Tái canh cây cà phê: Thực trạng và giải pháp
Việt Nam đứng thứ hai thế giới về sản xuất cà phê và là nước xuất khẩu cà phê cà phê vối lớn nhất thế giới, trong đó Tây Nguyên là “thủ phủ“ của cây cà phê với sản lượng chiếm khoảng 92% sản lượng cà phê của cả nước. Để tiếp tục phát huy lợi thế này, Chính phủ đã chỉ đạo tái canh cây cà phê, góp phần tái cơ cấu nền nông theo hướng nâng cao giá trị xuất khẩu và phát triển bền vững.
Diện tích cà phê già cỗi cần được tái canh
Hiện nay, diện tích cà phê già cỗi cho năng suất, chất lượng thấp chiếm tỷ lệ khá cao. Ước tính, diện tích cà phê già cỗi cần phải tái canh ở khu vực Tây Nguyên từ nay đến năm 2020 là khoảng 120.000 ha.
Tuy nhiên, cây cà phê Tây nguyên đang đối mặt với thách thức là tỷ lệ diện tích cà phê già cỗi cho năng suất, chất lượng thấp chiếm tỷ lệ khá cao và ảnh hưởng đến phát triển bền vững của cây cà phê Tây Nguyên.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cà phê già cỗi cần phải tái canh ở khu vực Tây Nguyên từ nay đến năm 2020 là khoảng 120 nghìn ha. Mặc dù vậy, việc tái canh các vườn cà phê già cỗi thời gian qua gặp khó khăn, bởi hai lý do: khi thực hiện tái canh thì hộ nông dân không có thu nhập trong khoảng thời gian từ khi bắt đầu tái canh đến khi thu hoạch (04 - 05 năm đối với phương pháp trồng tái canh và 01 - 02 năm đối với phương pháp ghép cải tạo).
Ngoài ra, chi phí cho việc tái canh cà phê khá lớn so với thu nhập của hộ nông dân, nếu vay theo cơ chế thương mại thông thường để tái canh với thời gian dài thì chi phí lãi vay người dân phải trả khá lớn trong khi thời gian này không có nguồn thu để bù đắp.
Bên cạnh đó, việc tái canh các vườn cà phê già cỗi gặp khó khăn bởi hai lý do. Thứ nhất, khi thực hiện tái canh, hộ nông dân không có thu nhập từ khi bắt đầu tái canh đến khi thu hoạch (1 - 5 năm tùy phương pháp). Thứ hai, chi phí cho việc tái canh cà phê khá lớn so với thu nhập của hộ nông dân, nếu vay theo cơ chế thương mại thông thường để tái canh với thời gian dài thì chi phí lãi vay mà người dân phải trả khá lớn.
Nắm bắt được khó khăn của người trồng cà phê trong việc tái canh các vườn cà phê già cỗi của mình, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động phối hợp với các Bộ Ngành có liên quan xây dựng phương án tái canh cây cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây nguyên và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Giải pháp đồng bộ để thực hiện tái canh cây cà phê hiệu quả
Trong thời gian qua, cũng đã có một số doanh nghiệp tái canh cà phê thành công. Điển hình như Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Ea Pôk, ở huyện Chư M’gar, tỉnh Đăk Lăk. Doanh nghiệp này có 500 ha cà phê, trồng qua nhiều giai đoạn khác nhau, trong đó khoảng một nửa diện tích đang bước vào giai đoạn già cỗi. Qua nhiều năm thử nghiệm bằng nhiều mô hình khác nhau, đến nay Công ty này đã tái canh thành công được 94 ha, tỷ lệ cây sống trên 90%, năng suất 3,5 tấn/ha.
Để có được kết quả này, ngoài khả năng tài chính dồi dào của doanh nghiệp, có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, Công ty còn có sự hỗ trợ của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên.
Vấn đề tái canh hiện nay, trước hết phải có một quy trình thống nhất trong cả nước và cả tỉnh, và được tuyên truyền, giải thích cho nhân dân mới trồng được. Vì bây giờ muốn trồng tái canh phải mất cả hàng trăm triệu/ha. Vì vậy, bên cạnh việc công bố quy trình kỹ thuật tái canh, người trồng cà phê ở Đăk Lăk đang rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn đầu tư trong quá trình tái canh.
Để giải quyết việc này, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép ngành cà phê được tái canh đối với vườn cà phê già cỗi có từ 20 - 25 năm tuổi. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cam kết cung cấp vốn vay 12.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, đổng thời, khuyến khích các doanh nghiệp sau 3 năm tái canh trả được lãi vay thì vốn được vay vẫn được tiếp tục mà chưa phải trả.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành văn bản số 3227/NHNN-TD hướng dẫn triển khai chính sách cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020. Cùng ngày, NHNN đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương và UBND 5 tỉnh Tây nguyên đề nghị phối hợp với ngành ngân hàng trong việc triển khai chương trình cho vay tái canh.Người dân trồng tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên sẽ được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp, mức vay tối đa là 150 triệu đồng/ha, thời hạn cho vay tối đa 8 năm.
Chương trình được triển khai trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên là Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai và Kon Tum dành cho các phương thức: tái canh theo phương pháp trồng tái canh, hoặc ghép cải tạo cà phê, trên cơ sở quy hoạch tái canh cà phê các địa phương khu vực Tây Nguyên từ nay đến năm 2020 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) có mạng lưới hoạt động rộng khắp trên địa bàn Tây Nguyên, được lựa chọn là ngân hàng tham gia cho vay chương trình này. Nguồn vốn cho vay tái canh được NHNN hỗ trợ thông qua hình thức tái cấp vốn.
Đối tượng được vay vốn là các tổ chức, cá nhân thực hiện tái canh cà phê tại địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Điều kiện vay vốn gồm tổ chức và cá nhân có tên trong danh sách thực hiện tái canh cà phê trên địa bàn được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với Đề án tái canh cà phê tại các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 – 2020; đồng thời có giấy đề nghị vay vốn đính kèm phương án vay vốn và được ngân hàng thẩm định, quyết định cho vay theo quy định.
Theo đó, mức cho vay do khách hàng và ngân hàng thỏa thuận nhưng đối với phương pháp trồng tái canh cà phê mức vay tối đa là 150 triệu đồng/ha, thời hạn cho vay tối đa 8 năm, trong đó thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi là 4 năm tính từ thời điểm khách hàng và ngân hàng ký hợp đồng vay vốn.
Đối với phương pháp ghép cải tạo cà phê mức vay tối đa là 80 triệu đồng/ha, thời hạn cho vay tối đa là 4 năm, trong đó thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi là 2 năm tính từ thời điểm khách hàng và ngân hàng ký hợp đồng vay vốn.
Lãi suất cho vay trong thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi do NHNN công bố nhưng không vượt quá 7%/năm (trong năm 2015 mức lãi suất này là 7%/năm). Lãi suất cho vay sau thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi do NHNN công bố hằng năm trên cơ sở lãi suất lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng cho vay cộng biên độ 2,5%/năm.