Sức mua hàng tết bắt đầu tăng
(Tài chính) Khác với sự trầm lắng kéo dài từ đầu tháng chạp khiến tiểu thương và doanh nghiệp lo lắng, sức mua sắm trên thị trường, nhất là những mặt hàng tiêu dùng, thời trang đang chuyển biến tốt hơn.
Ông Đoàn Văn Bảo, tiểu thương chợ Rạch Ông (quận 8) cho biết sức mua có tăng lên chút ít từ rằm tháng chạp đến nay. Người tiêu dùng đến nay mới đi mua sắm tết, song hầu hết không mua nhiều, so với năm trước sức mua giảm 10 – 15%.
Giá cả vẫn ổn định
Nhìn chung, giá cả phần lớn các mặt hàng ổn định giá từ đầu tháng chạp đến nay, thậm chí mặt hàng đường hôm nay lại giảm giá 1.500 – 2.000 đồng/kg. Đường Biên Hoà sau mấy ngày cháy hàng, giờ lại bị cạnh tranh bởi đường Giang Húa (Long An) và đường Ngọc Bích (Đồng Tháp) thâm nhập thị trường TP. Hồ Chí Minh từ một tuần nay khá nhiều, giá chỉ 17.000 đồng/kg. Mặc dù giá đường hạ nhưng tiêu thụ ít hơn năm ngoái.
Ở chợ Cây Quéo (Bình Thạnh), trứng vịt giữ giá từ 20.000 – 23.000 đồng/chục. Tiểu thương cho biết do công ty Ba Huân và công ty Vĩnh Thành Đạt năm nay chuẩn bị một lượng trứng khá lớn nên đến giờ lượng hàng cung cấp luôn dồi dào.
Đối với mặt hàng trái cây cũng mới chỉ thấy bưởi tăng giá, bưởi da xanh 45.000 – 55.000 đồng/kg, bưởi Năm Roi 35.000 – 40.000 đồng/kg. Những loại trái cây như quít, xoài, thanh long, theo tiểu thương có lẽ đến ngày 29, 30 tết cũng không tăng là bao, nên người tiêu dùng có thể yên tâm.
Giá bia – nước ngọt vẫn đang ổn định, chỉ có một số điểm bán lẻ cố tình nâng giá kiếm thêm “tiền tết”. Theo sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, nguồn cung bia tết này tăng 20 – 30%, nên sẽ không thể diễn ra tình trạng khan hiếm bia.
Nguồn cung và giá phân phối ổn định nhưng giá bán lẻ bia – nước ngọt một số nơi đã nhích lên khoảng 5 – 8%. Một số cửa hàng bắt đầu bán bia Heineken với giá 390.000 – 395.000 đồng/thùng; bia Tiger 290.000 – 300.000 đồng/thùng. Bia lon 333 tăng giá nhẹ khoảng 10.000 đồng lên 210.000 đồng/thùng.
Giá bán một số loại nước ngọt cũng tăng giá nhẹ khoảng 5.000 – 15.000 đồng. Như thùng Coca-Cola trước bán 170.000 – 175.000 đồng, thì nay đã tăng lên 185.000 đồng. Một vài đại lý kinh doanh nước ngọt “đổ thừa” do hàng bán tết đổi mẫu mới nên tăng giá!
Chọn kinh doanh hàng giá thấp
Chuẩn bị dồi dào sản phẩm cho nhu cầu tiêu dùng tăng thêm và làm quà biếu trong những ngày giáp tết, nhưng bà Ngô Thị Hoàng Mai, phó tổng giám đốc công ty xuất nhập khẩu thuỷ sản Liên Thành cũng nhận thấy sức mua không tăng nhiều so năm ngoái. Khảo sát thấy nguyên nhân tình hình sức mua này là do người lao động ở các nhà máy sản xuất năm nay nhận mức thưởng không khả quan hơn năm ngoái, nên hầu như mọi người chỉ mua vừa đủ tiêu dùng hai, ba ngày tết.
Chuyên bán sỉ, ông Ninh Tiến Đạt giám đốc công ty Gia Hồi chuyên quần áo nữ mặc nhà cho biết đơn hàng tết từ các đại lý, siêu thị cũng kém hơn năm trước. Điều này cũng nằm trong dự đoán chứ không bất ngờ gì. Bà chủ sạp Hương, chuyên bán lẻ vải ở chợ Tân Định thì xác định rõ, giờ này là không còn mua bán gì nữa, hiếm hoi có vài người mua vải về may chăn drap gối nệm mà thôi, nhìn chung, sức mua năm nay quá yếu, mùa nào cũng yếu chứ không riêng gì tết.
Ông Đoàn Văn Bảo nhận thấy, người tiêu dùng năm nay có xu hướng chọn mua hàng giá rẻ nhiều hơn, nên cùng một mặt hàng thì ông lấy thêm hàng của các cơ sở nhỏ vì giá linh hoạt lại dễ bán hơn hàng của các công ty lớn, chẳng hạn, mặt hàng bún gạo, mì khô đóng gói, thực phẩm chay.
Một điều ghi nhận chung từ tiểu thương và doanh nghiệp là càng những ngày cận tết thì siêu thị lại thu hút người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn kênh chợ, do tâm lý yên tâm giá cả bình ổn ở siêu thị vì nguồn hàng dự trữ nhiều, và vào siêu thị cùng lúc có thể “săn” một số hàng khuyến mãi. Điều này khiến cho tiểu thương kinh doanh mùa tết năm nay khó khăn. Bà Hoàng Mai cho biết tổng sản lượng nước mắm của Liên Thành cung cấp cho kênh siêu thị là 60%, kênh chợ 40%, trong khi tết năm ngoái kênh chợ chiếm đến 60%.
Sức mua tại siêu thị tăng mạnh
Trước ngày 20.1.2014, sức mua ở một số siêu thị vẫn còn khá yếu. Vào những cuối tuần khi bước vào Metro để mua sắm, khách hàng khá thoải mái khi bước vào khu vực quầy tính tiền, không phải xếp hàng dài chờ đợi. Tuy nhiên, từ ngày 20.1.2014 trở đi sức mua bắt đầu tăng dần ở các siêu thị, cửa hàng bán lẻ…
Vào thời điểm này, tại các siêu thị Co.opmart, Big C, Maximark… giỏ quà tết đang là mặt hàng bán chạy nhất. Trung bình, các giỏ quà có trị giá 200.000 – 400.000 đồng được chọn mua nhiều. Đặc biệt, có một số giỏ quà tết bình dân có giá bán dưới 100.000 đồng. Từ ngày 21.1.2014, hệ thống Co.opmart tung ra chương trình khuyến mãi sâu sớm hơn mọi năm một số mặt hàng. Theo đó, bên cạnh 800 mặt hàng đang được khuyến mãi, Co.opmart tiếp tục giảm giá sâu những mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, may mặc và đồ dùng gia đình.
Bà Huỳnh Ngọc Trâm, đại diện truyền thông khu vực phía Nam hệ thống siêu thị Big C, cho biết: sức mua hiện nay đã tăng khá mạnh, tập trung vào các mặt hàng giỏ quà tết, bánh kẹo hộp, bánh mứt truyền thống, bia, nước ngọt, thực phẩm khô…
Theo bà Bùi Hạnh Thu, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, từ rằm tháng chạp đến nay, sức mua trong hệ thống Co.opmart tăng khoảng 20 – 30% đối với các mặt hàng thiết yếu. Saigon Co.op dự báo từ 25.1.2014, sức mua sẽ tăng gấp ba lần so ngày thường.
Chợ gặp khó
Chủ sạp An Hải, khu C2 chợ Tân Bình chuyên hàng lạnh, quần áo sơ sinh cho biết từ nay đến 29 tết, các tiểu thương chủ yếu ngồi chợ để thanh toán nợ nần, tổng kết sổ sách. Sức mua mùa tết giảm gần 30% so năm trước nằm trong xu thế ế ẩm chung cả năm. Một phần, ảnh hưởng từ việc mọc lên quá nhiều hộ kinh doanh ở bên ngoài chợ, mặt bằng rộng rãi, sản phẩm bán linh động theo mùa chứ không chuyên một mặt hàng và bán theo khu như trong nhà lồng chợ. Thêm nữa, mua hàng bên ngoài không mất công gửi xe. Ngày 23 tết, giá gửi xe vào chợ Tân Bình là 10.000 đồng/chiếc.
Ở chợ Bến Thành, các sạp giày dép mặt tiền nhà lồng chợ vẫn tấp nập người mua và chủ yếu là khách du lịch người nước ngoài, họ chọn mua các loại guốc gỗ, giày dép đính cườm kim sa hoa văn Á Đông. Các sạp nhỏ ở trong bán giày thời trang mà đối tượng khách người Việt, thì tiểu thương cũng than thở ế ẩm. Chủ sạp giày nữ thời trang Phương đã không dám nhập hàng trữ bán tết như mọi năm mà bán buôn theo kiểu hết hàng đến đâu lấy đến đó.
Tuy nhiên, cũng kinh doanh mặt hàng giày dép nhưng các hiệu giày đã có thương hiệu như Phương Toàn, Hồng Thạnh, Hồng Anh… thì khá tự tin vì đã có một lượng khách hàng ruột. Bà Hoàng Oanh, quản lý thương hiệu giày Phương Toàn trên đường Trần Huy Liệu cho biết, thông thường, năm ngày cuối cùng của năm sẽ là đắt hàng nhất và hy vọng sẽ đạt được kết quả như năm ngoái. Phương Toàn hiện đã chuẩn bị một lượng lớn hàng hoá và tăng cường thêm hai nhân viên giữ xe nữa để phục vụ mùa tết.