Tái cấu trúc thay đổi hệ thống động lực nền kinh tế

Theo Đất Việt

Nếu làm đúng như Đề án tái cấu trúc sẽ thay đổi động lực, thay đổi thể chế. Khi đó rõ ràng, trong một ‘cuộc chơi’ từng giao dịch cụ thể sẽ là kẻ được người mất, nhưng về dài hạn cũng có thể tất cả đều chiến thắng, có điều người thắng ít người thắng nhiều mà thôi.

TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương nói về những kỳ vọng, quyết tâm cũng như những khó khăn lường trước khi thực hiện Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế.

Khi mỗi người một quan điểm...

Thưa ông ngay sau khi Đề án tái cơ cấu kinh tế được công bố rộng rãi, rất nhiều chuyên gia đã bày tỏ sự thất vọng vì cho rằng còn sơ sài, chưa cụ thể, thiếu lộ trình. Là người tham gia thiết kế Đề án này ông có ý kiến gì trước sự phản ứng đó?

Tái cấu trúc thay đổi hệ thống động lực nền kinh tế - Ảnh 1
TS. Nguyễn Đình Cung,
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý
 kinh tế Trung ương
TS. Nguyễn Đình Cung: Khi bàn đến đề án tái cấu trúc kinh tế mỗi người nói theo cách của mình. Tuy nhiên tôi cho rằng, người ta phải hình dung và có được một khung phân tích và phải hiểu rõ được những khái niệm, quan niệm, nội dung của từng khái niệm trong khung đó.

Ở đây cốt lõi đầu tiên là tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Phải hiểu trên nền tảng đó rồi mới đi sâu vào là cần những điều kiện gì, cần tiến hành nó trong những nội dung gì, định hướng ra sao và giải pháp như thế nào.

Nhìn theo hệ thống, theo một khung tư duy rõ ràng như vậy mới nói được rằng nó dở hay thế nào, chỗ nào được, chỗ nào chưa được.

Bây giờ cứ mỗi người nhìn một góc và không hiểu khi họ nói như vậy trong đầu họ hình dung tái cơ cấu chuyển đổi mô hình tăng trưởng là gì thì khó có thể thảo luận được trên cùng một ngôn ngữ tư duy.

Ít nhất là nếu họ chưa có hoặc không có thì cũng phải xem thử đề án này xây dựng trên nền tảng, hệ tư duy nào. Từ đó phê ở phương pháp luận hay cơ sở khoa học rồi nhìn thực tiễn vấn đề cho chính xác.

Nếu thảo luận được như vậy, đối với những người soạn thảo hay như cá nhân tôi sẽ thấy dễ dàng hơn, và khi tiếp thu cũng thấy dễ dàng hơn.

Chứ còn cứ nói, phân tích mỗi người ở góc độ thì sẽ không biết phải làm như thế nào.

Như bác Cao Sĩ Kiêm cho rằng phải làm lại, vậy làm lại như thế nào, bao nhiêu năm cũng đã góp ý vào đây ngay từ đầu nếu nói chỉ ra chỗ này sai rồi có phải hay hơn không. Nay đến giờ chót bảo phải sửa lại thì biết làm như thế nào.

Vậy theo ông hệ tư duy được áp dụng khi xây dựng đề án này là gì?

Đó là tái cơ cấu trọng tâm phải phân bổ nguồn lực theo hướng rõ ràng hơn.

Để phân bổ lại nguồn lực thì phải thay đổi hệ thống động lực từ đó tác động đến ứng xử, lợi ích của từng con người, kể cả của Chính phủ. Khi tác động như vậy buộc người ta phải phân bố lại nguồn lực, từ đó sẽ phải sử dụng hiệu quả.

Thế thì trong thiết kế này cũng tiến tới thay đổi động lực. Nếu làm đúng như Đề án sẽ thay đổi động lực, thay đổi thể chế. Khi đó rõ ràng, trong một ‘cuộc chơi’ trong từng giao dịch cụ thể có thể sẽ là kẻ được người mất, nhưng về dài hạn cũng có thể tất cả đều chiến thắng, có điều người thắng ít người thắng nhiều mà thôi.

Thay đổi động lực, cần sáng kiến của mọi người

Theo như đề án tái cơ cấu, kinh tế nhà nước đóng vai trò như thế nào, thưa ông?

Tôi không nói gì về vai trò của nhà nước và cũng không nói gì đến vai trò của kinh tế tư nhân. Tất cả mọi việc phải phân bố lại nguồn lực, sử dụng nó hiệu quả. Một triết lý đằng sau là như vậy, không phân biệt nhà nước hay tư nhân.

Vấn đề là một hệ thống động lực mới, đổi mới thể chế thúc đẩy được phân bố lại nguồn lực, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, nâng cao được năng suất.

Vậy trong cuộc chơi này, cái gì sẽ quyết định nguồn lực sẽ dành về đâu là chính?

 Chính là hệ thống động lực. Giống như một người đi làm, điều gì sẽ khiến người ta có động lực để nhiệt tình, sáng tạo, năng động và cố gắng làm tốt nhất. Hay là thể chế đó làm cho mình nhàm chán, mệt mỏi, căng thẳng… Vậy thì trong tái cấu trúc cũng vậy, phải tạo động lực để cho mọi bộ phận phải tự làm mới, thay đổi mình.

Đồng ý với quan điểm này của ông nhưng vấn đề ở đây là làm thế nào để tạo được điều đó?

 Bây giờ cần sáng kiến của mọi người.

Nghĩa là bây giờ mới đang bàn đến câu chuyện này đúng không, thưa ông?

Không. Tôi không nói là bây giờ mới bàn. Phải đọc kỹ trong đề án.

Nhưng theo như đề án những chuyên gia hàng đầu về kinh tế cũng cho rằng nó còn quá chung chung, mới chỉ ra những nhiệm vụ phải làm chứ chưa cụ thể làm như thế nào?

Những công việc được liệt kê trong đề án phải hiểu được xuyên suốt nó. Hiểu được mục tiêu, quan điểm, định hướng giải pháp luôn luôn xoay quanh việc thay đổi lại hệ thống động lực. Đó là cốt lõi của tái cơ cấu. Không làm được như thế là không thành công.

Theo như ông có khó khăn gì không và ông lường trước được điều gì khi thực hiện?

Về kinh tế chính trị nhiều khi làm mà không cần nói. Hình dung trong bối cảnh kinh tế của ta hiện nay, để thay đổi hệ thống động lực là không dễ. Vì nó không đơn giản chỉ là phân bố lại nguồn lực mà còn phân bố lại quyền lực, phân chia lợi ích lúc đó mới tác động đến phân bố lại nguồn lực.

Cho nên thay đổi, phân bố lại quyền lợi, lợi ích là một sự thay đổi không dễ dàng thực hiện trong mọi xã hội, mọi tình huống.

Mọi người cứ hay nói ào ào. Trong bối cảnh khó như thế hãy tìm cho tôi những chỗ mà người ta hay nói là đột phá. Mọi người hãy cùng suy nghĩ và tìm kiếm chỗ nào khả thi làm được và tác động mới là khó.

Ai cũng biết là khó. Nhưng trong bối cảnh thay đổi hệ thống động lực nghĩa là thay đổi phân bố quyền lực, dù ở cấp doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, bộ thậm chí cả cấp chính phủ hoặc lớn hơn. Bây giờ phải tìm giải pháp nào khả thi, làm được và có tác động.

 Nói như vậy thì quả là quá khó?

Tôi đã từng chứng kiến và trong cuộc nhiều bối cảnh rất khó. Ví dụ như khởi đầu cuộc đổi mới năm 1986, hay sau đó luật công ty, doanh nghiệp năm 2000, rồi những sự kiện lớn như gia nhập Asean, bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ… đều không đơn giản nhưng đã làm được và có tác động.

Nghĩa là ông tin tưởng với đề án này sẽ thành công?

 Tôi không nói tôi tin tưởng. Tôi cũng đồng ý là khó nhưng không ai cấm mọi người làm được một chính sách tốt mà được mọi người chấp nhận. Chỉ sợ không dũng cảm, dũng khí và năng lực để làm điều đó.

Vậy trách nhiệm sẽ thuộc về ai trong cuộc thay đổi này?

Tôi nghĩ là trách nhiệm thuộc về tất cả mọi người. Phải luôn suy nghĩ và nghĩ rằng sẽ phải làm được. Tôi nghĩ rằng Quốc hội và từng đại biểu phải ý thức được việc này và quyết tâm cùng thúc đẩy để thực hiện tái cấu trúc.

Xin trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ!