ASEAN trước cơn cảm cúm của Trung Quốc

Theo daibieunhandan.vn

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Vì thế, các chuyên gia cho rằng, chủ trương tái cân bằng nền kinh tế của Trung Quốc với việc giảm tốc tăng trưởng sẽ tác động xấu lên các nền kinh tế ASEAN trong ngắn hạn nhưng sẽ có lợi cho khu vực này về lâu dài.

ASEAN trước cơn cảm cúm của Trung Quốc
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Số liệu mới nhất của Văn phòng báo chí Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc cho thấy Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều trong 6 tháng đầu năm 2013 đạt 210 tỷ USD, gấp gần 4 lần so với cả năm 2002, trong khi ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc. Đầu tư của Trung Quốc sang các nước ASEAN không ngừng tăng trưởng, trong đó đầu tư trực tiếp đạt gần 30 tỷ USD, trung bình mỗi năm tăng hơn 15%, lĩnh vực đầu tư cũng được mở rộng từ ngành xây dựng, thầu công trình truyền thống chuyển sang các ngành năng lượng mới, ngành chế tạo... ASEAN đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc. Đầu tư của ASEAN sang Trung Quốc cũng vượt 80 tỷ USD, chiếm 6,6% tổng kim ngạch thu hút đầu tư vốn nước ngoài của Trung Quốc, và trở thành nguồn đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 của Trung Quốc. Vì thế, khi nền kinh tế của Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong 9 quý gần đây và chính phủ nước này cho biết sẽ chấp nhận tăng trưởng chậm hơn để thúc đẩy cải cách nhằm giảm sự phụ thuộc vào đầu tư ồ ạt cho khu vực dịch vụ và tăng trưởng tiêu dùng, có nhiều ý kiến lo ngại về tác động của việc kinh tế Trung Quốc suy giảm đối với các nền kinh tế ASEAN.

Nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể từ năm 2010 và có thể còn sụt giảm hơn nữa, một viễn cảnh đang khiến các nhà đầu tư và thị trường bên ngoài Trung Quốc lo ngại. Với việc nhiều động cơ tăng trưởng truyền thống của kinh tế toàn cầu, như Mỹ cũng tăng trưởng ì ạch, hoạt động của kinh tế Trung Quốc đang ngày càng trở nên quan trọng. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu thị trường toàn cầu Nomura (Nhật Bản), với kịch bản “Trung Quốc giảm tốc” như vậy, tác động đối với thị trường chứng khoán ASEAN nói chung có thể sẽ ít hơn so với phần còn lại của khu vực châu Á - Thái Bình dương, trừ Nhật Bản. Tác động đối với doanh thu trực tiếp ở Thái Lan, Philippines và Indonesia có thể sẽ được giới hạn do hơn 90% doanh thu của các công ty niêm yết của 3 thị trường này bắt nguồn từ thị trường nội địa. Mặt khác, tác động trên thị trường chứng khoán Malaysia và Singapore có thể dễ thấy hơn. Các ngành hóa chất, năng lượng và sòng bạc tại Malaysia dễ bị ảnh hưởng nhất, còn với Singapore là ngành du lịch và đặc biệt là lĩnh vực bất động sản vốn dễ bị tổn thương của đảo quốc này.

Về ngoại hối, sự phiền toái do việc kinh tế Trung Quốc suy giảm nhanh chóng gây ra cũng sẽ rất khác nhau giữa các nền kinh tế ASEAN. Viện nghiên cứu Nomura cho rằng các nền kinh tế mở như Singapore sẽ hứng chịu nhiều rủi ro nhất từ sự sụt giảm trong thương mại và dòng vốn. Nguy cơ giảm giá đồng tiền cũng sẽ xảy ra với đồng nội tệ của Malaysia, do nước này giữ nhiều trái phiếu nước ngoài và nhạy cảm với các rủi ro về luồng vốn. Trong khi đó, nguy cơ mất giá của đồng bath Thái Lan được xem là không nghiêm trọng như các đồng tiền của Singapore và Malaysia, nhưng tính dễ tổn thương của đồng tiền này lại tăng lên do sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào Trung Quốc thông qua các kênh thương mại.

Ngược lại, sức mạnh tiền tệ của  Indonesia và Philippines phải chứng minh được sức chống đỡ khả quan hơn trước việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, bởi chính sách thắt chặt tiền tệ do Ngân hàng trung ương Indonesia đưa ra mới đây sẽ giúp ổn định đồng rupiah. Trong khi đó, sức mạnh của kinh tế Philippines chủ yếu do nhu cầu nội địa và thặng dư tài khoản vãng lai mạnh sẽ giúp đồng peso trở thành địa chỉ thu hút đầu tư tốt hơn trong khu vực.

Viện nghiên cứu CIMB cho rằng, do tầm quan trọng của liên kết chuỗi cung ứng theo chiều dọc với Trung Quốc, hoạt động thương mại của ASEAN sẽ bị tổn thương nếu xuất khẩu của Trung Quốc giảm. Tuy nhiên, Nghiên cứu CIMB cũng chỉ ra rằng theo thời gian, việc tái cân bằng trong nền kinh tế Trung Quốc, lấy tiêu dùng trong nước làm động lực, về lâu dài sẽ mang lại lợi ích lớn hơn và nhiều hơn cho các đối tác thương mại trong ASEAN, nếu họ có thể mở rộng thành công việc xâm nhập trực tiếp và gián tiếp vào thị trường hàng tiêu dùng ở Trung Quốc. Ngoài ra, trên cơ sở những triển vọng đầu tư hấp dẫn tại Malaysia, Thái Lan và Indonesia, những cam kết của Trung Quốc về đầu tư dài hạn vào các nước ASEAN sẽ tiếp tục được thực hiện, mặc dù dòng vốn đầu tư trực tiếp từ các công ty Trung Quốc đổ vào châu Á có thể giảm sút trong ngắn hạn do suy thoái.

Với những thành tố quan trọng của nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu bên ngoài  đang gặp khó khăn, việc Trung Quốc chấp nhận tăng trưởng chậm lại, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để nền kinh tế có thể “hạ cánh mềm” là một dấu hiệu tốt cho sự tăng trưởng bền vững lâu dài hơn, từ đó mang lại lợi ích cho nền kinh tế toàn cầu nói chung và Đông Nam Á nói riêng.