Các nội dung ưu tiên của Việt Nam trong kênh hợp tác tài chính - ngân hàng ASEAN 2020

Bài đăng trên Đặc san Kinh tế - Tài chính Việt Nam 2020

Bên cạnh những hợp tác chiến lược trong dài hạn, Việt Nam cùng với các nước thành viên ASEAN đã xây dựng chương trình hợp tác trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng để đối phó với những biến động bất thường trong ngắn hạn và trung hạn.

Sáng kiến “Tài chính bền vững trong ASEAN” được xây dựng nhằm thúc đẩy tài chính bền vững của khu vực  thông qua việc phát triển thị trường vốn bền vững
Sáng kiến “Tài chính bền vững trong ASEAN” được xây dựng nhằm thúc đẩy tài chính bền vững của khu vực thông qua việc phát triển thị trường vốn bền vững

Việt Nam đã phát huy tốt vai trò trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 khi đã dẫn dắt các nước thành viên thực hiện những ưu tiên hợp tác phù hợp và hiệu quả trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Với dân số 670 triệu người, GDP hơn 3 nghìn tỷ USD, ASEAN đang là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. ASEAN lớn mạnh khá nhanh sau khi hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015. Sự phát triển của ASEAN được cho là tương đối bền vững dựa trên 3 trụ cột thế chân kiềng chắc chắn, đó là: kinh tế, chính trị - an ninh và văn hóa - xã hội. Trong đó trụ cột kinh tế là quan trọng nhất.

Trong trụ cột kinh tế, vấn đề tài chính - ngân hàng là trọng tâm. Hợp tác giữa các nước ASEAN trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng được chú trọng không chỉ nội khối mà cả với các nước đối tác. Hợp tác trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng trong ASEAN đã giúp các nước thành viên và cả khu vực phát triển nhanh hơn, khả năng chống chịu trước các cú sốc tốt hơn. Kể cả khi đại dịch Covid-19 diễn ra, các nước ASEAN cũng không bị tổn thất nặng nề như nhiều nước khác và dự báo khả năng phục hồi khá tốt trong năm 2021.

Ngày 18/9/2020, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN + 3 lần thứ 23 chính thức diễn ra. Tiếp sau đó, ngày 1-2/10/2020, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 6 diễn ra.

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, là đồng chủ trì và chủ trì của các Hội nghị này, Việt Nam cùng với các nước thành viên đã xây dựng chương trình hợp tác trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng để đối phó với những biến động bất thường (nhất là đại dịch Covid-19 trong ngắn hạn và trung hạn), cùng với đó là những hợp tác chiến lược trong dài hạn. Trong đó, nhiều nội dung được ưu tiên trong kênh hợp tác tài chính – ngân hàng ASEAN.

Hợp tác tài chính – ngân hàng ASEAN và một số nội dung ưu tiên của Việt Nam

Đối với kênh hợp tác tài chính – ngân hàng, Bộ Tài chính Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng và phát triển 02 sáng kiến gồm “Tài chính bền vững trong ASEAN” và “Thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực”, hai sáng kiến này đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp diễn ra từ 8-11/3/2020 tại Đà Nẵng.

Đối với kênh Tài chính, sáng kiến “Tài chính bền vững trong ASEAN” được xây dựng với mục đích thúc đẩy tài chính bền vững của khu vực thông qua việc phát triển thị trường vốn bền vững, cụ thể khuyến khích các nước ASEAN phát hành Trái phiếu xanh ASEAN, Trái phiếu xã hội ASEAN và Trái phiếu bền vững ASEAN áp dụng tiêu chuẩn chung khu vực.

Đối với kênh ngân hàng, sáng kiến “Thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực” có mục tiêu: (i) Thúc đẩy khả năng liên thông của các hệ thống thanh toán bán lẻ trong khu vực ASEAN; (ii) Cung cấp các phương tiện an toàn và hiệu quả để thực hiện thanh toán bán lẻ cho các thành viên tham gia; (iii) Đảm bảo cơ chế quản lý hiệu quả các rủi ro phát sinh từ khi tiếp nhận, xử lý, thanh toán và bù trừ các giao dịch thanh toán bán lẻ giữa các thành viên tham gia; và (iv) Đảm bảo các quyền và lợi ích của người tiêu dùng được bảo vệ và hệ thống thanh toán bán lẻ có khả năng liên thông trong khu vực ASEAN không được lợi dụng cho các hoạt động bất hợp pháp theo các quy tắc về chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố trong khu vực ASEAN.

Với tính chất của hợp tác tài chính – ngân hàng ASEAN là tiến trình hợp tác có tính tiếp nối các hoạt động hợp tác tài chính – ngân hàng qua các năm, ngoài 02 sáng kiến trên, Việt Nam tiếp tục tiếp nối các sáng kiến đang triển khai định kỳ. Căn cứ trên thực tiễn khu vực và các kết quả đạt được cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang tập trung ưu tiên thúc đẩy theo các trụ cột gồm: Kết nối, hội nhập, bền vững và bao trùm.

Kết nối

- Tăng cường thuận lợi hóa thương mại thông qua các hoạt động hợp tác hải quan. Toàn bộ 10 nước thành viên trao đổi mẫu đăng ký điện tử form D, theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN thông qua Cơ chế một cửa ASEAN kể từ tháng 12/2019, thông qua Kế hoạch Chiến lược Phát triển Hải quan 01-15 cho giai đoạn 2021-2025 và hoàn thành công việc cập nhật của Hướng dẫn xác định trị giá hải quan ASEAN (phiên bản 2019); Từng bước thực hiện hoạt động của Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN (ACTS) 2020.

- Mở rộng Cơ chế một cửa ASEAN cũng như nghiên cứu khả năng kết nối với các đối tác thương mại của ASEAN như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...; Thúc đẩy việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực.

- Tăng cường kết nối thanh toán xuyên biên giới khu vực ASEAN thông qua thanh toán QR được tiêu chuẩn hóa cho các khoản thanh toán và chuyển tiền theo thời gian thực. Hoạt động này sẽ được thực hiện đầu năm 2021 ở một vài quốc gia đầu tiên.

- Thiết lập một cách thức giám sát chung cho các thành viên ASEAN đã sẵn sàng thông qua Khung chính sách thanh toán ASEAN; Thực hiện sáng kiến ưu tiên hợp tác của trụ cột kinh tế của năm quốc gia ASEAN 2020 về thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực.

Hội nhập

- Thúc đẩy ký kết Nghị định thư (Gói 9) về tự do hóa dịch vụ tài chính ASEAN trong khuôn khổ Hiệp định khung về dịch vụ và khuyến khích các nước thành viên đạt được các cam kết quan trọng và có ý nghĩa hơn về dịch vụ tài chính, vì đây sẽ là gói cam kết cuối cùng trước khi chuyển sang ATISA.

- Tăng cường hợp tác thuế: Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới Hiệp định thuế song phương trong ASEAN theo Kế hoạch hành động 2016-2025 về hợp tác thuế ASEAN và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu về thuế, xây dựng mạng lưới Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, xây dựng Kế hoạch hành động về các khuyến nghị của Nghiên cứu về các cấu trúc thuế khấu trừ tại nguồn của ASEAN.

- Hoàn thiện Lộ trình cho Khung khổ hội nhập bảo hiểm ASEAN (AIIF), đặc biệt là tự do hóa đáng kể tái bảo hiểm và chuyển nhượng tái bảo hiểm, bao gồm việc tự do hóa hơn nữa tái bảo hiểm và chuyển nhượng tái bảo hiểm đối với rủi ro thảm họa dựa trên sự sẵn sàng của các nước thành viên.

- Thúc đẩy hội nhập ngân hàng khu vực thông qua các thỏa thuận Khung khổ hội nhập ngân hàng ASEAN (ABIF) và thiết lập các ngân hàng đạt chuẩn ASEAN nhằm thúc đẩy sự năng động trong lưu chuyển nguồn vốn, tăng giao dịch thương mại và đầu tư xuyên biên giới. ABIF được thực hiện dựa trên nguyên tắc “toàn diện, minh bạch và có đi có lại”.

Bền vững

- Tăng cường tài chính bền vững phát triển thị trường vốn ASEAN, tập trung vào phát hành 03 bộ trái phiếu chung khu vực ASEAN.

- Tiếp tục thúc đẩy tài chính cơ sở hạ tầng; Vận hành công cụ tài chính xanh ASEAN như một nền tảng đối với cơ sở hạ tầng xanh ASEAN trong Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN bằng cách khởi tạo, chuẩn bị và sàng lọc các dự án xanh tiềm năng.

- Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, lưới an toàn vĩ mô khu vực cùng với các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Phát triển (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

- Tăng cường tính bền vững trong khu vực ngân hàng thông qua nghiên cứu “Các nguyên tắc ngân hàng bền vững ASEAN” để hướng dẫn các ngân hàng trung ương và cơ quan tiền tệ ASEAN thúc đẩy ngân hàng bền vững trong ASEAN.

- Tăng cường vai trò của các ngân hàng trung ương trong kiểm soát rủi ro khí hậu và môi trường. Điều này rất quan trọng trong việc xây dựng phương thức bảo vệ sự ổn định tài chính, đồng thời hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp, thân thiện với môi trường.

Bao trùm

- Tăng cường tiến trình tài chính toàn diện hướng tới năm 2025, đặc biệt đối với việc tăng cường tài chính toàn diện qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính kỹ thuật số, phát triển công nghệ tài chính, xây dựng một khung khổ giám sát và đánh giá cho tài chính toàn diện.

- Mở rộng các dịch vụ tài chính vi mô như: các khoản vay vi mô, bảo hiểm vi mô, nâng cao nhận  thức và khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính – ngân hàng cho người dân, nhất là các nhóm yếu thế. 

Hợp tác tài chính – ngân hàng ASEAN + 3 năm 2020 và một số nội nội dung ưu tiên

Cộng đồng kinh tế ASEAN và các nước đối tác khu vực Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc (ASEAN + 3) luôn coi trọng hợp tác trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng vì hệ thống này có vai trò to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Các nước thành viên ASEAN + 3, trong đó Việt Nam đã có nhiều sáng kiến góp phần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này.

Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM)

- Các thành viên đã đồng ý: (i) Tăng tỷ lệ nhận hỗ trợ của khoản vay không gắn với IMF từ 30% lên 40%, (ii) Thể chế hóa các khoản đóng góp bằng nội tệ theo cơ chế tự nguyện và theo nhu cầu trong CMIM dành cho cả bên cung cấp hoán đổi và bên yêu cầu hoán đổi, cả hai yếu tố trên đều được đưa vào Tài liệu sửa đổi bổ sung của Thỏa thuận CMIM trong năm nay, (iii) Làm rõ Khung điều kiện CMIM cho khoản vay không gắn với IMF.

- Sửa đổi bổ sung Thỏa thuận CMIM và phê duyệt Thỏa thuận sửa đổi Thỏa thuận CMIM với mục tiêu hoàn thành việc ký kết và thúc đẩy Thỏa thuận sớm có hiệu lực, chậm nhất vào cuối năm 2021.

- Hoàn thành Khung điều kiện CMIM, phê duyệt Hướng dẫn kỹ thuật với sự hỗ trợ của  Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO) sẽ giúp các thành viên CMIM trong việc thiết lập các điều kiện cho Khoản vay không gắn với IMF, đảm bảo tính độc lập trong quá trình đưa ra quyết định của CMIM, giảm thiểu gánh nặng đối với quốc gia được  yêu cầu rút vốn.

Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN + 3

- Tăng cường năng lực của AMRO để Cơ quan này đóng góp hiệu quả hơn trong việc hoạch định chính sách của ASEAN và các đối tác.

- Phát huy những kết quả mà AMRO đã đạt được như việc việc lồng ghép khung Ma trận Đánh giá Kinh tế và Đối thoại Chính sách (ERPD) vào công việc giám sát thường xuyên của mình; hay việc sử dụng Bảng chấm điểm Ma trận ERPD để đánh giá nền kinh tế thành viên có tiếp cận được Chương trình hỗ trợ phòng ngừa khủng hoảng CMIM hay không.

Sáng kiến Thị trường Trái phiếu châu Á

- Hỗ trợ sự phát triển của các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ nhằm giảm thiểu sự chênh lệch về tiền tệ và kỳ hạn, cũng như huy động các khoản tiết kiệm trong khu vực để tài trợ cho đầu tư dài hạn trong khu vực.

- Ổn định thị trường Trái phiếu ASEAN+3, thực hiện liên kết Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và Hệ thống thanh toán trên thời gian thực trong khu vực ASEAN+3, thúc đẩy việc sử dụng tài sản thế chấp qua biên giới trong khu vực.

Hợp tác tài chính ASEAN+3 trong tài trợ và bảo hiểm rủi ro thiên tai

Hỗ trợ các nỗ lực của Công cụ Bảo hiểm rủi ro Thiên tai Đông Nam Á nhằm tăng cường khả năng phục hồi tài chính của các nước thành viên ASEAN chống lại các rủi ro thiên tai và khí hậu, đặc biệt là ở những nước có trình độ phát triển thấp.