Chuyển khoản nhầm: Làm cách nào để nhận lại số tiền?

Theo doisongphapluat.com

Do bất cẩn, nhiều chủ tài khoản chuyển nhầm tiền tới tài khoản không mong muốn. Câu hỏi đặt ra: làm cách nào để nhận lại số tiền chuyển nhầm?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Mất tiền vì chuyển khoản nhầm

Báo Thanh niên thông tin, đăng ký sử dụng ngân hàng (NH) điện tử (Internet Banking) hay Mobile Banking (giao dịch thông qua điện thoại di động) đang trở thành phương thức phổ biến đối với nhiều người vì khá đơn giản. Các bước thực hiện cũng nhanh gọn và dễ hiểu với những người đã sử dụng máy tính... Thế nhưng, chỉ vì thiếu cẩn thận, nhiều người đã bị mất tiền trong tích tắc.

Thanh Hoa, một nhân viên văn phòng tại Q.10 (TP.HCM), kể trong tháng 3 cô chuyển khoản qua Internet Banking trả tiền mua hàng gần 2 triệu đồng cho người bán có tài khoản cùng NH. Đây không phải là lần đầu chuyển khoản nên cô vô cùng tự tin. Tuy nhiên, sau khi đã nhấn nút “hoàn tất”, kiểm tra lại thông tin chi tiết trên biên lai thì cô choáng váng vì tên và số tài khoản cô đã chuyển là của một người hoàn toàn xa lạ. Vội chạy ra NH, sau khi “trình bày hoàn cảnh”, cô cũng có được thông tin người được chuyển khoản để liên lạc. Nhưng điện thoại nhiều lần không ai nghe máy, trong khi chủ tài khoản ở tận Ninh Thuận. Vậy là cô đành chịu mất tiền. “Lỗi do mình, vì cùng NH khi chuyển khoản đều thể hiện rõ tên người nhận mà mình lại không xem kỹ trước khi bấm nút hoàn tất. Đây là một kinh nghiệm đáng giá cho bản thân”, Thanh Hoa chia sẻ.

Tương tự, chị Ngọc Quỳnh (Q.1, TP.HCM) chuyển 5 triệu đồng cho một người bạn bằng điện thoại di động, nhưng qua ngày sau mới biết bị nhầm số tài khoản khi người bạn chờ mãi vẫn không nhận được tiền, gọi lại hỏi. NH của chị Ngọc Quỳnh không cung cấp thông tin người nhận tiền, vì cho rằng quy định không được phép. Tuy nhiên, nhân viên NH thông báo đã liên lạc với chủ tài khoản đề nghị hợp tác giải quyết. Thế nhưng, khi chuyển tiền chị Quỳnh lại không ghi rõ nội dung chuyển tiền cho ai, chuyển để làm gì... nên phía người nhận nhầm trả lời không biết và không đồng ý hoàn trả.

Trường hợp chị Ngân (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cũng không thể lấy lại tiền sau lần chuyển qua Internet Banking cho một chủ tài khoản ở NH khác. Thời điểm chuyển tiền vào cuối tuần, nên phải sang đầu tuần sau khi người nhận thông báo vẫn chưa nhận được tiền chị Ngân mới kiểm tra lại thì phát hiện mình gõ sai chữ lót tên người nhận và số tài khoản cũng bị sai một số. Do tài khoản người nhận khác NH, chị Ngân không thể kiểm tra lại tên và số tài khoản có tương ứng như chuyển khoản cùng NH, nên đành mất tiền. “Sau lần đó, tôi luôn kiểm tra vài lần để chắc chắn đúng trước khi bấm nút hoàn tất giao dịch”, chị Ngân nói.

Làm cách nào để nhận lại số tiền chuyển nhầm?

Câu hỏi đặt ra: làm cách nào để nhận lại số tiền chuyển nhầm.

Theo phó phòng dịch vụ trung tâm khách hàng của một ngân hàng (NH) thương mại lớn, việc thanh toán giao dịch trực tuyến ngày càng phổ biến nên tình huống chuyển nhầm tài khoản cũng xảy ra nhiều hơn. Để tránh chuyển nhầm, chủ tài khoản cần kiểm tra kỹ các thông tin về người nhận trước khi chuyển. Thông thường, thiết kế giao diện khi thanh toán qua internet, chủ thẻ có 3 bước để kiểm tra.

Nếu chuyển nhầm tiền, tùy theo tài khoản nhận cùng hay khác hệ thống NH mà có quy trình xử lý khác nhau. Trường hợp tài khoản nhận khác NH, NH chuyển sẽ báo cho phía NH nhận về giao dịch nhầm này và phải chờ 3 - 5 ngày để phía NH nhận đưa ra hướng xử lý. Trường hợp tài khoản nhận cùng hệ thống, chủ tài khoản chuyển nhầm phải đến quầy của NH để yêu cầu tra soát chứng từ.

“Thường những trường hợp này khách yêu cầu NH hoàn trả tiền lại vào tài khoản. Tuy nhiên, theo quy định của NH Nhà nước, NH sẽ không được phép khoanh số tiền tài khoản nhận nhầm nên sẽ không thể trích lại ngay tiền từ tài khoản này trả người chuyển. Điều này nhằm tránh trường hợp đã xảy ra trong thực tế, là người chuyển và nhận có giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ với nhau, sau đó người chuyển tiền đến thông báo là chuyển nhầm để hủy lệnh thanh toán”, vị nữ phó phòng này nói.

Sau khi tiếp nhận, nhân viên NH sẽ liên hệ với chủ tài khoản thụ hưởng, thông báo về sự vụ chuyển nhầm tiền và đề nghị người nhận chuyển trả lại số tiền cho người chuyển nhầm. Trường hợp người nhận không đồng ý trả lại tiền, NH sẽ thông báo cho người chuyển để có biện pháp xử lý tiếp theo, như trình báo công an về việc chuyển nhầm tiền này.

Khi có yêu cầu từ cơ quan công an, NH sẽ thực hiện khoanh tiền trên tài khoản người nhận để xử lý. Thời gian xử lý chuyển nhầm tiền nhanh hay lâu phụ thuộc vào việc liên hệ được với chủ tài khoản nhận sớm hay trễ. Trường hợp chủ tài khoản đang đi nước ngoài hay điện thoại không liên lạc được, phía NH phải liên lạc qua mail hay đến trực tiếp địa chỉ đăng ký của khách hàng để xử lý thì thời gian chờ lâu hơn.

Theo quy định hiện hành, chủ tài khoản nhận tiền chuyển nhầm biết số tiền không phải của mình vẫn rút ra tiêu xài và không trả lại thì có thể bị xử lý hình sự.

Báo VnExpress thông tin, trường hợp chủ tài khoản không đồng ý trả lại số tiền, bạn có thể đề nghị Ngân hàng cung cấp thông tin của chủ tài khoản này để khởi kiện yêu cầu trả lại số tiền trên theo quy định tại khoản 1 Điều 599 Bộ luật Dân sự.

Khoản 1 Điều 599 quy định: “Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền...”.

Thủ tục khởi kiện dân sự như sau:

- Hồ sơ khởi kiện: Đơn khởi kiện, giấy tờ cá nhân (CMND, sổ hộ khẩu), các giấy tờ liên quan đến vụ kiện (giấy tờ về chuyển tiền, xác nhận của ngân hàng, bảng kê chuyển tiền...).

- Tòa án có thẩm quyền: Tòa án nơi cư trú của bị đơn.

Trường hợp chủ tài khoản bạn gửi nhầm đã được Ngân hàng thông báo, bạn đã yêu cầu trả lại số tiền nhưng người này “cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ mười triệu đồng... sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật” thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm.

Trường hợp số tiền bạn chuyển nhầm dưới 10 triệu đồng thì chủ tài khoản bạn gửi nhầm có hành vi “chiếm giữ trái phép tài sản” của bạn có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đến 5.000.000 đồng theo quy định tại điểm 2 khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu số tiền đã chiếm giữ trái phép.

Tóm lại, nếu ngân hàng không thể giải quyết để giúp bạn lấy lại được số tiền đã chuyển nhầm thì bạn có thể khởi kiện vụ án dân sự hoặc tố giác hành vi của chủ tài khoản bạn gửi nhầm đến cơ quan công an để được giải quyết.