Tại sao Anh gia nhập CPTPP?
Từ đầu mùa hè năm 2021, Bộ trưởng Thương mại Anh, bà Liz Truss từng tuyên bố, nước này mong muốn gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào năm 2022. Việc Anh Quốc mong muốn gia nhập CPTPP được đánh giá là một biểu tượng mới của tham vọng hậu Brexit.
Từ tháng 2/2021, Vương quốc Anh đã nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhằm tìm kiếm thêm cơ hội hợp tác kinh tế. Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss chia sẻ về nỗ lực đàm phán để tham gia Hiệp định CPTPP trong một trả lời phỏng vấn của báo Nikkei Asia vào đầu mùa Hè 2021: “Tôi dự đoán quá trình chỉ kéo dài vài tháng, chứ không phải nhiều năm… Tôi hy vọng chúng tôi có thể đạt được thỏa thuận trong năm 2022”.
Có thể nói, CPTPP là một phần quan trọng trong chính sách thương mại của Anh, sau khi rời Liên minh châu Âu (EU). Đây là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên là: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mehico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Để tham gia Hiệp định này, các quốc gia phải đàm phán về quy định thuế quan, cũng như các điều kiện trong cách tiếp cận thị trường của nhau. Nếu mọi việc trôi chảy, Anh sẽ trở thành quốc gia mới đầu tiên tham gia Hiệp định này kể từ khi CPTPP được thực thi vào năm 2018.
Theo bà Bộ trưởng Liz Truss, Hiệp định CPTPP sẽ mở ra những cơ hội rộng lớn cho nước Anh, một khi các hàng rào quan thuế được giảm đi đáng kể, nhất là đối với thuế đánh vào xe hơi hay rượu Whisky của Anh. Sau khi chia tay với EU sau hơn 40 năm chung sống, Luân Đôn giờ đây kỳ vọng nhiều vào viễn cảnh các tập đoàn Anh dễ dàng tham gia vào các thị trường khác trên thế giới, tạo công việc làm cho người dân Anh.
Ông Karran Bilimora, Chủ tịch Hiệp Hội CBI - Tổ chức lớn nhất quy tụ giới chủ ở Anh quốc - tán đồng quyết định của chính phủ tham gia Hiệp định CPTPP. Ông Karran Bilimora coi đây là “một chương mới trong chính sách thương mại độc lập của Vương quốc Anh”. Tuy nhiên, Đảng đối lập dường như có phần thận trọng hơn khi cho rằng sẽ xem xét kỹ lưỡng thể thức gia nhập hiệp định CPTPP. Nhiều đại diện trong ngành nông nghiệp Anh cũng bày tỏ quan ngại về việc mở cửa thị trường, buộc sản phẩm nội địa phải cạnh tranh ở nước ngoài.
Tuy nhiên, bà Bộ trưởng Thương mại Liz Truss khẳng định rằng, nước Anh tự tin vào việc “đàm phán thành công các điều khoản tiếp cận thị trường”. Bà Truss nói: “Gần đây, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về mặt nguyên tắc cho một hiệp định thương mại tự do với Australia, một thành viên của CPTPP”.
Bà Truss còn tự tin cho rằng, nếu trở thành thành viên chính thức của CPTPP, Vương quốc Anh sẽ đóng vai trò tích cực trong việc sàng lọc những ứng viên mới như Trung Quốc chẳng hạn. Bà Truss nêu thực trạng của Trung Quốc: “Trung Quốc vẫn chưa minh bạch về một số điều khoản mà WTO đặt ra, ví dụ như trợ cấp nông nghiệp, vấn đề về chuyển giao công nghệ bắt buộc hoặc lao động bị cưỡng bức”. Được biết, Trung Quốc trước đó cũng đã bày tỏ mong muốn tham gia CPTPP.
Hiệp định CPTTP yêu cầu các thành viên phải cải tổ khối doanh nghiệp nhà nước, đồng thời loại bỏ hàng rào thuế quan trên nhiều sản phẩm. Đây đều là những thách thức lớn đối với Bắc Kinh. Bộ trưởng Liz Truss nhất trí với nhận định này. Bà cho rằng Trung Quốc “cần phải làm nhiều hơn nữa” để hoàn toàn tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chưa nói đến các yêu cầu khắt khe hơn dành cho thành viên CPTPP.
Việc cải cách WTO dự kiến là một chủ đề chính trong cuộc họp nhóm Bộ trưởng Thương mại các nước G7 vào tháng 10 tới. Một trong những câu hỏi cấp bách nhất là WTO phân loại các nước “đang phát triển” như thế nào. Thông thường, WTO sẽ dành sự ưu ái và nhiều đặc quyền nhất định cho các nước “đang phát triển”. Những đặc quyền này có thể là khả năng xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp và công nghiệp giá rẻ cho các nền kinh tế tiên tiến.
Mỗi quốc gia có thể tự quyết định xem mình có là nước “đang phát triển” hay không. Trong trường hợp của Trung Quốc, nước này tiếp tục khẳng định vị thế “đang phát triển” dù đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. “Khi WTO được thành lập vào năm 1995, nền kinh tế của Trung Quốc có quy mô bằng một phần mười nền kinh tế Mỹ. Giờ đây, chúng ta ở trong một bối cảnh rất khác”, bà Truss nhắc nhở.
Cũng theo nhận định của chính phủ mới ở Anh, khu vực tự do thương mại châu Á - Thái Bình Dương mang lại nhiều cơ hội, giúp doanh nghiệp tiếp cận các nền kinh tế lớn nhất hiện tại và tương lai. “Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một phần của thế giới, nơi mang lại những cơ hội lớn nhất cho Anh. Tham gia CPTPP sẽ là một “kết quả quan trọng hậu Brexit mà chúng tôi muốn đạt được”, truyền thông quốc tế trích lời bà Truss.
Chính phủ Anh đặt nhiều hy vọng vào CPTPP. Bản thân bà Bộ trưởng Liz Truss từ lâu đã bày tỏ tin tưởng rằng trở thành thành viên của Hiệp định sẽ giúp thúc đẩy hoạt động thương mại của quốc gia này với khối CPTTP, vốn đã đạt trị giá 111 tỷ Bảng (152 tỷ USD) vào năm 2020 và đạt mức tăng 8% mỗi năm kể từ 2016 tới nay.
Việc Anh gia nhập CPTPP còn được đánh giá mang ý nghĩa biểu tượng tham vọng hậu Brexit. Được biết, với các thỏa thuận mà Anh đã có với 8 trong số 11 nước tham gia CPTPP, việc tham gia hiệp định có thể chỉ góp thêm 0,1% vào quy mô nền kinh tế Anh. Bà Bộ trưởng Liz Truss cũng nhận thấy, với tư cách thành viên CPTPP sẽ giúp bổ trợ cho các hiệp định tự do thương mại mà nước Anh đã ký với Nhật Bản, Canada, Mexico, Chile và Việt Nam sau khi quốc gia này rời EU.
Kể từ khi gia nhập Quốc hội Anh vào năm 2010, bà Liz Truss đã kinh qua một số chức vụ quan trọng, bao gồm Bộ trưởng về môi trường, thực phẩm và các vấn đề nông thôn và Bộ trưởng Tư pháp. Bà cũng đạt được mức tín nhiệm cao nhất so với bất kỳ thành viên nội các nào thuộc Đảng Bảo thủ Anh. Khi được hỏi về tham vọng đối với chiếc ghế Thủ tướng trrong tương lai, bà Liz Truss cho biết bà muốn tập trung vào vị trí hiện tại.