Sốt ruột với tiến độ…

Tính lũy kế đến thời điểm 30/6/2014, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 6.849 doanh nghiệp (DN), trong đó cổ phần hóa (CPH) 4.103 DN, bao gồm 3.688 DN và 415 bộ phận DN, còn lại 911 DN 100% vốn nhà nước. Giai đoạn 2011-2013, tiến độ tái cơ cấu và CPH doanh nghiệp nhà nước (DNNN) còn chậm, đặc biệt là CPH chỉ đạt 99/531 DN (18,6%).

Chính vì con số đạt được quá ít ỏi trên đã khiến cho 2 năm còn lại của giai đoạn này, 2014-2015, số DNNN phải CPH bị dồn lại tới 432 DN. Như vậy, trung bình mỗi năm, cả nước sẽ phải “giải quyết” 216 DN. Nghĩa là, kết quả làm được phải gấp 3 lần kết quả thực hiện năm 2013, gấp 16 lần kết quả năm 2012.

Trong 7 tháng đầu năm, cả nước đã sắp xếp được 76 DN, trong đó CPH được 55 DN, giải thể 2 DN, bán 1 DN, sáp nhập 15 DN và đề nghị phá sản 3 DN. Dự kiến năm 2014 sẽ thực hiện CPH được 163 DN. Như vậy, nhiệm vụ CPH, tái cơ cấu đặt ra từ nay đến hết năm 2015 là hết sức nặng nề và “không còn đường lùi”.

Theo báo cáo của Vụ Đổi mới DNNN (Văn phòng Chính phủ), hầu hết con số DNNN “tồn kho” này thuộc các đơn vị: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam… chiếm tới 43% tổng số DNNN trên.

Đến hết tháng 7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt toàn bộ 20 đề án tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Cả nước đã sắp xếp được 76 DN, trong đó CPH được 55 DN, giải thể 2 DN, bán 1 DN, sáp nhập 15 DN và đề nghị phá sản 3 DN.

Nguyên nhân của sự chậm trễ trên là do những khó khăn từ thị trường tài chính, thị trường chứng khoán giảm sút, sức mua cổ phần thấp, nguồn cung vượt quá năng lực hấp thụ của thị trường…

Thống kê đấu giá cổ phần của các công ty, tổng công ty nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2014 cho thấy, trung bình có 27% số cổ phần chào bán trúng giá, trong đó, có tới một nửa số DN chỉ bán được dưới 2% tổng số cổ phần chào bán.

Việc thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hết sức khó khăn, mới đạt 4.164 tỷ đồng trên tổng số 21.797 tỷ đồng cần thoái (19%), các nhà đầu tư bên ngoài chỉ mua 267 tỷ đồng, còn lại 3.894 tỷ đồng là trong nội bộ.

Với sự “lỗi hẹn” triền miên CPH trong những năm qua thì sự lo ngại về khả năng “cán đích” đúng hẹn vào năm 2015 là hết sức khó khăn. Trong khi, giải thích cho sự “lỗi hẹn”, các cơ quan bộ ngành địa phương thường đổ lỗi cho khách quan, cho bối cảnh kinh tế suy giảm, cho cơ chế pháp lý…

Tuy nhiên, bài học “cách chức” lãnh đạo khi không hoàn thành nhiệm vụ ở Bộ Giao thông Vận tải đã cho câu trả lời nhanh nhất về hiệu quả đổi mới DNNN và đã làm rõ nguyên nhân chỉ đạo thiếu quyết liệt là yếu tố phải khắc phục đầu tiên.

Không còn đường lùi

Tại hội nghị về tái cơ cấu DNNN mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: “CPH là con đường duy nhất để nâng cao hiệu quả của DNNN, khơi thông nguồn lực cho kinh tế quốc gia. Lộ trình trên con đường đó không thể chậm trễ hơn nữa”.

Với quyết tâm mới, sức ép mới và kỷ luật mới, lịch sử chậm trễ của CPH sẽ không lặp lại là những kỳ vọng đang đặt ra cho chặng đường còn lại từ này đến hết năm 2015. Trước bước đường không thể lùi, công tác CPH, tái cơ cấu DNNN đang ở chặng nước rút, đòi hỏi đặt ra cần khẩn trương, quyết liệt từ các cấp, các ngành.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Văn bản số 334/TB-VPCP Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị giao ban mới đây về tái cơ cấu DNNN. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước bám sát đề án tái cơ cấu, phương án sắp xếp DNNN đã được phê duyệt, chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ và khẩn trương nhiệm vụ CPH, thoái vốn nhà nước.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chỉ đạo các DN đang xác định giá trị đến quý III/2014 công bố được giá trị DN và cuối quý IV/2014 phê duyệt xong phương án CPH. Những DN có điều kiện thì thực hiện IPO theo quy định hiện hành.

Những DN chưa có điều kiện đấu giá cổ phần ra công chúng lần đầu (IPO) ngay thì chuyển thành công ty cổ phần với các cổ đông là Nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, tổ chức công đoàn, người lao động, cổ đông chiến lược (nếu có) hoặc các cổ đông tự nguyện khác nhằm thay đổi hình thức pháp lý DN, đa dạng hóa sở hữu, góp phần dân chủ hóa kinh doanh, tạo hàng hóa sẵn sàng cho thị trường.

Để gắn chặt quá trình CPH DNNN với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán, cần quy định cụ thể về thời gian thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán trong quyết định phê duyệt phương án CPH của từng DN; việc thoái vốn nhà nước tại DN phải được tiến hành chặt chẽ, có kế hoạch, theo lộ trình, bảo đảm nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, hiệu quả.

Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế căn cứ tiêu chí, danh mục phân loại DNNN ban hành tại Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, rà soát, bổ sung DN cần CPH, thoái vốn nhà nước và lộ trình triển khai, trong quý III/2014 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện. Đối với một số DN hoạt động trong lĩnh vực công ích như môi trường đô thị, cấp, thoát nước, nếu các nhà đầu tư trong nước có nhu cầu nắm giữ đa số vốn điều lệ thì khuyến khích, với điều kiện DN cam kết cung cấp tốt các dịch vụ công ích này cho nhân dân.

Tái cơ cấu DNNN không còn đường lùi cho sự chậm trễ. Chậm trễ tái cơ cấu sẽ đồng nghĩa với việc nền kinh tế khó có thể phát triển. Để làm được điều này, cần nhắc lại lời khẳng định của người đứng đầu Chính phủ “Ai chần chừ CPH, mời làm việc khác!”.

                                                                          Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 9-2014

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Hết đường lùi...

PHẠM THỊ PHƯƠNG ANH

(Tài chính) Lỗi hẹn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là câu chuyện quá quen từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, khi thời hạn cuối đã được xác định và quyết tâm chính trị đã đặt ra phải hoàn thành vào năm 2015 thì việc cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp không còn đường lùi…

Xem thêm

Video nổi bật