Tái cấu trúc trông đợi ở dòng vốn nội
(Tài chính) Không chờ đợi nhiều ở dòng vốn ngoại, nhiều Ngân hàng thương mại cổ phần bắt tay nhau tìm kiếm dòng vốn nội để tái cơ cấu
Đàm phán khó thông
Các chính sách mới ban hành đầu năm 2015 tiếp tục khuyến khích các NH mời gọi đối tác ngoại tham gia trong tiến trình tái cơ cấu. Cụ thể, Thông tư 38/2014/TT-NHNN, có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2015, quy định về các hồ sơ, trình tự, chấp thuận thủ tục để hỗ trợ quá trình NĐT nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam.
Tuy nhiên, mục tiêu thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đang trở nên khó hơn, khi giá trị đầu tư vốn ngoại qua các năm gần đây đang giảm. Cụ thể, số liệu thống kê của công ty chứng khoán KIS cho thấy, giá trị mua ròng của khối ngoại năm 2012 đạt 154 triệu USD, năm 2013 đạt 263 triệu USD, năm 2014 đạt 136 triệu USD.
Theo nhận định của một chuyên gia, sự sụt giảm đầu tư của khối ngoại xuất phát từ nhiều lý do, trong đó một số tác động tiêu cực như: Mỹ nâng lãi suất cơ bản, ngân sách chính phủ các nước dầu mỏ thâm hụt nặng, bùng nổ tâm lý rời bỏ các khối tài sản rủi ro cao nên tâm lý nhà đầu tư khu vực thị trường mới nổi trở nên bi quan. Về cơ bản thì thị trường Việt Nam cũng sẽ chịu chung tình trạng này.
Chi tiết hơn, nhiều lãnh đạo NH đang trong quá trình đàm phán với khối ngoại cho biết, họ đang đưa ra những tiêu chí quá “xa vời”. Cụ thể, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongABank cho biết, ông đã từng làm việc với một vài đối tác ngoại nhưng chưa đạt được nhiều kết quả, vì các NĐT ngoại chỉ chú trọng đến những NH có tiềm lực mạnh. Cùng quan điểm, lãnh đạo một NH tại TP. Hồ Chí Minh đang nằm trong diện “yếu kém” cho biết, mọi cuộc đàm phán với khối ngoại đều khó thành công, bởi đối tác đưa ra rất nhiều yêu cầu mà phía NH nội khó có thể đáp ứng. Chẳng hạn, khối NH ngoại thể hiện rõ quan điểm là chỉ thích mua lại những NH có mạng lưới bán lẻ tốt, danh sách khách hàng cá nhân nhiều để tận dụng mạng lưới phát triển bán lẻ. Điều này thì phần lớn NH yếu kém không có được.
Thừa nhận điều này, ông Yun Hang Jin - Giám đốc khối thị trường mới nổi, Công ty Korea Investment & Securities, Hàn Quốc cho biết, riêng lĩnh vực tài chính NH, các NĐT ngoại có tham vọng mua lại cổ phần của các NH lớn để thực hiện giấc mơ bành trướng. Còn lại, đối với những NH yếu, việc mua lại chủ yếu muốn biến NH nội thành NH con tại Việt Nam chứ không phải là chi nhánh NH nước ngoài, nên các đàm phán sẽ khó thành công.
Một yếu tố nữa cũng khá quan trọng đối với NĐT ngoại là tốc độ thoái vốn ngoài ngành vẫn còn khá chậm, đặc biệt là 5 lĩnh vực như chứng khoán, BĐS, NH, bảo hiểm và quỹ đầu tư. Theo ông Yun, kế hoạch đặt ra là tổng vốn phải thoái trong 2 năm 2014 và 2015 là 22,5 nghìn tỷ đồng, nhưng năm 2014 chưa đạt được kế hoạch thoái vốn nào đáng kể. Và năm nay, Chính phủ chưa có kế hoạch cụ thể IPO DN lớn nào, nhưng khả năng sẽ ít hơn năm trước nên khó thu hút NĐT nước ngoài giải ngân vốn.
Vốn nội là chủ yếu
Trước những rào cản trên, lãnh đạo nhiều NHTMCP cho biết sẽ tìm cách khác thay thế chứ không trông đợi vào dòng vốn ngoại như trước đây. Bà Văn Thành Khánh Linh, Giám đốc khối quản lý rủi ro và kiểm soát tuân thủ VietCapital Bank chia sẻ, qua quá trình đàm phán với các đối tác ngoại có thể thấy được mục đích thực sự của NĐT ngoại.
Ví dụ, đối với các NH có nền tảng tốt, đối tác ngoại muốn được nới thêm room rót vốn để có quyền chi phối tại NH. Ngược lại, với các NH yếu kém cần tái cơ cấu, đối tác ngoại mong muốn được sở hữu 100% vốn để có thể thao túng. Tuy nhiên, với quy định hiện nay, mọi mong muốn của đối tác ngoại đều chưa được thỏa mãn, nên họ không mặn mà. Vì vậy, theo bà Linh, các TCTD chuyển hướng tìm dòng vốn nội để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu.
Bàn về vấn đề này, ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc NamABank cũng cho biết, chủ trương của NH là mong muốn tìm được đối tác phù hợp để hợp tác, hợp nhất, cùng nhau phát triển. Theo ông Tâm, tận dụng cơ hội thị trường trong nước cũng như chủ trương tái cấu trúc ngành NH của Chính phủ, NHNN, Nam ABank đã chủ động tìm kiếm đối tác trong thời gian qua.
Tổng giám đốc DongABank cũng cho hay, việc tìm kiếm đối tác ngoại sẽ được thực hiện song song với việc tìm kiếm nguồn vốn nội. Bởi sáp nhập giữa các NH phù hợp sẽ giúp cho các bên có được sự cộng hưởng lẫn nhau từ thế mạnh trong sản phẩm, dịch vụ, nguồn khách hàng và mạng lưới giao dịch. Thực tế, một số đơn vị trong nước đã đặt vấn đề mong muốn hợp nhất, sáp nhập vào DongABank để cùng phát triển.
Trong khi đó, OCB - một đơn vị NH thuộc nhóm II - cũng cho biết đang tìm kiếm đối tác trong nước để hợp nhất phát triển. Tuy nhiên, với quy mô và năng lực hiện tại, NH này mong muốn tìm đối tác là NH thuộc nhóm III trở lên.
Với quan điểm của mình, TS. Trần Du Lịch cũng cho rằng, hiện nay các đối tác ngoại quan tâm rót vốn vào các lĩnh vực khác nhiều tiềm năng như BĐS, công ty liên quan BĐS (mua bán, xây dựng, cho thuê…) vì có rất nhiều chính sách đang ủng hộ thị trường BĐS. Còn đối với ngành tài chính, chỉ khi nào các quy định được nới lỏng họ mới thực sự đổ vốn vào lĩnh vực này.
Do đó, các TCTD không nên trông đợi nhiều vào sự tham gia của dòng vốn ngoại vào quá trình tái cấu trúc ngành NH, việc này chỉ có thể dựa vào thực lực nội bộ. Về xu hướng mua bán sáp nhập năm 2015, ngành NH hứa hẹn một năm bùng nổ các thương vụ sáp nhập hợp nhất. “Tuy nhiên việc lựa chọn sao cho phù hợp nhất để các bên cùng phát triển thì phải trông đợi vào chính năng lực tìm kiếm, chọn lọc của các TCTD và NĐT ngoại”, ông Lịch nói.