Nghiên cứu giải pháp giảm nhẹ thiệt hại do lũ quét và sạt lở đất

Theo dangcongsan.vn

Lũ quét và sạt lở đất đang gây ra thiệt hại nặng nề cho Việt Nam; tuy nhiên, các biện pháp hiện nay triển khai vẫn chưa đủ để hạn chế sự tàn phá của những loại hình thiên tai này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại Hà Nội, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp cùng Bộ Đất đai, Cơ sở Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản tổ chức Hội thảo “Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong quản lý thiên tai lần thứ 7: Giải pháp và kỹ thuật nhằm giảm nhẹ thiệt hại do lũ quét và sạt lở đất”.

Bà Đoàn Thị Tuyết Nga – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề về thiên tai. Trong đó, lũ quét và sạt lở đất là các hình thức thiên tai gây ra nhiều thiệt hại nhất.

Tính chung, trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, đã xảy ra trên 300 trận lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, làm chết và mất tích gần 1.000 người, nhiều công trình nhà cửa, giao thông, thuỷ lợi bị hư hỏng nặng nề. Đặc biệt, trong năm 2019, trận lũ quét ngày 3/8/2019 tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa dù chỉ diễn ra trong 15 phút nhưng đã làm 10 người chết và mất tích; 35 nhà sập hoàn toàn; tổng thiệt hại ước tính 120 tỷ đồng.

Trước tình hình lũ quét và sạt lở đất gây thiệt hại lớn, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống các thiên tai này. Có thể kể đến: bàn giao các thiết bị cảnh báo sớm thiên tai cho các địa phương, tập huấn quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp tư nhân đã tham gia thông qua việc lắp đặt các thiết bị hiện đại cung cấp các giải pháp về thời tiết. Tuy nhiên, hiện nay một số giải pháp vẫn phải phụ thuộc vào tính trách nhiệm của người sử dụng thiết bị.

Thông qua việc phân tích hiện tượng lũ quét, sạt lở đất tại Quan Sơn, Thanh Hóa vừa qua, ông Nguyễn Tôn Quân (Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai) cho rằng, hiện nay, hầu hết các địa phương chưa rà soát, đánh giá khu dân cư đảm bảo an toàn với lũ quét, sạt lở đất. Kế hoạch, phương án ứng phó với lũ quét, sạt lở đất chưa cụ thể và chưa được triển khai đồng bộ xuống cơ sở. Phương án “4 tại chỗ” trên thực tế vẫn còn nhiều tồn tại như: vật tư, trang thiết bị còn thiếu, các thiết bị tối thiểu để ứng cứu còn chưa đầy đủ. Đặc biệt, tại các nơi xảy ra lũ quét, sạt lở đất còn mất nhiều thời gian để tiếp cận.

Trên cơ sở đó, ông Quân nhấn mạnh, để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét và sạt lở đất gây ra, cần ngăn chặn ngay tình trạng khai thác rừng trái phép (nếu có). Đồng thời, cần có phương án huy động phương tiện, trang thiết bị để ứng phó, chủ động phương án tiếp cận ngay với người bị nạn, chuẩn bị trang thiết bị để nắm được thông tin khu vực bị thiên tai.

Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó thiên tai, về phía Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cho biết, với lũ bùn đá, Nhật Bản sẽ áp dụng các biện pháp như đập ngăn hoặc vùng trữ được thực hiện để giữ lũ bùn đá; với sạt lở đất ứng dụng các biện pháp thoát nước ngầm, neo được thực hiện để ổn định độ dốc; trượt lở ứng dụng các biện pháp tường chắn được thực hiện để giữ đất. Đặc biệt, ba hành động chính để giảm thiểu thảm họa trầm tích gồm: xây dựng công trình, cảnh báo sớm và sơ tán, quy định và quản lý.

Đại diện phía Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản nhấn mạnh, với những kinh nghiệm của Nhật Bản chia sẻ, tuy nhiên, Việt Nam cần nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp với từng địa phương./.