Tác động của đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo tới phát triển kinh tế - xã hội

Nguyễn Tuấn Sơn - Học viện Chính sách và Phát triển

Giáo dục và đào tạo không chỉ nâng cao trình độ và kiến thức của người dân, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và giảm nghèo đói. Bài viết phân tích mối quan hệ nhân quả giữa giáo dục và tăng trưởng kinh tế, đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư công vào giáo dục để cải thiện năng suất lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp và bất bình đẳng thu nhập. Tại Việt Nam, dù đã có nhiều chính sách đầu tư vào giáo dục, tuy nhiên, vẫn tồn tại những hạn chế về cơ cấu và hiệu quả đầu tư, do đó, cần có những giải pháp để cải thiện hiệu quả đầu tư công vào giáo dục và đào tạo, góp phần phát triển kinh tế và xã hội của Đất nước.

Giới thiệu

Trong bối cảnh kinh tế tri thức, UNESCO nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục và đào tạo, kêu gọi các chính phủ tăng cường đầu tư công vào lĩnh vực này. Tại Việt Nam, từ lâu đã quan tâm đặc biệt đến đầu tư công vào giáo dục và đào tạo với nhiều chính sách như: miễn giảm học phí, hỗ trợ học sinh nghèo và dân tộc thiểu số, phát triển giáo dục mầm non và giáo dục vùng sâu, vùng xa…

Tuy nhiên, đầu tư công cho giáo dục và đào tạo vẫn tồn tại những hạn chế... Nghiên cứu này phân tích đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở Việt Nam, từ đó, đề xuất các khuyến nghị để có cơ cấu đầu tư phù hợp hơn và phát huy vai trò quan trọng của giáo dục đối với sự phát triển kinh tế và xã hội.

Vai trò của đầu tư công trong giáo dục và đào tạo tới phát triển kinh tế - xã hội

Tăng trưởng kinh tế

Giáo dục có mối quan hệ nhân quả với tăng trưởng kinh tế, chi phí giáo dục hiện tại mang lại tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Theo Sianesi và Van Reenen (2003), tỷ lệ học sinh nhập học tăng 1% dẫn đến tăng trưởng GDP bình quân đầu người từ 1% đến 3%. Trong mô hình tăng trưởng kinh tế của Romer (1994), đầu tư vào tri thức tạo ra những thay đổi về khoa học và công nghệ, do đó, đầu tư công vào giáo dục và đào tạo là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nâng cao chất lượng lao động

Giáo dục và đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế. Đầu tư công vào giáo dục và đào tạo góp phần đào tạo lực lượng lao động có năng lực cao, nâng cao chất lượng lực lượng lao động thông qua tích lũy vốn và tăng thu nhập. Giáo dục và đào tạo cũng là công cụ truyền bá những ý tưởng tiến bộ, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển hiện tại và tương lai (McCord và Sachs, 2013). Đầu tư công vào giáo dục và đào tạo ảnh hưởng đến phạm vi nguồn nhân lực và thị trường lao động. Những người được đào tạo có nhiều cơ hội tham gia vào thị trường lao động tốt hơn. Do đó, các quốc gia có giáo dục phát triển như: Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản… có thị trường lao động sôi động. Điển hình như, tại thị trường lao động Mỹ có khoảng 3 triệu sinh viên đại học và cao đẳng tham gia lực lượng lao động, với nhiều cơ hội việc làm và mức lương khởi điểm cao. Nhật Bản có nhu cầu cao về lao động trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, kỹ sư, quản lý kinh doanh, marketing và nhiều dịch vụ khác.

Giảm tỷ lệ thất nghiệp

Tỷ lệ thất nghiệp cao là mối lo ngại của nhiều quốc gia, hạn chế sự phát triển kinh tế và gây ra các tác động xấu đến xã hội. Thất nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn gây tổn hại về sức khỏe và tinh thần, dễ dẫn đến rối loạn xã hội và biến động chính trị. Một trong những nguyên nhân chính của thất nghiệp là chất lượng lao động thấp, không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường lao động (Sianesi và Van Reenen, 2003). Đầu tư vào giáo dục và đào tạo sẽ giảm tỷ lệ thất nghiệp, cải thiện kỹ năng và năng lực của lực lượng lao động, tạo ra nhiều cơ hội việc làm tốt hơn. Đặc biệt, đầu tư vào giáo dục đại học và trường nghề cung cấp các kỹ năng và kiến thức cần thiết theo yêu cầu của thị trường lao động hiện nay (McGrath và Akkoojee, 2009). Hầu hết các quốc gia coi giáo dục đại học là mục tiêu của chiến lược phát triển giáo dục.

Giảm tỷ lệ nghèo đói

Mục tiêu đầu tiên của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia kém phát triển là giảm tỷ lệ đói nghèo. Người dân ở các quốc gia này thường có tỷ lệ đói nghèo cao hơn do sự khác biệt về mức sống và tư duy, cùng với thu nhập chủ yếu từ lao động chân tay kém hiệu quả do thiếu kiến thức và kỹ năng. Giáo dục và đào tạo cung cấp những kiến thức, quan điểm và kỹ năng cần thiết, từ đó cải thiện năng suất lao động và thu nhập của người nghèo. Đầu tư công vào giáo dục và đào tạo, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp ở những khu vực có dân trí thấp, giúp nâng cao kiến thức và cải thiện năng suất lao động, góp phần đáp ứng các nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Viện Thống kê của UNESCO (2023) cho biết, tỷ lệ đói nghèo trên thế giới có thể giảm một nửa hoặc hơn nếu tất cả thanh thiếu niên hoàn thành chương trình trung học. Giáo dục và đào tạo không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế mà còn gián tiếp giúp xóa đói giảm nghèo, mở ra cơ hội tiếp cận các kỹ năng và việc làm với thu nhập cao, đồng thời giúp người dân tránh được các rủi ro xã hội.

Giảm bất bình đẳng thu nhập

Theo Chiswick (1974), các quốc gia đầu tư vào giáo dục và đào tạo có hệ số Gini thấp hơn, cho thấy mức độ bất bình đẳng thu nhập ít hơn. Hệ số Gini bị ảnh hưởng bởi sự khác biệt về trình độ học vấn và đầu tư vào giáo dục. Các vùng có hệ số Gini thấp thường có lực lượng lao động có bằng cấp hoặc tốt nghiệp thấp. Mincer (1974) chỉ ra rằng mỗi năm học tập nâng cao thu nhập cá nhân lên khoảng 7% cho thấy trình độ học vấn liên quan trực tiếp đến bất bình đẳng thu nhập.

Đầu tư công vào giáo dục và đào tạo không chỉ nâng cao chất lượng lực lượng lao động mà còn tạo điều kiện cho người dân phát triển khả năng làm việc và cải thiện thu nhập (Iatagan, 2015). Điều này góp phần thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Thực trạng đầu tư công cho giáo dục và đào tạo tại Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia đặc biệt chú trọng đầu tư công vào giáo dục và đào tạo, với tỷ lệ chi ngân sách hàng năm cho lĩnh vực này khoảng 20%, tương đương 5% GDP, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và một số quốc gia phát triển như: Singapore, Malaysia, Thái Lan và Hàn Quốc. Theo Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) của OECD, Việt Nam xếp thứ 19 trong số 20 quốc gia hàng đầu về giáo dục và đào tạo, vượt qua cả Canada và Mỹ.

Hình 1 cho thấy, mặc dù thực hiện chính sách thắt chặt chi tiêu để giảm thâm hụt ngân sách, Việt Nam vẫn liên tục tăng đầu tư vào giáo dục và đào tạo, từ 155.603 tỷ đồng vào năm 2013 lên 313.417 tỷ đồng vào năm 2023. Chính phủ cũng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như: giảm học phí, miễn phí, hỗ trợ chi phí cho học sinh nghèo và dân tộc thiểu số, phát triển giáo dục vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ học bổng và trang thiết bị giáo dục, cùng với chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên nghèo vay vốn học tập.

Hình 1: Giá trị đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Việt Nam giai đoạn 2013 -2023 (Tỷ đồng) Nguồn: Tổng cục Thống kê (2024)
Hình 1: Giá trị đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Việt Nam giai đoạn 2013 -2023 (Tỷ đồng) Nguồn: Tổng cục Thống kê (2024)

 

Tác động của đầu tư công trong giáo dục và đào tạo tới phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam

Tác động đến tăng trưởng kinh tế

Đầu tư công vào giáo dục và đào tạo ở Việt Nam đã mang lại hiệu quả lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong thập kỷ gần đây, các chính sách phát triển giáo dục và đào tạo liên tục nâng cao năng suất lao động, góp phần tạo nên một xã hội giàu có hơn. Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, tương đương 5.008.621 tỷ GDP vào năm 2017, đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam.

Sự phát triển tích cực của các chỉ số kinh tế như: thâm hụt ngân sách, nợ công, cán cân thương mại và tỷ lệ lạm phát đã cải thiện hiệu quả đầu tư và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Mặc dù có những biến động do nhiều yếu tố, GDP vẫn có xu hướng tăng, thể hiện một nền kinh tế Việt Nam đang phát triển và tăng trưởng.

Tỷ lệ đầu tư công vào giáo dục và đào tạo so với GDP cũng tăng, từ 155.603 tỷ đồng vào năm 2013 lên 215.167 tỷ đồng vào năm 2017. Sự đầu tư này nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng giáo viên và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trẻ, qua đó nâng cao năng suất lao động và tạo ra nhiều sản phẩm hơn.

Tác động đến lực lượng lao động

Một trong những lợi thế hiện nay của Việt Nam là nguồn nhân lực dồi dào, nhờ vào dân số đông và trẻ, cùng tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao. Mức tăng nguồn nhân lực hàng năm lớn hơn mức tăng dân số, trong khi chỉ số phụ thuộc lại giảm. Thông qua đầu tư vào giáo dục và đào tạo, trình độ kỹ thuật của lực lượng lao động đã được nâng cao cả về chất lượng lẫn số lượng trong những năm gần đây.

Hình 2 cho thấy, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo tăng từ 17,7% năm 2013 lên 28,6% vào năm 2023, cho thấy sự cải thiện đáng kể về chất lượng nguồn nhân lực. Mặc dù tỷ trọng đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo so với GDP có xu hướng giảm nhẹ từ 3,5% xuống còn 3,1% trong cùng giai đoạn, tỷ lệ lao động qua đào tạo vẫn tăng đều đặn. Điều này chứng tỏ các khoản đầu tư công đã được sử dụng hiệu quả hoặc các chính sách và chương trình giáo dục đã được cải thiện, góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật và năng lực của lực lượng lao động. Qua đó, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam không những được duy trì mà còn phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động ngày càng cao và góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững của Đất nước.

Hình 2: Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và tỷ trọng đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Việt Nam giai đoạn 2013 -2023 (%) Nguồn: Tổng cục Thống kê (2024)
Hình 2: Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và tỷ trọng đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Việt Nam giai đoạn 2013 -2023 (%) Nguồn: Tổng cục Thống kê (2024)

Tác động đến tỷ lệ thất nghiệp

Việc tăng cường đầu tư công cho giáo dục và đào tạo đã cải thiện chất lượng lực lượng lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam. Tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm từ 1,95% năm 2013 xuống còn 2,34% vào năm 2023. Mặc dù tỷ trọng đầu tư công vào giáo dục và đào tạo so với GDP dao động, nhưng vẫn duy trì ở mức khoảng 3%, cho thấy sự cam kết và ưu tiên của Nhà nước dành cho lĩnh vực này.

Cụ thể, tỷ trọng đầu tư công từ mức 3,5% năm 2013 giảm nhẹ xuống còn 3,1% vào năm 2023. Sự giảm tỷ lệ thất nghiệp trong bối cảnh đầu tư công duy trì ổn định hoặc tăng cho thấy hiệu quả của các khoản đầu tư này. Nhờ đầu tư công vào giáo dục và đào tạo, chất lượng và kỹ năng của lực lượng lao động được nâng cao, giúp họ dễ dàng tìm kiếm việc làm và giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp. Điều này không chỉ cải thiện đời sống của người lao động mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.

Tác động đến tỷ lệ nghèo đói

Tương tự như mối quan hệ với tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam giảm khi đầu tư công cho giáo dục và đào tạo tăng lên. Thông qua việc mở rộng đầu tư cho giáo dục và đào tạo, người dân có cơ hội tiếp cận công nghệ và khoa học mới, từ đó phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,1% năm 2013 xuống còn 4,2% vào năm 2023, cho thấy sự cải thiện đáng kể trong cuộc sống của người dân.

Trong khi đó, tỷ trọng đầu tư công vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo so với GDP dao động quanh mức 3,5% vào năm 2013 và duy trì ở mức khoảng 3,1% vào năm 2023 (Hình 5). Mặc dù tỷ trọng này có phần giảm nhẹ, nhưng nhờ vào việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng cao, giúp người dân tiếp cận tri thức và kỹ năng cần thiết để cải thiện kinh tế gia đình. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm, khẳng định vai trò quan trọng của đầu tư công trong giáo dục và đào tạo đối với việc xóa đói, giảm nghèo bền vững tại Việt Nam.

Tác động đến bất bình đẳng thu nhập

Hình 3: Hệ số GINI và tỷ trọng đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Việt Nam giai đoạn 2013 -2023 (%). Nguồn: Tổng cục Thống kê (2024)
Hình 3: Hệ số GINI và tỷ trọng đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Việt Nam giai đoạn 2013 -2023 (%). Nguồn: Tổng cục Thống kê (2024)

Đầu tư công vào giáo dục và đào tạo có tác động lớn đến bất bình đẳng thu nhập. Hình 3 cho thấy mức sống của người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn, ngày càng được cải thiện nhờ vào giáo dục và đào tạo, nâng cao kiến thức và năng lực làm việc, từ đó thu nhập tăng lên và đời sống được cải thiện rõ rệt. Trẻ em có cơ hội đến trường nhiều hơn và không phải nghỉ học để đi làm.

Tuy nhiên, Hình 3 cho thấy khoảng cách giữa các nhóm người trong xã hội có xu hướng gia tăng. Hệ số GINI, chỉ số đo lường bất bình đẳng thu nhập, không giảm mà duy trì ở mức cao, dao động từ 0.42 đến 0.43 trong các năm 2013-2018, giảm nhẹ xuống 0.37 trong các năm 2020-2022 và tăng nhẹ trở lại lên 0.38 vào năm 2023. Trong khi đó, tỷ trọng đầu tư công vào giáo dục và đào tạo so với GDP duy trì ổn định quanh mức 3-3.5%.

Điều này cho thấy rằng mặc dù đầu tư vào giáo dục và đào tạo đã giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và thu nhập của người dân, khoảng cách giàu nghèo vẫn chưa được thu hẹp đáng kể. Việt Nam cần có chiến lược phù hợp để tiếp tục đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, thúc đẩy năng suất lao động, và lấp đầy khoảng cách giàu nghèo, nhằm giảm hệ số GINI và tạo ra sự công bằng hơn trong xã hội.

Một số khuyến nghị

Để cải thiện hiệu quả đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, để tối ưu hóa đầu tư vào giáo dục và đào tạo, cần điều chỉnh cấu trúc đầu tư nhằm thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, đồng thời tập trung vào các khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa để phát triển đồng đều. Chính phủ nên tăng cường đầu tư vào phát triển và giảm chi phí thường xuyên, tập trung vào các môn học đặc biệt hoặc khoa học cơ bản có nhu cầu cấp bách từ xã hội. Đầu tư cần đáp ứng nhu cầu và tiềm năng phát triển nguồn nhân lực dựa trên nghề nghiệp, đặc biệt là các ngành có nhu cầu cao như kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí, và dệt may. Đồng thời, Nhà nước cũng cần chú trọng đào tạo các ngành nghề tiềm năng trong tương lai như lập trình viên máy tính và nhà sản xuất hữu cơ.

Thứ hai, việc tạo điều kiện cho các công ty tư nhân tham gia vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo sẽ giảm bớt gánh nặng cho các công ty nhà nước. Nhà nước nên tập trung đầu tư vào giáo dục và đào tạo chính, điều chỉnh học phí từ người học để bù đắp chi phí đào tạo và hỗ trợ trực tiếp học phí cho một số đối tượng, cũng như cho vay ưu đãi đối với học sinh nghèo.

Thứ ba, Chính phủ cần đơn giản hóa thủ tục đầu tư, đảm bảo các quy định thống nhất và khuyến khích cạnh tranh trong giáo dục và đào tạo, đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa. Cuối cùng, cần thiết lập cơ chế điều tra, giám sát và kiểm tra việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo để đảm bảo hiệu quả đầu tư và tránh tham nhũng, bằng cách thành lập một bộ chuyên về quản lý và điều tra đầu tư vào mọi cấp độ, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác điều tra hành chính và chuyên ngành, đẩy nhanh công tác điều tra và kiểm tra các hoạt động giáo dục.

Tài liệu tham khảo:

  1. Tổng cục Thống kê (2024), Niên giám thống kê các năm giai đoạn 2013 – 2023;
  2. UNESCO (2014), UNESCO Education and training Strategy 2014-2021. United Nations Education and training, Scientific and Cultural Organization;
  3. Becker, G. (2009), Human Capital: A Theoretical and Empirical Analysis, with Special Reference to Education (3rd ed.). University of Chicago Press;
  4. Chiswick, B. (1974), Income Inequality: Regional Analyses Within a Human Capital Framework (1st ed.). National Bureau of Economic Research: distributed by Columbia University Press.;
  5. Ganegodage, K. R., and Rambaldi, A. N. (2011), The impact of education investment on Sri Lankan economic growth. Economics of Education Review, 30(6), 1491-1502. https://doi.org/10.1016/j.econedurev.2011.08.001;
  6. McCord, G. C and Sachs, J. D. (2013), Development, Structure, and Transformation: Some Evidence on Comparative Economic Growth. NBER Working Paper, No. 19512, National Bureau of Economic Research, Cambridge, MA;
  7. McGrath, S., and Akoojee, S. (2009), Vocational education and training for sustainability in South Africa: The role of public and private provision. International Journal of Educational Development, 29(2), 149-156. https://doi.org/10.1016/j.ijedudev.2008.09.008;
  8. Mincer, J. (1974), Schooling, Experience, and Earnings (1st ed.). National Bureau of Economic Research.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2024