Tại sao FED lại tuyên bố mềm mỏng hơn về lãi suất và Việt Nam sẽ bị tác động như thế nào?
Động thái mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang (FED) càng chứng tỏ rằng kinh tế thế giới trong năm nay "yếu ớt" hơn, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nói.
Kết thúc cuộc họp kéo dài trong hai ngày 19 – 20/3, FED đã chính thức ra quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản và cho biết sẽ không phát đi tín hiệu nâng lãi suất trong năm nay. Điều này được giới quan sát đánh giá là mềm mỏng, phù hợp với kỳ vọng của thị trường, đồng thời cho thấy FED đã có bước ngoặt mạnh mẽ so với những dự báo trước đó.
"Chính sách lãi suất muốn gì thì muốn cũng phải tuân theo tín hiệu thị trường", ông Cấn Văn Lực nói và giải thích rằng động thái của FED chủ yếu là do tăng trưởng của Mỹ dự kiến sẽ chậm lại trong năm 2019.
"Lạm phát, việc làm vẫn ổn định nhưng tăng trưởng kinh tế thấp hơn. Điều này nằm trong xu hướng chung là kinh tế toàn cầu giảm tốc", ông cho biết.
Đối với Việt Nam, động thái của FED sẽ giúp cho tỷ giá USD với VNĐ giữ được ổn định, tính thanh khoản của thị trường tài chính tiền tệ trở nên thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nếu nhìn về vĩ mô, với bối cảnh nền kinh tế toàn cầu luôn được cảnh báo khó khăn (dự báo tăng trưởng khoảng 2,9% so với mức 3,1% của năm 2018), Việt Nam cũng sẽ bị những tác động nhất định, đặc biệt liên quan đến xuất khẩu và đầu tư, theo ông Lực.
Dù vậy, ông cho rằng Việt Nam cũng đang có những thuận lợi khác. "Nền kinh tế vẫn đang trong đà cải cách và tăng trưởng của các năm trước", ông nói.
Mặt khác, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng tạo ra nhiều cơ hội hơn là thách thức cho Việt Nam, trong đó có cơ hội về xuất khẩu và chuyển dịch dòng vốn đầu tư. Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những thị trường đầu tư nước ngoài hấp dẫn nhất trong ASEAN.
Hồi tháng 12, các thành viên của Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) ước tính rằng 2 đợt nâng lãi suất cho năm 2019 sẽ là động thái hợp lý sau 4 đợt trong năm 2018. Họ cũng chỉ ra sẽ có ít nhất một đợt nữa được thực hiện trước khi kết thúc vòng thắt chặt chính sách tiền tệ bắt đầu từ tháng 12/2015.
Tuy nhiên, đợt nâng lãi suất như dự kiến có thể sẽ không diễn ra. Trong một tuyên bố trước khi bước vào cuộc họp, FOMC nói rõ rằng họ sẽ tiếp tục "thận trọng" trước bất kỳ quyết định nâng lãi suất nào.
Fed đang giữ nguyên lãi suất cơ bản trong vùng mục tiêu 2,25% - 2,5%. Lãi suất của Fed là một yếu tố quan trọng để xác định lãi suất đối với phần lớn khoản nợ tiêu dùng như thẻ tín dụng và khoản vay để mua nhà.