Sức ép đè nặng lên thị trường
(Tài chính) Chứng khoán vẫn tăng điểm nhưng sức ép đang có dấu hiệu đè nặng lên thị trường. Các nhà đầu tư (NĐT) lớn giữ nhịp tăng điểm bằng việc mua cổ phiếu lớn, nhưng hàng loạt cổ phiếu đầu cơ đã bị bán mạnh sau đợt hồi phục vừa qua. Vì vậy, thị trường có thể sẽ phải đối mặt trong những phiên tới khi các trụ không thể giữ nhịp cho thị trường hồi phục.
Trong thời gian tới, thị trường còn chịu áp lực lớn khi Thông tư 36 có hiệu lực vào đầu tháng 2/2015. Đánh giá tác động của Thông tư 36 với thị trường chứng khoán (TTCK), Hiệp hội các NĐT tài chính Việt Nam (VAFI) nhận định tổng lượng tiền margin đã giảm đi nhiều so với trước đây nên không tác động quá mạnh vào thị trường. Tuy nhiên, do tâm lý NĐT không tỉnh táo, cộng với dòng tiền đầy biến động làm cho thị trường giảm điểm.
Sức ép đè nặng
Theo VAFI, thị trường vẫn có những phiên giao dịch dòng tiền margin có thể chiếm tới 30 - 40% tổng giá trị giao dịch. Điều này sẽ không bảo đảm sự phát triển bền vững của TTCK khi giá trị nội tại thiếu ổn định.
Một khi chỉ số VN-Index tăng càng tăng cao bằng dòng tiền đi vay thì khả năng trồi sụt, biến động mạnh như vừa qua là tất yếu. Vì vậy, cần có những cơ chế, chính sách ổn định giúp dòng tiền vào thị trường bền vững hơn.
Việc dùng nhiều nguồn vốn tín dụng đầu tư vào tài chính, chứng khoán sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ thống ngân hàng. Theo VAFI cần có cơ chế kiểm soát chặt tỷ lệ cho vay, có thể chỉ giới hạn 20% thay vì 50% như hiện nay, để giảm thiểu rủi ro cho NĐT và cả thị trường.
Trong những phiên gần đây, áp lực bán gia tăng tưởng chừng sẽ khiến thị trường quay đầu giảm, nhưng diễn biến của thị trường luôn có những bất ngờ thú vị là đà tăng được duy trì ở mức cao.
Động lực tăng trưởng của thị trường bắt nguồn từ kỳ vọng kết quả kinh doanh của các DN đang tốt dần lên. Tuy nhiên, vẫn có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành cổ phiếu.
Chứng khoán bao giờ cũng phản ứng rất nhạy cảm với các thông tin tiêu cực trên thị trường. Thị trường sụt giảm kéo dài, thanh khoản có dấu hiệu sụt giảm đáng kể, tạo thành lực cản cho quá trình tăng trưởng.
Tâm điểm đầu tư trong thời gian tới là tập trung vào một số nhóm ngành như ôtô và phụ tùng được hưởng lợi từ việc giá dầu giảm.
Việc giá dầu giảm sẽ giúp các DN sản xuất săm lốp sẽ được hưởng lợi trực tiếp bởi giá nguyên liệu đầu vào giảm. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ ôtô sẽ được gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế đang từng bước phục hồi và giá xăng dầu ngày càng giảm.
Một số DN hưởng lợi bởi giá dầu giảm như sản xuất dầu nhờn, nhựa… sẽ được hưởng lợi lớn. Các DN trong các lĩnh vực xi măng, điện… sẽ được hưởng lợi chênh lệch từ tỷ giá.
Trong đợt suy giảm vừa qua của thị trường, nhóm cổ phiếu BĐS không bị suy giảm quá nhiều và hiện nay đã về mức giá khá hấp dẫn để đầu tư. Đây là nhóm ngành có tỷ lệ vay nợ rất lớn, khoảng 32,2%, với mặt bằng lãi suất đang giảm dần, nhóm này sẽ được hưởng lợi rất lớn.
Hơn nữa, nguồn vốn FDI đang đổ ngày càng mạnh vào BĐS, sẽ kích thích nhu cầu mở rộng sản xuất. Các cổ phiếu xây dựng và vật liệu xây dựng, sắt, thép dự báo cũng sẽ hồi phục mạnh theo.
Thay đổi chiến lược đầu tư
Việc ký kết hàng loạt hiệp định FTA với EU, Nga, Hàn Quốc, thuế XK trong 2015 chỉ còn 0% và đó sẽ là lợi thế lớn đối với ngành dệt may. Ngoài ra, giá bông, nguyên liệu chính trong ngành dệt may được dự báo sẽ tiếp tục giảm giúp các DN dệt may giảm chi phí đầu vào.
Một yếu tố nữa khiến thị trường kỳ vọng là khối ngoại vẫn mua ròng thì thị trường dường như được tiếp thêm sức mạnh, củng cố niềm tin để đi lên. Cách đầu tư của khối ngoại thay đổi nhanh chóng từ dài hạn chuyển sang ngắn hạn nên cũng rất khó đoán định.
Trước đây, họ đã bán rất mạnh các cổ phiếu dầu khí ở vùng giá quan trọng 80USD/thùng, rồi rất nhiều cổ phiếu đã kín room đã bị bán ra rất mạnh khiến thị trường giảm điểm sâu.
Các đầu tư của khối ngoại luôn đi trước NĐT trong nước một bước dài. Việc học hỏi cách tư duy tỉnh táo, phân tích dựa vào các yếu tố cơ bản, luôn là điều cần làm của các NĐT nội.
Thị trường đầu tư mang tính nhỏ lẻ như của Việt Nam thì cách đánh nhanh, rút gọn luôn được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, trước đây, khối ngoại chọn đầu tư lâu dài, mang tính giá trị dài lâu thì nay chu kỳ ấy đã thay đổi và đánh sóng ngắn hạn.
Họ tập trung nhiều vào hoạt động đầu tư tài chính hơn là tham gia vào các hoạt động quản trị DN. Các nhóm ngành dầu khí, cao su không còn là khẩu vị ưa thích của khối ngoại mà chuyển hướng nhanh chóng sang cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, bán lẻ, tiêu dùng.
Trong những phiên vừa qua, NĐT đang kỳ vọng vào những thông tin tích cực sắp tới, sẽ giúp thị trường tạo sóng, nên đà tăng điểm vẫn được duy trì. Tuy nhiên, kỳ vọng có thể sẽ trở thành thất vọng khi thị trường quay đầu giảm điểm bởi những trụ đỡ đã tăng khá cao và có thể giảm điểm trở lại bất kỳ lúc nào.
Thị trường khó có thể duy trì đà tăng trong ngắn hạn và sẽ bước vào giai đoạn điều chỉnh sau đợt tăng mạnh. Cách đầu tư trong thời gian tới vẫn là đánh nhanh, rút gọn, nên NĐT cần phải tỉnh táo trước những yếu tố bất ngờ nhằm tránh bị thiệt hại.