Sự trỗi dậy của nhân dân tệ và vai trò mới của đồng tiền chủ chốt

Theo TTVN/Economist

Nhân dân tệ đang dần dần thay thế USD trở thành đồng tiền chủ chốt của thế giới ?

Sự trỗi dậy của nhân dân tệ và vai trò mới của đồng tiền chủ chốt
Tuần trước, tại Toyko, giới tài chính quốc tế đặc biệt chú ý đến bài phát biểu của Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ - Ben Bernanke. Rất nhiều nhà hoạch định chính sách đến từ các nền kinh tế mới nổi than phiền rằng các gói nới lỏng định lượng của Fed đang khiến nền kinh tế của họ bất ổn, gây nên tình trạng lạm phát và bong bóng tài sản.

Trước lời buộc tội này, Bernanke chỉ ra rằng các nền kinh tế mới nổi có thể tự bảo vệ đất nước của họ bằng cách đơn giản là tách biệt đồng nội tệ của họ ra khỏi đồng USD. Thói quen neo đồng nội tệ vào đồng USD chính là nguyên nhân buộc các nền kinh tế mới nổi phải nới lỏng chính sách tiền tệ bất cứ khi nào nước Mỹ điều chỉnh chính sách.

Một số nước mới nổi có tỷ lệ lạm phát cao, ví dụ như Ecuador, đã lấy USD làm đồng tiền chính thức. Trong khi đó, 1 số nước khác (như Jordan) sử dụng tỷ giá hối đoái được neo vào đồng USD. Các chính sách cũng là một trong những thước đo đánh giá vai trò của đồng USD trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, cùng trong ngày hôm đó, Thống đốc NHTW Trung Quốc cũng có 1 bài phát biểu chỉ ra rằng Trung Quốc đang giảm dần lượng USD trong dự trữ ngoại hối. Đồng thời, theo 1 nghiên cứu mới được thực hiện bởi Arvind Subramanian và Martin Kessler, 2 nhà kinh tế học đến từ Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson có trụ sở đặt tại Washington, DC, mức độ ảnh hưởng của đồng USD đang giảm dần tại các nền kinh tế mới nổi.

Một số đồng tiền vốn trước đây được neo rất chặt vào đồng USD giờ đây đã được thả nổi hơn. Và, đồng USD đang giảm dần sức hấp dẫn dưới sức ép từ 1 đồng tiền khác: đồng nhân dân tệ.

Messrs Subramanian và Kessler đã sử dụng nhiều biện pháp đánh giá khác nhau, dựa trên diễn biến của tỷ giá hối đoái. Bằng phương pháp này, họ nhận biết được đồng tiền nào có xu hướng chuyển động cùng chiều với đồng USD khi so sánh với 1 đồng tiền thứ 3, ví dụ như đồng franc Thụy Sĩ.

Chuyển động cùng chiều này có thể phản ánh các lực tương tác trên thị trường chứ không phải đơn thuần chịu sự tác động từ các chính sách. Nghiên cứu này không cần đến điều kiện tương quan hoàn hảo. Các diễn biến chỉ cần liên quan ở mức vừa đủ để có thể loại bỏ sự ngẫu nhiên.

Dựa trên phương pháp đo lường này, 2 nhà kinh tế đã rút ra kết luận đồng USD vẫn là lực tác động khá mạnh đối với 31 trong số 52 đồng nội tệ của các nước mới nổi trong phạm vi nghiên cứu. Tuy nhiên, đồng nội tệ của 1 số nước (bao gồm Ấn Độ, Malaysia, Philippines và Russia) đã thả lỏng so với đồng USD kể từ khi khủng hoảng tài chính xảy ra. Khi so sánh 2 năm gần đây với những năm trước khủng hoảng (từ tháng 7/2005 đến tháng 7/2008), ảnh hưởng của đồng USD đã suy giảm ở 38 nước.

Trong quá khứ, đồng bạc xanh đã đóng 1 vai trò rất quan trọng ở các nước Đông Á. Tuy nhiên, hiện nay, khu vực này đã chuyển sang phụ thuộc vào đồng nhân dân tệ. Có 7 đồng tiền ở khu vực này phụ thuộc vào đồng nhân dân tệ nhiều hơn so với đồng USD. Khi đồng USD thay đổi 1%, các đồng tiền Đông Á biến động cùng chiều với biên độ trung bình là 0,38%. Trong khi đó, biên độ dao động theo đồng nhân dân tệ lên tới 0,53%.


Tất nhiên, đồng nhân dân tệ chưa hoàn toàn tự do biến động. Kể từ tháng 6/2010, đồng tiền này đã tăng giá 9% so với đồng USD với biên độ dao động hàng ngày khá nhỏ. Mối quan hệ chặt chẽ với đồng USD cũng chính là 1 câu hỏi hóc búa đối với Messrs Subramanian và Kessler. Họ sẽ không thể xác định được 1 đồng tiền chịu sự ảnh hưởng từ đồng USD hay đồng nhân dân tệ nhiều hơn nếu như 2 đồng tiền này có mối quan hệ quá chặt chẽ.

Trong khi đó, ở bên ngoài Đông Á, tầm ảnh hưởng của nhân dân tệ vẫn còn bị hạn chế. Khi đồng USD thay đổi 1%, tiền tệ của các thị trường mới nổi dao động khoảng 0,45%. Tỷ lệ với đồng nhân dân tệ chỉ ở mức 0,19%.

Tuy nhiên, quốc tệ của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng do các hoạt động kinh tế và thương mại phát triển. Theo nhận định của Subramanian, chỉ dựa vào 2 lực tác động này, đồng nhân dân tệ cũng có thể vượt qua đồng USD và trở thành đồng tiền chủ chốt vào năm 2035.