Tái cấu trúc hệ thống NHTM Việt Nam theo hướng nào?
(Tài chính) Ngày 9/10/2013, tại Khách sạn Melia, 44B Lý Thường Kiệt, Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Chuyển động kinh tế vĩ mô và Triển vọng tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam - NHTM”.
Buổi hội thảo có sự tham gia của các diễn giả là những nhà kinh tế, các chuyên gia tài chính ngân hàng hàng đầu trong nước và quốc tế đến từ Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), Ngân hàng Morgan Stanley, Ban cố vấn Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
Thách thức lớn
Tháng 9/2008, khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ khủng hoảng tín dụng và nhà đất tại Mỹ bùng phát và lan rộng ra toàn cầu, kéo theo sự sụp đổ của nhiều định chế tài chính khổng lồ, thị trường chứng khoán toàn cầu tụt dốc, tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.
Tiếp theo sự suy giảm của kinh tế thế giới trong năm 2008, những năm 2009-2011 là giai đoạn biến động đầy phức tạp của kinh tế thế giới, trong đó xu hướng chủ đạo là khủng hoảng kinh tế lan rộng và đây là đợt suy thoái tồi tệ nhất từ năm 1930.
Từ năm 2012 đến nay, dù tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn ra hết sức phức tạp, xu hướng phục hồi sau khủng hoảng đã được khẳng định nhờ những kiên trì, nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm kể từ năm 2008 tại một số nước và khu vực trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản… bằng cách duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng với mức lãi suất thấp và đưa ra các gói kích thích kinh tế trị giá hàng chục, hàng trăm tỷ USD.
Tuy nhiên, những vấn đề tồn tại trong các năm qua như nợ công, thâm hụt ngân sách, thất nghiệp… vẫn là những thách thức đòi hỏi nhiều nỗ lực và các biện pháp quyết liệt của các Chính phủ cũng như sự chung tay, hợp tác giải quyết của toàn khối, khu vực và các tổ chức lớn trên thế giới.
Trong bối cảnh thế giới như trên, Việt Nam cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng và những biến động kinh tế tương đối cùng chiều. Bên cạnh đó, những vấn đề nội tại của nền kinh tế được bộc lộ rõ hơn và đang là những thách thức đối với sự phát triển bền vững.
Từ năm 2011, Chính phủ Việt Nam đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2011-2016 là thực hiện tốt 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Qua hơn 2 năm thực hiện nhiệm vụ này, kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận: Khôi phục được ổn định kinh tế vĩ mô; Tái cơ cấu đầu tư đã khắc phục cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải trong nhiều năm qua; Hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) từng bước ổn định, nguy cơ đổ vỡ được đẩy lùi; Cơ bản hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước; Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Tuy vậy, bên cạnh những kết quả nói trên, tiến độ tái cơ cấu nói chung và ba lĩnh vực trọng tâm nói riêng còn chậm, chưa có những thay đổi đột phá.
Những khó khăn trước mắt của nền kinh tế trong ngắn hạn theo Trung tâm nghiên cứu BIDV gồm 04 điểm cơ bản: (i) Sức cầu nội địa còn yếu, tăng trưởng GDP mặc dù còn ở mức thấp nhưng có xu hướng tăng đều qua từng quý; (ii) Lạm phát tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn rất nhạy cảm với những biến động của giá cả đầu vào thế giới và các chính sách nội tại; (iii) Cân đối ngân sách và bài toán nợ công còn nhiều thách thức; (iv) Hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao tác động tiêu cực đến lao động, việc làm.
Tái cơ cấu hệ thống NHTM Việt Nam?
Diễn biến kinh tế vĩ mô có ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động kinh doanh ngân hàng và ngược lại. Đặc biệt, trong nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam, tổ chức tín dụng là kênh dẫn vốn chính cho nền kinh tế. Tháng 3/2012, bằng Quyết định số 254/QĐ - TTg ngày 01/03/2012, Chính phủ Thông qua Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015.
Bắt đầu từ 2011- 2012, tập trung hỗ trợ thanh khoản; rà soát, phân loại TCTD và thực hiện mua bán sáp nhập ngân hàng yếu kém và đến năm 2014 hoàn thành căn bản tái cơ cấu tài chính (xử lý nợ xấu) và 2015 hoàn thành căn bản tái cơ cấu hoạt động và quản trị.
Bên cạnh kết quả bước đầu trên, quá trình tái cơ cấu đối mặt với không ít thách thức như: theo số liệu báo cáo từ các TCTD cho thấy, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 7 là 4,58%, tăng trở lại sau 2 tháng giảm liên tiếp và tăng 0,28% so với đầu năm và với quy mô nợ xấu của toàn hệ thống đòi hỏi nguồn lực lớn để xử lý.
Ngoài ra, những vấn đề như sở hữu chéo còn phức tạp; quản trị ngân hàng và quản trị rủi ro còn hạn chế, các công cụ điều hành còn thiếu, tính công khai minh bạch của các TCTD trong việc công bố chính xác chất lượng tín dụng theo chuẩn mực quốc tế chưa được đáp ứng; năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động của nền khách hàng còn yếu cũng là các vấn đề có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tái cấu trúc của các NHTM.
Với nỗ lực của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước trong việc tạo ra những điều kiện nền tảng thuận lợi ban đầu cho tiến trình tái cơ cấu hệ thống NHTM thời gian tới như: kinh tế vĩ mô ổn định, nền kinh tế đang xuất hiện những dấu hiệu phục hồi và thanh khoản của hệ thống ngân hàng được củng cố. Do vậy, với việc áp dụng đồng bộ những giải pháp về xử lý nợ xấu, tăng cường công tác thanh tra giám sát, nâng cao quản trị rủi ro của các NHTM và giảm sở hữu chéo..., tiến trình tái cơ cấu hệ thống NHTM Việt Nam sẽ đạt được triển vọng tích cực.
Hội thảo “Chuyển động kinh tế vĩ mô và triển vọng tái cấu trúc hệ thống NHTM Việt Nam” sẽ được các nhà kinh tế, chuyên gia tài chính – ngân hàng trong và ngoài nước tập trung đánh giá, phân tích tình hình và đưa ra các kiến giải cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, hội nhập quốc tế và tái cấu trúc ngành ngân hàng Việt Nam cũng như đưa ra những nhận định về triển vọng kinh tế đến hết năm 2013 và năm 2014.