Tăng cường chống buôn lậu mặt hàng đường

Theo customs.gov.vn

Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương (Ban Chỉ đạo 127 TW) )vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ mặt hàng đường sản xuất trong nước.

Tăng cường chống buôn lậu mặt hàng đường
Tang vật một vụ buôn lậu đường bị lực lượng Hải quan An Giang bắt giữ

Tại văn bản số 30/BCĐ-QLTT ngày 15/7/2013, Ban Chỉ đạo 127 TW  yêu cầu Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh thành phố khẩn trương triển khai một số công việc nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động tạm nhập tái xuất và chống buôn lậu đối với mặt hàng đường.

Tại khu vực biên giới đất liền và trên biển, khu vực cánh gà các cửa khẩu nhất là các tỉnh biên giới Tây Nam và miền Trung, các lực lượng Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan: tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc xuất, nhập mặt hàng đường, có biện pháp phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, buôn bán đường nhập lậu, lợi dụng tạm nhập tái xuất để buôn lậu; kịp thời thông tin diễn biến tình hình đường nhập lậu, đặc biệt là các đối tượng phi pháp chuyên buôn bán, vận chuyển đường nhập lậu đi sâu vào các tỉnh, thành phố trong nội địa để có biện pháp kiểm tra, xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.

Trên thị trường nội địa, xây dựng kế hoạch chuyên đề đấu tranh chống các hành vi buôn bán, vận chuyển mặt hàng đường nhập lậu…

Ban Chỉ đạo 127 TW cũng yêu cầu Tổng cục Cảnh sát điều tra tội phạm chỉ đạo lực lượng Cảnh sát kinh tế tăng cường trinh sát, làm rõ phương thức, thủ đoạn, đúc rút quy luật hoạt động của các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm vận chuyển, buôn bán hàng hóa nhập lậu, nhập khẩu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, chú trọng mặt hàng đường tại khu vực biên giới Tây Nam và miền Trung, xử lý nghiêm các hành vi theo quy định của pháp luật.

Với Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cần bàn bạc, thống nhất để: các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đường trong nước quản lý chặt việc xuất hóa đơn bán đường; in ấn, sử dụng bao bì để ngăn chặn việc lợi dụng hợp thức hóa đường nhập lậu... Bên cạnh đó, khuyến cáo doanh nghiệp thành viên về giống cây trồng, giá đường của các nước trong khu vực; dự báo một số tình hình cung cầu thị trường để có giải pháp ngăn chặn đường nhập lậu.

Các phương tiện thông tin đại chúng cũng được yêu cầu vào cuộc trong công tác chống buôn lậu mặt hàng đường. Ban chỉ đạo 127 TW nêu rõ: Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin báo chí phối hợp với Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố kịp thời đưa tin, tuyên truyền cho người dân không bao che, tiếp tay, vận chuyển thuê cho các đối tượng buôn lậu nói chung và mặt hàng đường nói riêng.