Tái cơ cấu ngân hàng để vực dậy niềm tin thị trường

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM), là nhiệm vụ trọng tâm của kinh tế nước ta năm 2014 - 2015.

Tái cơ cấu ngân hàng để vực dậy niềm tin thị trường
Tái cơ cấu hệ thống NHTM là nhiệm vụ trọng tâm của kinh tế nước ta năm 2014 - 2015. Nguồn: internet
Đây cũng là vấn đề được tập trung thảo luận tại Hội thảo quốc tế “Chuyển động kinh tế vĩ mô và triển vọng tái cơ cấu ngân hàng thương mại Việt Nam”, do Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) BIDV tổ chức ngày hôm nay (9/10).

Kinh tế năm 2013 có nhiều điểm sáng

Theo nhận định của Trung tâm Nghiên cứu Ngân hàng TMCP BIDV, kinh tế thế giới và trong nước 9 tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực. Trong nước, lạm phát đã được kiềm chế ở mức thấp, dự kiến ở mức 7% năm 2013.

Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm cao hơn cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 5,14%.

Xuất nhập khẩu vượt kế hoạch. Thu hút và giải ngân vốn ODA, FDI đều rất khả quan.

Thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản của hệ thống NHTM dồi dào, lãi suất huy động, cho vay giảm nhanh (từ tháng 8/2011 đến nay, ngân hàng nhà nước (NHNN) đã có 8 lần hạ lãi suất điều hành, lãi suất cho vay đã giảm mạnh từ mức 17 - 19% xuống còn 8 - 12%). Thị trường bất động sản, chứng khoán có nhiều tín hiệu ấm dần lên…

Dù vậy, theo ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV, kinh tế Việt Nam hiện vẫn phải đối mặt với những khó khăn. Trong đó, khó khăn trước mắt là sức cầu nội địa còn yếu, tăng trưởng phục hồi chậm và chưa vững chắc.

Lạm phát tuy đã được kiểm soát, nhưng vẫn rất nhạy cảm với những biến động của giá cả đầu vào thế giới và các chính sách nội tại. Xử lý nợ xấu chưa có nhiều chuyển biến rõ nét. Cân đối ngân sách và bài toán nợ công còn nhiều thách thức, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn…

Trong bối cảnh này, Trung tâm Nghiên cứu BIDV cho rằng, để đảm bảo hiệu quả trong vận hành nền kinh tế, cần kết hợp hài hòa giữa giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp bách với các vấn đề cơ bản, dài hạn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

“Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014 - 2015 vẫn là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế. Trong năm 2014, chúng tôi đề xuất Chính phủ tiếp tục kiên định mục tiêu kiểm soát chặt chẽ lạm phát, tối ưu hóa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, phân bổ vốn đầu tư hợp lý nhằm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hồi phục và mở rộng sản xuất”, ông Trần Phương đề nghị.

Việc đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế cũng nhận được sự đồng thuận rất lớn. Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, hiện là thời cơ để đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, tạo bước ngoặt làm thay đổi tình hình; nếu chậm trễ thì cơ hội sẽ mất và bất ổn có nguy cơ tái diễn.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 7/10 cũng nhận định, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã cải thiện trong 2 năm qua, song quá trình tái cơ cấu đang bị chậm lại. “Nếu quá trình tái cơ cấu vẫn bị trì hoãn, thì lòng tin của các nhà đầu tư sẽ bị xói mòn và tác động tiêu cực lên tăng trưởng”, WB cảnh báo.

Tái cơ cấu hệ thống NHTM có nhiều triển vọng

Trong 3 trụ cột tái cơ cấu, tái cơ cấu hệ thống NHTM được đặc biệt quan tâm vì ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế. Theo Trung tâm Nghiên cứu Ngân hàng BIDV, quá trình tái cơ cấu ngân hàng đã đạt được một số kết quả ban đầu, như thanh khoản hệ thống được đảm bảo, đã xử lý được 9 ngân hàng yếu kém.

Trật tự thị trường huy động vốn được thiết lập, lãi suất giảm nhanh, các NHTM đã tích cực trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu. Hệ thống tổ chức tín dụng đã chủ động và kiên định đổi mới toàn diện, áp dụng các chuẩn mực theo thông lệ quốc tế (Basel II)...

Dù vậy, quá trình tái cơ cấu hệ thống NHTM cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, nợ xấu vẫn ở mức cao và đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn để xử lý nợ. Ngoài ra, những vấn đề như sở hữu chéo, quản trị rủi ro còn nhiều hạn chế, các công cụ điều hành còn thiếu và năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động của nền khách hàng còn yếu cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tái cơ cấu các NHTM.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng cho rằng, dù quyết tâm chính trị của NHNN là rất lớn, song thực tế triển khai tái cơ cấu hệ thống NHTM không dễ bởi nhiều nguyên nhân, như thiếu thông tin, lợi ích nhóm, sở hữu chéo, phối hợp chính sách yếu, nguồn lực hạn chế.

Ngoài ra, có rất nhiều vấn đề như xử lý nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp, tăng tín dụng... NHNN không thể một mình giải quyết, trong khi công tác phối hợp chính sách chưa hiệu quả.

Dẫu vậy, ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV tin tưởng, nỗ lực của Chính phủ, của NHNN thời gian qua đã tạo ra những điều kiện nền tảng thuận lợi ban đầu cho tiến trình tái cơ cấu hệ thống NHTM. Với việc áp dụng đồng bộ những giải pháp về xử lý nợ xấu, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, nâng cao quản trị rủi ro của các NHTM và giảm sở hữu chéo..., tiến trình tái cơ cấu hệ thống NHTM Việt Nam thời gian tới sẽ đạt được kết quả tích cực.