Sự lặp đi lặp lại chính là cha đẻ của mọi kỹ năng
Lãnh đạo doanh nghiệp luôn có rất nhiều tình huống đối thoại với nhân viên. Hãy nghe đoạn đối thoại dưới đây để thấy lãnh đạo doanh nghiệp "siêu đẳng" thế nào.
Thưa sếp, tôi muốn tăng lương.
- Mức lương hiện không tương xứng với công sức của anh?
- Đúng vậy.
- Có vẻ như đối với anh, tiền là quan trọng nhất?
- Cũng… không hẳn. Tôi yêu công việc. Đối với tôi, cơ hội đào tạo, cơ hội mở rộng các mối quan hệ cũng là điều quan trọng.
- Có vẻ như anh là người ham học hỏi, luôn muốn nâng cao trình độ?
- Vâng.
- Anh nghĩ sao nếu tôi tạo điều kiện cho anh tham gia một khóa học nâng cao kỹ năng?
- Tôi… thấy cũng không tồi.
Trong cuộc đối thoại đó, sếp đã sử dụng một kỹ năng đàm phán khiến nhân viên thay đổi mục đích- kỹ năng được một đặc vụ đã về hưu của FBI (Mỹ) dạy trong khóa học "Nghệ thuật đàm phán" do một quỹ đầu tư tại Việt Nam tổ chức mới đây. Những học viên đều là lãnh đạo các doanh nghiệp lớn. Họ đã làm thử và… không thể tin nổi kết quả mang lại.
Công thức của kỹ năng rất đơn giản: Dùng 3 chữ kỳ diệu "có vẻ như" cộng với cụm từ miêu tả trạng thái của đối phương (gọi là dán nhãn, đặt tên), sẽ khiến đối phương cảm thấy được thấu hiểu và dỡ bỏ các cảm xúc tiêu cực để cởi mở hơn, chia sẻ nhiều hơn. Ví dụ: "Có vẻ như anh cảm thấy tôi đang bóc lột sức lao động của anh?". "Có vẻ như chị cảm thấy tôi đang đối xử với cô ta tốt hơn với chị?"… Một lãnh đạo doanh nghiệp có thể nói như vậy khi nhân viên đòi tăng lương và xoa dịu sự bất mãn trong lòng họ.
Tuy nhiên, đây chỉ là một kỹ năng. Và dù kỹ năng có thần kỳ, ngôn ngữ có kỳ diệu, bản chất của mọi kỹ năng vẫn là thực hành và thực hành. Sự lặp đi lặp lại chính là cha đẻ của mọi kỹ năng.