13.000 tỷ đồng/tháng giới trẻ Việt Nam chi cho ăn quà vặt

Theo Minh Châu/baodansinh.vn

Mức chi tiêu cho ăn uống bên ngoài của nhóm đối tượng sinh năm 1995 trở về sau vào khoảng 890.000 đồng mỗi tháng, theo nghiên cứu của Decision Lab.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hãng nghiên cứu thị trường Decision Lab vừa công bố báo cáo xu hướng chi tiêu của nhóm đối tượng sinh năm 1995 trở về sau (hay còn gọi là thế hệ Z).

Tại Việt Nam, dù thu nhập khiêm tốn và phụ thuộc nhiều vào gia đình, nhưng mức chi tiêu cho ăn uống bên ngoài của thế hệ Z lên đến 892.400 đồng. Tính bình quân mỗi tháng, số tiền nhóm đối tượng này dành ra cho ăn uống gần 13.000 tỷ đồng.

Ước tính Việt Nam có hơn 14,4 triệu người đang trong độ tuổi này và hơn 56% trong số đó không có thu nhập hoặc thu nhập dưới 3 triệu đồng mỗi tháng.

Thói quen ăn uống của nhóm đối tượng này khác biệt tương đối rõ rệt so với thế hệ trước, mà nguyên nhân một phần đến từ việc dễ thích nghi với lối sống hiện đại. Điển hình như việc có thể ăn uống bất kể thời gian nào trong ngày, trong khi những độ tuổi khác thường tuân thủ thói quen dùng bữa theo khung giờ cố định.

Thức uống ưa thích nhất của nhóm đối tượng này là trà sữa, trong khi thế hệ trước duy trì sở thích với cà phê và bia rượu.

Được biết, cửa hàng thức ăn nhanh là địa chỉ hấp dẫn nhất với khoảng 25% sự lựa chọn, tiếp đến là 18% quán xá đường phố và 17% cửa hàng tiện lợi.

Không chỉ chi tiền ăn quà vặt mỗi tháng nhiều, trước đó, Hiệp hội máy móc chế biến thực phẩm và đóng gói (VDMA) công bố số liệu thị trường đồ uống toàn cầu cho biết, Việt Nam đứng thứ 16 thế giới về tiêu thụ đồ uống có cồn.

Cụ thể, tại Việt Nam, trong năm 2016 đã bán được 3.918 triệu lít đồ uống có cồn, bao gồm 3.822 triệu lít bia và 41 triệu lít rượu.

Ông Richard Clemens, giám đốc điều hành Hiệp hội máy chế biến thực phẩm và đóng gói VDMA cho biết, dự kiến đến năm 2020, doanh số tiêu thụ đồ uống có cồn của Việt Nam sẽ tăng lên 4.973 triệu lít, tăng trưởng 29,6% trong kỳ tăng trưởng 2016-2020.