Lợi thế khi giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài

Trọng tài quốc tế đang ngày càng được sử dụng rộng rãi nhằm giải quyết các tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực như: Dân sự, lao động, đầu tư… có yếu tố nước ngoài. Đặc biệt, trọng tài đã trở thành một trong những phương thức được doanh nghiệp lưu ý khi nảy sinh các tranh chấp từ các hợp đồng thương mại quốc tế, nhất là hợp đồng mua bán ngoại thương:

Thứ nhất, do hình thức này có thủ tục tiện lợi, linh hoạt và nhanh chóng. Khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài các bên được tự do lựa chọn thủ tục tố tụng. Thủ tục tố tụng trọng tài cũng đơn giản hơn so với thủ tục tố tụng tại tòa án. Giải quyết bằng trọng tài, trong một số trường hợp, các bên có thể định ra cả nguyên tắc, trình tự, thủ tục trọng tài.

Thứ hai, phán quyết của trọng tài thường chính xác, khách quan và có độ tin cậy cao. Vì các bên được quyền tự chọn lựa trọng tài viên, nên các trọng tài viên thường là những chuyên gia giàu kinh nghiệm và am hiểu sâu sắc về các lĩnh vực chuyên môn. Đồng thời, quyết định của trọng tài dường như không bị chi phối bởi yếu tố chính trị. Vì thế, nó sẽ mang tính khách quan hơn phán quyết của tòa án.

Thứ ba, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài luôn có khả năng giữ bí mật rất cao. Đối với các bên tham gia hợp đồng thương mại quốc tế, việc giữ bí mật các vụ kiện là rất quan trọng. Bởi bí mật nghề nghiệp, uy tín trên thương thường có ý nghĩa sống còn đối với mỗi doanh nghiệp. Đặc biệt, là những bí mật liên quan đến bí quyết công nghệ, chất lượng sản phẩm, bí quyết kinh doanh… Nếu những bí mật này bị tiết lộ, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh trong tương lai của họ. Vì thế, khi tranh chấp xảy ra, mặc nhiên những bí mật đó có thể bị tiết lộ, nhất là khi giải quyết tại tòa án bởi nguyên tắc xét xử tại tòa án là công khai. Khác với nguyên tắc xét xử công khai tại tòa án, trọng tài lại hoạt động theo nguyên tắc xét xử kín, các quyết định của trọng tài không được công khai, nếu không được sự đồng ý của các bên.

Thứ tư, quyết định của trọng tài có giá trị chung thẩm. Sau khi trọng tài đưa ra phán quyết thì phán quyết đó bắt buộc có hiệu lực thi hành với các bên, các bên không có quyền kháng cáo hay kháng nghị. Đây là điểm khác biệt cũng là ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài so với tòa án. Như vậy, có thể dẫn đến tình trạng dây dưa kéo dài, gây tốn kém cả về thời gian và tiền bạc, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Ưu điểm này xuất phát từ quyền định đoạt của các bên, từ việc tự do lựa chọn phương thức trọng tài đến lựa chọn trọng tài viên cũng như thủ tục tố tụng.

Thực tế tại Việt Nam

Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng trọng tài đã phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới. Ở Việt Nam, do đặc thù của nền kinh tế, chính trị, xã hội nên hình thức này phát triển muộn hơn. Từ năm 1993 đến nay, trước sự đòi hỏi của thực tiễn, ngày 28/4/1993, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định 204/1993/TTg về việc thành lập trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC). VIAC được ghi nhận là tổ chức phi chính phủ được thành lập bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh từ các quan hệ kinh tế quốc tế như các hợp đồng mua bán ngoại thương, các hợp đồng đầu tư, du lịch, vận tải và bảo hiểm quốc tế, chuyển giao công nghệ, tín dụng và thanh toán quốc tế.

Tại Việt Nam, trong những năm qua, số vụ tranh chấp thương mại được giải quyết bằng trọng tài mà tiêu biểu là tại VIAC liên tục tăng, từ 18 vụ/năm (giai đoạn 1993 – 2003) lên 42 vụ/năm (giai đoạn 2004 – 2010). Đội ngũ trọng tài viên không ngừng được mở rộng.

Nhằm loại bỏ các rào cản của pháp luật đối với sự phát triển của trọng tài cũng như để đáp ứng yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng phương thức này ngày càng gia tăng, đồng thời thể hiện sự tôn trọng luật chơi chung trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ngày 25/4/2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Trọng tài thương mại. Tiếp đó, Luật Trọng tài thương mại, được Quốc hội thông qua ngày 17/06/2010 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2011, khắc phục việc phân định không rõ ràng phạm vi thẩm quyền của trọng tài đối với các tranh chấp thương mại, cho phép trọng tài viên là người nước ngoài cũng như nội luật hoá các cam kết quốc tế của Việt Nam về dịch vụ trọng tài…

Với lợi thế đó, trong những năm qua, số vụ tranh chấp thương mại được giải quyết bằng trọng tài mà tiêu biểu là tại VIAC liên tục tăng, từ 18 vụ/năm (giai đoạn 1993 – 2003) lên 42 vụ/ năm (giai đoạn 2004 – 2010). Đội ngũ trọng tài viên cũng không ngừng được mở rộng. Sáu tháng đầu năm 2012, VIAC đã kết nạp thêm 37 trọng tài viên, trong đó có 12 trọng tài viên nước ngoài, nâng tổng số trọng tài viên của Trung tâm lên 151 người, tăng gần 30% so với năm 2009. Tuy nhiên, bức tranh về trọng tài thương mại tại Việt Nam vẫn chưa thật sự khởi sắc khi phương thức này chỉ giải quyết khoảng 11% tổng số tranh chấp thương mại. Số vụ tranh chấp mà VIAC thụ lý trong năm 2011 là 83, vẫn rất khiêm tốn nếu so với 188 vụ mà Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC) giải quyết hay như Uỷban trọng tài Bắc Kinh là 1.500 vụ.

Nguyên nhân là do những quy định của pháp luât hiện hành còn nhiều thiếu sót, chồng chéo, chưa rõ ràng cụ thể. Luật trọng tài thương mại năm 2010 mặc dù đáp ứng phần nào yêu cầu thực tế song sau một thời gian đi vào hoạt động đã bộc lộ nhiều thiếu sót, bất hợp lý. Chưa kể, thói quen, tập quán của thương nhân Việt Nam tin tưởng tòa án hơn trọng tài. Hơn nữa, trình độ trọng tài viên ở Việt Nam đều là những người kiêm nhiệm trong lĩnh vực thương mại. Cho nên, một số trọng tài viên còn chưa chuyên nghiệp. Trong khi đó, các tranh chấp thương mại ngày càng phức tạp, nhất là tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

Giải pháp nâng cao giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng trọng tài

Trọng tài thương mại quốc tế được các chuyên gia kinh tế đánh giá là phương thức giải quyết tranh chấp trong tương lai với nhiều ưu điểm nổi trội. Do vậy, Việt Nam muốn hội nhập vào nền kinh tế thế giới một cách nhanh chóng và bền vững thì phải không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về trọng tài nói riêng cho phù hợp với xu thế phát triển chung.

Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, Nhà nước cũng cần có hành động cụ thể nhằm hỗ trợ cơ chế cho hoạt động này. Điển hình như như ở Trung Quốc, các Uỷban trọng tài được cung cấp trụ sở cùng phương tiện làm việc trong thời gian đầu trước khi tự hoạt động. Nhiều nước châu Á khác như: Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Philippines cũng tương tự. Ngoài ra, trong quá trình giải quyết tranh chấp, trọng tài cũng cần đến cơ chế phối hợp từ các cơ quan nhà nước, trực tiếp là hệ thống toà án, đặc biệt trong việc cưỡng chế thi hành phán quyết cũng như công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.

Hiệu quả hoạt động của trọng tài còn phụ thuộc vào thái độ của các chủ thể kinh doanh. Do đó, việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật trọng tài cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ sẽ giúp doanh nghiệp hiểu hơn về bản chất và ưu thế của trọng tài thương mại, từ đó tạo điều kiện cho cơ chế này ngày càng phát triển.

Bên cạnh đó, mỗi trung tâm trọng tài cũng phải có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ trọng tài viên, không chỉ về số lượng mà cả chất lượng. Đặc biệt, công tác nghiên cứu và giảng dạy pháp luật trọng tài là nhân tố bảo đảm cho sự phát triển bền vững của mô hình. Vì thế, cần bồi dưỡng năng lực cũng như định hướng cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên luật và kinh tế về những vấn đề cơ bản trong pháp luật trọng tài.

Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài: Thực tiễn tại Việt Nam

PGS., TS. TRẦN THỊ LAN HƯƠNG - Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội

(Tài chính) Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, việc xảy ra các tranh chấp thương mại là điều không thể tránh khỏi. Hiện có rất nhiều phương pháp giải quyết tranh chấp nhưng phương pháp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đang được xem trọng trên trường quốc tế. Tuy nhiên, làm thế nào để sáng tỏ những lợi thế trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng trọng tài và tận dụng hiệu quả hoạt động này tại Việt Nam đang là vấn đề đặt ra.

Xem thêm

Video nổi bật