Tăng cường quản lý rủi ro rửa tiền trong ngành Bảo hiểm
Nhằm ngăn chặn nguy cơ rửa tiền trong ngành Bảo hiểm, Bộ Tài chính đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.
Chiều 14/2, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã phối hợp với Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) và Cục An ninh nội địa (Bộ Công an) tổ chức tập huấn, phổ biến, tuyên truyền các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Đây là một trong những nhiệm vụ nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
![Toàn cảnh Hội nghị.](https://media.tapchitaichinh.vn/w1480/images/upload/2025/02/14/b58001f5f78649d81097.jpg)
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nguy cơ về tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt đang trở thành thách thức nghiêm trọng, đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và sự ổn định của hệ thống tài chính. Những hành vi này không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an ninh quốc phòng, chính trị và uy tín quốc gia trên trường quốc tế.
Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thể bị lợi dụng làm phương tiện rửa tiền thường nằm trong các trường hợp: Tiền phí bảo hiểm được đem đi đầu tư; các đơn bảo hiểm nhân thọ với một mức phí duy nhất có bản chất lưu giữ giá trị tiền mặt; bảo hiểm niên kim cố định hoặc thay đổi; hay đơn bảo hiểm chuyển nhượng được và có thể dùng để thế chấp ngân hàng…
Cũng theo báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền giai đoạn 2018-2022 do Ngân hàng Nhà nước công bố cuối năm 2024, nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực bảo hiểm được đánh giá trung bình thấp. Đánh giá hiệu quả triển khai của các biến số liên quan đến các biện pháp phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bảo hiểm, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) chủ trì và đánh giá khoa học dựa trên các biến số, sản phẩm và là một trong những ngành đạt kết quả tốt.
Theo ông Nguyễn Quang Huyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực hoàn thiện khung khổ pháp lý, tăng cường hợp tác quốc tế và thực hiện các cam kết nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Các quy định pháp luật về lĩnh vực này đã và đang được bổ sung, sửa đổi, trong đó có lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, để phù hợp với chuẩn mực quốc tế, góp phần bảo vệ sự ổn định của nền kinh tế và an ninh quốc gia.
Tại Hội nghị, các chuyên gia đến từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công An đã có nhiều chia sẻ cụ thể, chuyên sâu về những dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán, trò chơi có thưởng liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố, cũng như những yêu cầu về kiểm soát hoạt động tài chính, giao dịch có nguy cơ cao. Những nội dung thiết thực được trao đổi tại Hội nghị giúp nâng cao nhận thức, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Hội nghị cũng là cơ hội để các cơ quan quản lý, tổ chức tài chính, doanh nghiệp và các bên liên quan cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm nhằm tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường tài chính minh bạch, an toàn, bảo vệ lợi ích quốc gia và tuân thủ các cam kết quốc tế của Việt Nam.