thập niên, kể cả trong bối cảnh đại dịch Covid 19.

Theo Thủ tướng, những cải cách hành chính mạnh mẽ trong hơn 4 năm qua đã góp phần tăng tổng số doanh nghiệp được thành lập mới đạt gần 350 nghìn doanh nghiệp, tương đương một nửa tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế. Tổng số vốn đăng ký mới và tăng vốn đạt gần 10 triệu tỷ đồng. Việt Nam đã có hàng trăm doanh nghiệp có quy mô tài sản từ hơn trăm triệu đến hàng tỷ USD.

Thị trường chứng khoán vào đầu năm 2016 chỉ đạt 500 điểm nhưng đã sớm đạt kỷ lục trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam với 1.200 điểm vào tháng 4/2018. Dưới tác động của Covid-19 và suy thoái của kinh tế toàn cầu, chỉ số VN-Index vẫn duy trì ở mức trên dưới 950 điểm. Quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán đạt trên 100% GDP, trong đó riêng thị trường cổ phiếu xấp xỉ 70% GDP, giúp bổ sung thêm khoảng 115 tỷ USD vào tài sản quốc gia so với cách đây 4 năm.

Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục duy trì nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp (dưới 4%) và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, không để xói mòn các yếu tố nền tảng vĩ mô mà chúng ta đã dày công tạo dựng.

Hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội tốt nhất

Nhận định đại dịch Covid-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tuyệt đối không lơ là, chủ quan, không để dịch lây lan, bùng phát trở lại; tiếp tục đề cao nhận thức của cộng đồng và toàn xã hội; nâng cao năng lực cách ly, xét nghiệm, điều trị, sản xuất thuốc, vắc xin... Đồng thời, thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tập trung phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội. 

Về việc xác định muc tiêu tăng trưởng 2021 khoảng 6%, Thủ tướng cho rằng mức tăng trưởng này còn khiêm tốn so với tiềm năng của đất nước và nhất là xuất phát từ mức thấp của năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn phức tạp, cùng với những căng thẳng, diễn biến chính trị khó lường trong khu vực và trên thế giới có thể ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực tới triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu.

Do đó, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng các kịch bản tăng trưởng và phương án hành động khác nhau, để bất luận trong trường hợp nào cũng giữ sự chủ động chiến lược và hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội tốt nhất.

"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xin nghiêm túc tiếp thu các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước; tập trung chỉ đạo sớm khắc phục những vấn đề còn hạn chế, bất cập, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020, 5 năm 2016-2020 và tạo nền tảng vững chắc thực hiện thành công kế hoạch năm 2021, kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội." - Thủ tướng nhấn mạnh.