Sức ép từ lãi suất giảm

Theo Thạc sĩ Lê Văn Hinh (DĐDN)

Thị trường đang chứng kiến cuộc đua giảm lãi suất mà hăng hái nhất là các NHTM nhà nước quy mô lớn. Tuy nhiên, phong trào này khiến các NHTM CP nhỏ dường như lại “không chịu đựng được”. Nhưng đây lại là một thực tế bởi khi mặt bằng lãi suất cho vay càng giảm nhanh thì một bộ phận NHTM CP nhỏ càng bị “lún sâu” vào rủi ro do thua lỗ, mất vốn.

 

Với tình hình thực tế của những tháng trước tháng 9/2008 ở các NHTM (thanh khoản, do mặt bằng lãi suất thị trường,...), giới ngân hàng ước tính mức lãi suất huy động bình quân của các NHTM Việt Nam khoảng 16 -17%/năm.

“Ôm” nguồn giá cao

Trong đó, các NHTMNN lớn có mức lãi suất huy động trung bình khoảng 15%; trong khi các NHTMCP nhỏ có mức huy động trung bình khoảng 17 -18% (cá biệt có NHTMCP có thể có mức lãi suất huy động cao hơn).
 
Điều đáng chú ý rằng cơ cấu kỳ hạn 6 tháng đối với các khoản huy động lãi suất cao cũng không hề nhỏ tại các NHTM. Ngoài ra những chi phí cho việc huy động bằng mọi giá trong thời gian trước, giá vốn đầu vào của các NHTM là rất cao. Trong đó các NHTMCP, do điều kiện đặc thù nên được đánh giá là khu vực “ôm nguồn giá cao” và khó có thể giảm trong thời gian ngắn.
 
Dễ nhận thấy rằng, cách thói quen “ứng xử với giá” (price behavior) của NHTM Việt Nam một cách không phù hợp trong điều kiện mặt bằng lãi suất tăng cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc các NHTM thường “lún sâu” vào “thế khó xử” như hiện nay.
 
Điều này dễ thấy tại Việt Nam trong thời kỳ lãi suất cao (cuối 2007 đầu 2008), các NHTM “rất vô tư” và sẵn sàng huy động với bất kỳ mức lãi suất nào rồi tìm mọi cách “đẩy toàn bộ” phần chi phí cao cho người đi vay mà hầu như không hề quan tâm đến việc cắt giảm các chi phí.
 
Thực tế cho thấy, trong điều kiện kinh tế khó khăn (lạm phát tăng, mặt bằng lãi suất tăng,...) dường như không hề có NHTM Việt Nam nào cắt giảm nhân viên, trong khi đó lại mở rộng rất mạnh các chi nhánh, xây dựng rất nhiều trụ sở mới ở nhiều địa bàn (có NHTM trong năm 2007 mở 100 chi nhánh mới)...
 
Ngoài ra, khi NHNN khống chế lãi suất cho vay ở mức thấp, thì các NHTM trong nước lại “đẻ ra” nhiều loại phí rất lạ để thu thêm từ người đi vay (như phí dàn xếp tín dụng, phí tư vấn,...). 

Cầm chắc lỗ?

Kể từ ngày 5/11/2008 lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam giảm từ 13% xuống 12%/năm; lãi suất cho vay tối đa của các tổ chức tín dụng (TCTD) bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng giảm từ 19,5% xuống 18%/năm. Như vậy trong vòng gần một tháng nay, lãi suất cho vay trần đã được “điều hành” giảm mạnh từ 21%/năm xuống 18%/năm...
 
Trong thời gian ngắn như vậy, các NHTM CP khó lòng điều chỉnh kịp về cơ cấu kỳ hạn của nguồn vốn hay thực hiện các cắt giảm các chi phí khác (như cắt giảm chi phí hoạt động, cắt giảm nhân công,..).
 
Theo con số ước tính, với lãi suất cho vay 18% (sát trần), nếu tính cả chi phí hoạt động, dự trữ bắt buộc, trích lập dự phòng rủi ro thì hiện nay, khi cho vay các NHTMCP sẽ lỗ từ 1% đến 2,5%/năm.
 
Hiện nay, các NHTM lớn đang đi đầu một phong trào mới về giảm lãi suất cho vay. Nếu lãi suất cho vay giảm nhanh thực sự (có nghĩa là có cơ sở kinh tế, hoặc có giải pháp kinh tế phù hợp,...) thì rõ ràng đó là tín hiệu cực tốt cho DN và sau đó là cả nền kinh tế.
 
Tuy nhiên, phong trào này khiến các NHTM CP nhỏ dường như lại “không chịu đựng được” sự giảm quá nhanh của lãi suất. Nhưng đây lại là một thực tế vì khi mặt bằng lãi suất cho vay càng giảm nhanh thì một bộ phận thương mại nhỏ đang “lún sâu” vào rủi ro do thua lỗ, mất vốn.
 
Với mức cho vay 18%/năm, con số thua lỗ này ước mức có thể đến 2,5% của tổng dư nợ cho vay của khối NHTMCP. Khi các NHTMCP buộc phải hạ nhanh lãi suất cho vay xuống 13-14% thì mức thua lỗ có thể cao hơn nhiều...
 
Con số lỗ là không nhỏ khi khối NHTMCP này chiếm khoảng 40% tổng dư nợ cho vay của cả hệ thống; Ngoài ra khi so với số vốn còn ít ỏi của một số NHTMCP nhỏ, thì mức độ chịu đựng “sốc lãi suất giảm” có thể đến đâu ?
 
Hơn thế nữa, “phong trào tạm ứng cổ tức” với mức khá cao như hiện nay có thể gây “cộng hưởng” áp lực về vốn đối với các NHTMCP nhỏ trong thời gian tới.

Chống sốc thế nào?

Khi lãi suất tăng hay giảm quá nhanh (bất luận vì lý do gì) đều không hề có lợi cho nền kinh tế và đều gây hiệu ứng tiêu cực lên những “nhóm” nào đó. Những DN nhỏ (bao gồm cả những ngân hàng nhỏ) là đối tượng thường dễ bị tổn thương nhất trước các cú sốc này.
 
Rõ ràng, muốn tồn tại, DN (bao gồm cả ngân hàng) phải tạo dựng được cho mình khả năng chống sốc hay ứng phó tốt với các cú sốc. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, vốn thường được coi là “đệm cuối cùng” để chống sốc, quản lý tốt mới đảm bảo ngân hàng vượt qua các cú sốc.
 
Đối với NHTM cần phải thay đổi cách ứng xử với lãi suất và nhận thức rằng, không phải bất cứ mức lãi suất nào nền kinh tế cũng chịu đựng đựợc; NHTM phải luôn quan tâm đến việc cắt giảm chi phí để cho vay với lãi suất hợp lý chứ không nên huy động với mọi giá và ép chi phí cho các người đi vay. Khả năng duy trì chi phí thấp (cắt giảm được chi phí) sẽ phản ánh một ngân hàng mạnh và có khả năng chống mọi cú sốc của thị trường.
 
Đối với Nhà nước, việc điều hành giá cả nói chung và lãi suất nói riêng cần đảm bảo một lộ trình phù hợp, dự báo được, tránh sốc cho các DN và ngân hàng và sau đó là nền kinh tế.