Sửa đổi nhiều nội dung trong Luật Quản lý thuế

Anh Minh (Theo VnEconomy)

Tại hội nghị đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp với Bộ Tài chính về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan được tổ chức ngày 20/9 tại Hà Nội, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi với khá nhiều điểm mới sẽ được công bố để lấy ý kiến doanh nghiệp.

 Sửa đổi nhiều nội dung trong Luật Quản lý thuế
Dự kiến sẽ  có 24 nội dung liên quan đến ba nhóm vấn đề được sửa đổi, bổ sung, như đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế; các nội dung phục vụ mục tiêu cải cách - hiện đại hoá và hội nhập, phù hợp thông lệ quốc tế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế và để phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan.

Sửa để theo kịp ... Đề án 30

Nghị quyết số 25/NQ-CP, một văn bản ra đời với mục tiêu thúc đẩy thực hiện Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính, đã đưa ra những yêu cầu mới nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc kê khai và nộp thuế.

Việc “cập nhật” nghị quyết 25/NQ-CP vào dự thảo Luật Quản lý thuế chính là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo này.

Chẳng hạn, nghị quyết yêu cầu cho phép doanh nghiệp được kê khai thuế giá trị gia tăng 3 tháng/lần. Theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành, chỉ quy định kê khai theo tháng, theo năm hoặc theo từng lần phát sinh, chưa có quy định khai theo quý và nội dung này sẽ được sửa đổi.

Tương tự, về thời gian giải quyết thủ tục hoàn thuế, Nghị quyết số 25/NQ-CP yêu cầu rút ngắn thời hạn giải quyết đối với trường hợp “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” từ 15 ngày làm việc xuống còn 6 ngày làm việc; trường hợp “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” từ 60 ngày xuống còn 40 ngày.

Tuy nhiên, đối với yêu cầu rút ngắn từ 15 ngày làm việc xuống còn 6 ngày làm việc đối với trường hợp “hoàn thuế trước, kiểm tra sau”, nhiều ý kiến cho rằng 6 ngày làm việc là quá ngắn, không đủ để luân chuyển hồ sơ giữa các bộ phận và làm tăng áp lực đáng kể đối với cơ quan thuế. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị xem xét việc rút ngắn thời gian hoàn thuế trước kiểm tra sau từ 15 ngày làm việc xuống 10 ngày.

Về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế, đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Quản lý thuế hiện nay quy định thời hạn nộp hồ sơ kê khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp chậm nhất là ngày 31/3 của năm tiếp theo (90 ngày).

Trên thực tế đặc thù của tập đoàn, tổng công ty do phải tổng hợp dữ liệu từ các công ty con vào báo cáo tài chính hợp nhất, nên thời hạn 90 ngày chưa thật phù hợp, vì vậy có nhiều kiến nghị cho phép được kéo dài thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp lên thành 150 ngày.

Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị cần cân nhắc phù hợp với Luật Kế toán, vì theo Luật Kế toán thời hạn nộp báo cáo tài chính là 90 ngày.

Cân nhắc giữa hai quan điểm nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng không nên khuyến khích việc gia hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp để tránh bị chiếm dụng tiền thuế (tránh tình trạng doanh nghiệp khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hàng quý thấp hơn so với quyết toán thuế), nhưng cũng cần quy định bổ sung phù hợp với thực tiễn đặc thù của các tập đoàn, tổng công ty, nhất là những doanh nghiệp cần phải có thời gian để kiểm toán.

Vì vậy, sửa đổi nội dung này theo hướng cho phép gia hạn thời gian nộp hồ sơ quyết toán thêm 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải nộp hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, với điều kiện trong khoảng thời gian được gia hạn nộp hồ sơ, nếu có số thuế thu nhập doanh nghiệp theo quyết toán vượt quá 120% so với số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp theo kê khai của 4 quý thì bị xử phạt chậm nộp theo quy định hiện hành đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp vượt quá 120% số thuế phải nộp theo quyết toán thuế (số ngày tính phạt chậm nộp tính từ ngày bắt đầu được gia hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế đến ngày nộp thuế).

Sức ép theo kịp thông lệ

Một số nội dung khác trong dự thảo luật cũng được sửa đổi để phục vụ các nội dung phục vụ mục tiêu cải cách - hiện đại hoá và hội nhập, phù hợp thông lệ quốc tế, điển hình là việc bổ sung cơ chế quyết định trước về phương pháp xác định giá tính thuế.

Theo Bộ Tài chính, hiện nay một bộ phận doanh nghiệp nộp thuế không tương xứng với thực tế sản xuất kinh doanh, thậm chí có tình trạng khai lỗ nhiều năm nhưng vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp thực hiện chuyển giá giữa công ty ở nước ngoài và công ty tại Việt Nam hoặc giữa các doanh nghiệp với nhau.

Để kiểm soát vấn đề này theo nguyên tắc giá thị trường, tạo điều kiện cho  doanh nghiệp vừa tuân thủ pháp luật tại nước nhận đầu tư và nước xuất khẩu vốn, nhiều nước đã ban hành cơ chế cho phép cơ quan thuế và các công ty đa quốc gia, các tập đoàn lớn áp dụng cơ chế quyết định trước về phương pháp xác định giá tính thuế (được gọi là “Advance Pricing Arrangement” - APA).

Tại Việt Nam, hiện nay nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình thoả thuận đầu tư vào Việt Nam (như tập đoàn Intel, Samsung, Nokia...) đều có kiến nghị Chính phủ hoặc chính quyền địa phương cam kết về việc áp dụng cơ chế APA đối với các giao dịch trong tập đoàn để xác định việc phân bổ thu nhập chịu thuế tại Việt Nam.

APA là một dạng văn bản ràng buộc về nghĩa vụ thuế giữa cơ quan thuế (của một hoặc nhiều nước) và người nộp thuế về phương pháp xác định giá tính thuế được thiết lập trước khi diễn ra giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết (thường là giữa công ty con ở Việt Nam và công ty mẹ ở nước ngoài) và thoả thuận này sẽ được áp dụng cho một khoảng thời gian nhất định (3-5 năm).

Tương tự, trong lĩnh vực Hải quan, Công ước Kyoto khuyến nghị cơ quan hải quan phải có cơ chế phán quyết trước về thuế cho phép các doanh nghiệp xuất nhập khẩu được áp dụng cơ chế xác định trước về thủ tục xuất nhập khẩu (bao gồm áp mã phân loại hàng hoá (mã HS), giá tính thuế, xuất xứ hàng hoá) để đảm bảo sự thống nhất trong thương mại quốc tế.

Trong lĩnh vực hải quan, cơ chế phán quyết trước về thuế được thực hiện trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế, là quyền của người nộp thuế, đồng thời là trách nhiệm của cơ quan hải quan.

“Đây là các nội dung phát sinh từ quá trình hội nhập sâu, rộng hơn vào môi trường kinh tế quốc tế, với mục tiêu tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đa quốc gia, đồng thời đảm bảo quyền đánh thuế quốc gia. Để chủ động tham gia vào quá trình hội nhập, nâng cao kỹ năng quản lý trong quá trình cải cách quản lý thuế - hải quan, Bộ Tài chính để nghị bổ sung thẩm quyền cho cơ quan quản lý thuế được áp dụng những cơ chế quyết định trước về thuế nêu trên”, tờ trình của Bộ Tài chính về việc sửa đổi luật này viết.

Xử phạt nghiêm minh hơn


Một nội dung đáng chú ý khác là việc xử lý các vi phạm pháp luật về thuế sẽ được thắt chặt hơn trước.

Chẳng hạn, việc xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế, Điều 107 quy định hành vi khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được hoàn bị xử phạt 10% số thuế thiếu. Hành vi khai thiếu đi liền với việc chậm nộp tiền thuế (chiếm dụng tiền thuế), do đó còn bị phạt chậm nộp 0,05%/ngày (theo Điều 106). Thực tế này, dẫn đến hiểu lầm là một hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt hai lần (chưa phù hợp với nguyên tắc xử phạt hành chính).

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy một số nước (Úc, Mỹ, Canađa...) áp dụng mức phạt luỹ tiến theo thời gian đối với việc khai sai dẫn đến thiếu thuế hoặc hoàn thuế cao hơn. Trong mức phạt luỹ tiến này bao gồm yếu tố tiền phạt hành chính và tiền lãi chiếm dụng thuế.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Điều 107 theo đó áp dụng các mức phạt luỹ tiến theo thời gian trên cơ sở tương ứng với mức 10% hiện hành cộng với mức phạt nộp chậm 0,05%/ngày.

Cụ thể, người nộp thuế khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn thì phải nộp đủ số tiền thuế khai thiếu, nộp lại số tiền thuế được hoàn cao hơn và bị xử phạt theo tỷ lệ % tính trên số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế được hoàn cao hơn; thời gian tính phạt từ ngày người nộp thuế vi phạm đến ngày cơ quan quản lý thuế phát hiện, thời gian từ 48 tháng đến 60 tháng sẽ bị phạt tới 100%.