Tái cơ cấu ngân hàng vẫn chậm...
(Tài chính) “Tốc độ tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng vẫn chậm hơn so với kỳ vọng”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định như vậy khi điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam 2014.
Thống kê cho thấy, đến nay, trong hệ thống ngân hàng đã giảm bớt được 5 ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần yếu kém thông qua sáp nhập và hợp nhất (M&A); 4 ngân hàng yếu kém thực hiện đổi tên, thực hiện tái cơ cấu. Sau khi triển khai đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng đến nay, các ngân hàng đã cơ bản hoạt động ổn định, không gây xáo trộn lớn tới hoạt động của toàn hệ thống. Điển hình như: TPBank đã thực hiện tái cơ cấu thành công, hiện tổng tài sản đã tăng gấp 2,5 lần so với trước khi tái cơ cấu, đạt gần 40.000 tỷ đồng, nợ xấu giảm từ 5,8% xuống còn 2,3%; tương tự, con số nợ xấu của SHB cũng đã giảm từ 8% xuống còn khoảng 4%... Điều này, đang dần tạo niềm tin vào hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Ghi nhận tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đa phần đại biểu Quốc hội đánh giá rằng, tái cơ cấu ngân hàng có nhiều chuyển biến tích cực. Ngược lại cũng không ít ý kiến trong dư luận phản ánh, lĩnh vực tái cơ cấu ngân hàng diễn ra vẫn khá chậm. Gần đây nhất, WB chỉ rõ, tốc độ tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng vẫn chậm hơn so với kỳ vọng và đề xuất Việt Nam cần đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách lĩnh vực này. “Hệ thống ngân ngân hàng tuy đặt mục tiêu trong năm 2014 M&A 6-7 ngân hàng và giảm 50% số lượng NHTM trong vòng 3 năm tới. Vậy nhưng, ngoài 9 ngân hàng đã triển khai, đến nay vẫn chưa có thêm một thương vụ M&A nào”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam nhìn nhận.
Nhận diện những khó khăn của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam, WB đề cập tới giải pháp mạnh như đóng cửa, giải thể ngân hàng quá yếu kém. Theo WB, những giải pháp sáp nhập, hợp nhất, đổi tên… mới xử lý được vấn đề thanh khoản trong ngắn hạn, Việt Nam cần có một cơ chế xử lý ngân hàng hiệu quả hơn trong giai đoạn tới. Cụ thể như: Thực hiện kiểm toán hoạt động sẽ giúp Việt Nam đưa ra cơ sở cho các kế hoạch tái cấu trúc các NHTM cổ phần nhà nước; xác định những xu hướng chủ đạo trong mối quan hệ chéo giữa các ngân hàng và bên vay sẽ giúp Việt Nam dễ dàng theo dõi rủi ro hệ thống trong giai đoạn cải cách…
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 12-2014