Tạm quên nỗi lo “thanh khoản”

Theo thongtinthuongmai.vn

(Tài chính) Khác với những năm 2007 - 2011, năm nay, vấn đề thanh khoản được coi là yên tâm nhất trong hệ thống ngân hàng. Với lượng vốn dồi dào, trong khi nhu cầu vay vốn của thị trường giảm, khiến hệ thống ngân hàng lại rơi vào tình trạng "ế" vốn.

Tạm quên nỗi lo “thanh khoản”
Hệ thống ngân hàng đang dư quá nhiều vốn. Nguồn: internet

Theo số liệu của Ngân hàng nhà nước (NHNN), tính đến ngày 18/9/2013, lượng vốn huy động tăng 11,74%, trong đó huy động vốn VND tăng 11,63% và ngoại tệ tăng 12,43%. Còn cho vay thì tăng khiêm tốn với mức 5,83%, khiến các ngân hàng đang ráo riết đẩy mạnh các chương trình ưu đãi lãi suất để kích cầu tín dụng hoặc đổ vốn vào trái phiếu Chính phủ.

Đến thời mời không… "đắt"

Phó Tổng Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cho biết mấy ngân hàng hiện nay đang mời doanh nghiệp của ông vay vốn với mức lãi suất thấp 9%/năm, thời hạn vay 6 – 12 tháng. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, doanh nghiệp của ông không thể vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất vì lượng hàng tồn kho còn nhiều, trong khi thị giá đang chịu áp lực giảm do ngành xây dựng hiện đang đình đốn.

Vị này cho hay, trước đây, khi doanh nghiệp cần vốn, chỉ có nhân viên tín dụng ra tiếp. Nay, giám đốc chi nhánh đích thân xuống doanh nghiệp để mời vay vốn. Điều đó cho thấy ngân hàng đang chịu áp lực giải ngân rất lớn, nếu không, tiền sẽ nằm chết trong két sắt ngân hàng nhưng vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền.

Không chỉ nhắm tới doanh nghiệp, những khách hàng là lãnh đạo của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước, cũng được các ngân hàng hướng đến để mời chào vay tiền để chi tiêu. Phó Tổng Giám đốc một công ty xây dựng nhà nước cho biết vì ông thường làm việc với các ngân hàng để vay tiền cho dự án, nên giám đốc chi nhánh của nhiều ngân hàng đều biết và thường xuyên mời ông vay tiền mua nhà, mua xe…

Thực tế, kể từ năm 2012, vấn đề thanh khoản đã trở nên lắng dịu và không còn là nỗi lo thường trực của các ngân hàng, do tốc độ tăng huy động luôn đạt mức tăng cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống. Sự ứ đọng vốn từ năm 2012 tích lũy đến nay khiến hệ thống ngân hàng rơi vào tình trạng thừa vốn.

Sở dĩ từ năm 2012 đến nay, thanh khoản luôn dồi dào, là do mức tăng trưởng tín dụng đạt ở mức thấp. Năm 2012, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 8,91%, mức quá thấp so với mức tăng trên 20% của những năm trước đó. Sự phanh đột ngột của tín dụng khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng đói vốn, sản xuất đình đốn, thậm chí có doanh nghiệp bị phá sản.

Cùng với đó, sự bất ổn của nền kinh tế vĩ mô, sự đóng băng của nhiều ngành hàng khiến cho doanh nghiệp sản xuất ra không tiêu thụ được nên đành ngưng sản xuất đợi tiêu thụ hàng tồn kho. Do đó, nhu cầu vốn của doanh nghiệp giảm đi đáng kể, chỉ còn một vài ngành hàng vẫn còn thị trường tiêu thụ nên duy trì nhu cầu vay vốn để sản xuất cầm chừng, giữ khách hàng là chính. Đó chính là lý do vì sao thời gian qua, các ngân hàng đẩy mạnh ưu đãi lãi suất cho vay nhưng lượng vốn ế vẫn nằm im trong két sắt.

Yên tâm với thanh khoản

Năm nay, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống được NHNN xác định ở mức 12%. Tính đến ngày 18/9/2013, chỉ số này đã đạt 5,83% so với cuối năm 2012. Để đạt kế hoạch, mỗi tháng còn lại của năm, tốc độ tăng tín dụng phải đạt ít nhất 2% so với tháng liền kề.

Với tốc độ tăng trưởng đó, cùng với nhu cầu tiền mặt trong những tháng cuối năm của người dân cao khiến không ít ý kiến lo ngại về thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng điều này khó xảy ra vì hệ thống ngân hàng vẫn đang dư quá nhiều vốn, muốn đẩy mạnh cho vay.

Về vấn đề này, NHNN cho rằng vấn đề thanh khoản hiện nay là yên tâm nhất, vì dù lãi suất huy động VND các kỳ hạn đã giảm khoảng 2 – 5%/năm nhưng các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn hút được tiền gửi khá tốt. Cụ thể, đến giữa tháng 9/2013, tiền gửi VND của dân cư vẫn tăng 13,78% so với cuối năm 2012.

"Đặc biệt, không còn tình trạng cạnh tranh bằng các thủ thuật không lành mạnh về lãi suất giữa các TCTD với nhau nhằm chèo kéo khách hàng, người gửi tiền với kỳ hạn dài hơn, không rút tiền từ TCTD này gửi sang TCTD khác để hưởng chênh lệch lãi suất", đại diện Vụ Chính sách tiền tệ nhấn mạnh.

Một biểu hiện nữa cho thấy sự dồi dào của nguồn vốn ngân hàng, đó là sự quan tâm của ngân hàng tới trái phiếu Chính phủ. Ngày 26/9, phiên đấu thầu trái phiếu Kho bạc Nhà nước thành công khi bán được 3.150 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất thấp hơn hoặc bằng các phiên trước.

Nhu cầu mua trái phiếu Chính phủ tăng trở lại được giới phân tích nhận định là do nhu cầu giải ngân vốn của ngân hàng tăng lên vì sau một thời gian nỗ lực, tăng trưởng tín dụng vẫn đạt mức thấp.

"Trong bối cảnh thanh khoản dôi dư, tăng trưởng tín dụng chưa biết thế nào sẽ là điều kiện đẩy các ngân hàng tiếp tục tìm đến trái phiếu như một kênh đầu tư được ưa thích vì tính an toàn. Không chỉ vậy, các ngân hàng kỳ vọng có thể có lợi nhuận từ các diễn biến của lợi suất trái phiếu trong thời gian tới", lãnh đạo một ngân hàng nhận định.

Tuy nhiên, vị này cũng cho biết, nhu cầu mua trái phiếu sẽ không tăng mạnh vì các ngân hàng vẫn còn thận trọng quan sát động thái của thị trường.

Bên cạnh đó, một vấn đề không thể không nhắc tới, đó là sự thận trọng của các TCTD trong việc giải ngân vì nỗi lo nợ xấu. Các ngân hàng e ngại rủi ro nên chỉ tìm những món tín dụng nhỏ, an toàn như kiểu cho vay tiêu dùng, mua xe, mua nhà… để cho vay. Còn với những TCTD đang thuộc diện phải tái cấu trúc thì càng bị kiểm soát chặt chẽ hơn trong việc cho vay.