Tăng cường vai trò của Nhà nước về an sinh xã hội đối với nông dân
(Tài chính) Bảo đảm ổn định hệ thống chính trị và sự phát triển bền vững của đất nước theo con đường kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi Nhà nước càng phải xây dựng và phát triển nhanh chóng hệ thống an sinh xã hội nhằm điều hòa các quyền lợi và nghĩa vụ của mọi công dân trong cộng đồng, trong đó có người nông dân và qua đó điều hòa các mâu thuẫn xã hội đã, đang và sẽ phát sinh.
Vai trò của Nhà nước về an sinh xã hội đối với nông dân
Vai trò của Nhà nước về an sinh xã hội đối với nông dân là việc Nhà nước thực hiện các biện pháp nhằm trợ giúp người nông dân không bị rơi vào cảnh nghèo khổ, bần cùng trước những tác động xấu từ môi trường bên ngoài hay bởi chính những biến đổi tiêu cực về tình trạng sức khỏe của những đối tượng này.
An sinh xã hội đối với nông dân là sự gắn bó chặt chẽ cả hình thức đóng - hưởng và hình thức không dựa trên nguyên tắc đóng góp. Đối với nông dân thuộc lĩnh vực an sinh xã hội cho khu vực phi chính thức (phi kết cấu), người nông dân là những người có thu nhập thấp và không ổn định, vì vậy tính bền vững và ổn định về tài chính cho việc thực hiện an sinh xã hội là không cao. An sinh xã hội đối với nông dân có vai trò góp phần ổn định chính trị; đồng thời góp phần thực hiện công bằng xã hội và bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cụ thể như sau:
Thứ nhất, để phòng ngừa, hạn chế và khắc phục rủi ro do nhu cầu phát triển tự nhiên của con người; giúp ổn định cuộc sống cho nông dân, đối tượng dễ bị rủi ro nhất.
Thứ hai, để khắc phục những khiếm khuyết xảy ra trong thời kỳ khủng hoảng và tiêu điều của chu kỳ phát triển của nền kinh tế thị trường; giúp Nhà nước thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
Thứ ba, tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng đòi hỏi bảo đảm an sinh xã hội cho người dân; góp phần hoàn thiện công cụ quản lý kinh tế - xã hội của Nhà nước.
Như vậy, để tăng cường vai trò của Nhà nước về an sinh xã hội đối với nông dân những năm tới, cần phải có một hệ thống các giải pháp kể từ giải quyết việc làm, tăng thu nhập, tăng cường hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho cả hệ thống đóng - hưởng cũng như hệ thống không đóng góp, hoàn thiện tổ chức quản lý, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác an sinh và nâng cao nhận thức về an sinh xã hội cho nông dân, bằng việc cần thay đổi bốn vấn đề quan trọng trong chính sánh an sinh xã hội cho nông dân như sau:
Để phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện, một mặt, Nhà nước cần thay đổi quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, không nên theo tiền lương tối thiểu mà nên theo mức thu nhập bình quân vùng; mặt khác cần tăng chế độ hưởng để bảo đảm sự bình đẳng với bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, Nhà nước cần hỗ trợ từ 60% - 80% phí đóng góp cho các đối tượng nông dân có thu nhập trung bình và cận nghèo tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tăng phạm vi bao phủ trợ giúp xã hội thường xuyên từ 1,65% dân số năm 2010 lên 3% vào năm 2015 và 5% vào năm 2020; nâng kinh phí trợ giúp xã hội thường xuyên từ ngân sách nhà nước từ 0,54% năm 2010 lên 1,12% năm 2015 và 2,45% năm 2020. Trong trợ giúp xã hội đột xuất, cần chú trọng cho trợ cấp đối với hộ gia đình nông dân thuộc nhóm dễ bị tổn thương.
Về tổ chức hệ thống, Nhà nước cần nghiên cứu tách bộ phận theo dõi bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với nông dân và lao động khu vực phi chính thức nói chung thành một hệ thống thống nhất từ trung ương tới các địa phương.
Phương hướng tăng cường vai trò của Nhà nước về an sinh xã hội đối với nông dân
Mặc dù công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp trong GDP, nhưng đến năm 2011, trong nông thôn Việt Nam, cơ cấu hộ sản xuất nông nghiệp vẫn còn lớn, chiếm 62,0% tỷ trọng hộ công nghiệp và xây dựng chiếm14,73%; tỷ trọng hộ dịch vụ chiếm 18,4%. Thêm nữa, tỷ trọng hộ có nguồn thu nhập lớn nhất từ nông, lâm nghiệp và thủy sản thấp hơn tỷ trọng hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản. Điều này đang tạo ra thách thức đối với chính sách an sinh xã hội.
Theo dự báo, tới năm 2015, dân số khu vực nông thôn là 60,820 nghìn người, chiếm 66,41% dân số cả nước; năm 2020 là 60,525 nghìn người, chiếm 62,93% dân số cả nước. Như thế, cơ cấu dân số nông thôn mặc dù giảm về tỷ lệ, nhưng tốc độ giảm chậm, số lượng dân cư nông thôn vẫn còn rất lớn. Đây cũng là vấn đề thách thức đối với việc phát triển hệ thống an sinh xã hội khu vực nông thôn.
Thêm nữa, đến năm 2020 tỷ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên trong khu vực nông thôn cũng tăng từ 6,72% năm 2009 lên 7,3% năm 2019. Điều này cũng đặt ra những thách thức trong trợ cấp an sinh xã hội cho đối tượng này.
Trong 35,4 triệu người tham gia thị trường lao động khu vực nông thôn chỉ có 3,2 triệu lao động được đào tạo và phần lớn trong số này mới chỉ đạt trình độ trung cấp.
Mặc dù có bước cải thiện, nhưng thu nhập của lao động khu vực nông thôn vẫn thấp, chênh lệch, phân hóa giàu nghèo càng gia tăng giữa các nhóm dân cư, giữa các vùng kinh tế; chi tiêu, tích lũy của nông dân còn rất khó khăn. Điều này đang đặt ra những thách thức đối với phát triển hệ thống an sinh xã hội đối với nông dân.
Như vậy, dân số và lao động khu vực nông thôn vẫn còn rất lớn, già hóa dân số trong nông thôn tăng nhanh, thu nhập và đời sống còn nhiều khó khăn là những thách thức lớn đối với việc phát triển hệ thống an sinh xã hội đối với nông dân Việt Nam, kể cả đối với hệ thống đóng - hưởng cũng như hệ thống không dựa vào sự đóng góp trong những năm tới.
Các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, chính sách và biện pháp của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội đối với nông dân thông qua Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 01-6-2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” và Nghị quyết 70/NQ-CP ngày 01-11-2012 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện an sinh xã hội đến năm 2020 làm cơ sở cho đề xuất phương hướng và giải pháp tăng cường vai trò của Nhà nước trong phát triển hệ thống an sinh xã hội đối với nông dân ở nước ta những năm tới. Tinh thần chung của Đảng và Nhà nước là bảo đảm mức an sinh tối thiểu cho người dân nói chung, nông dân nói riêng.
Xuất phát từ thực trạng tham gia của nông dân vào hệ thống an sinh xã hội ở nước ta những năm qua, từ thực trạng kinh tế - xã hội nông dân hiện nay và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cần phải có phương hướng cụ thể nhằm tăng cường sự tham gia của nông dân vào an sinh xã hội những năm tới.
Tăng cường thu hút sự tham gia của nông dân vào an sinh xã hội theo nguyên tắc đóng - hưởng
Thứ nhất, tăng cường tổ chức triển khai huy động đối tượng giàu và khá trong khu vực nông thôn tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện.
Thứ hai, nâng cao mức độ tác động của an sinh xã hội theo nguyên tắc đóng - hưởng. Đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện, cần có chính sách bảo đảm thu nhập cho người hưởng lương hưu tối thiểu bằng tiền lương tối thiểu. Đối với bảo hiểm y tế tự nguyện, cần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế đối với nông dân.
Đối với an sinh xã hội không dựa vào đóng góp đối với nông dân
Thứ nhất, mở rộng phạm vi bao phủ của trợ giúp xã hội thường xuyên nói chung, đối với nông dân nói riêng. Đặc biệt chú ý đến các đối tượng dễ bị tổn thương.
Thứ hai, nâng mức độ trợ cấp trợ giúp xã hội thường xuyên cho các nhóm đối tượng; bảo đảm cho trợ giúp xã hội đột xuất đúng với các đối tượng ở các huyện, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.
Tăng cường vai trò của Nhà nước thông qua việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chế độ và chính sách về an sinh xã hội đối với nông dân
Thứ nhất, điều chỉnh căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với nông dân. Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể như luật quy định, nhưng căn cứ đóng là dựa trên thu nhập trung bình theo vùng. Có như thế mới thu hút được đông đảo nông dân có thu nhập trên mức trung bình vùng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Thứ hai, bổ sung thêm các chế độ hưởng đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện bình đẳng với bảo hiểm xã hội bắt buộc. Để bảo đảm sự công bằng giữa người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, cần phải được mở rộng hơn nữa về quyền lợi của những người tham gia như đối với người hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Tăng cường sự phối hợp các chính sách kinh tế - xã hội với hệ thống chính sách an sinh xã hội đối với nông dân
Các vấn đề chính sách cần hoàn thiện nhằm phối hợp tốt hơn nữa với chính sách an sinh xã hội là:
Một là, các chương trình xóa đói, giảm nghèo; các biện pháp hỗ trợ nông dân tham gia vào thị trường lao động; chính sách cung ứng dịch vụ xã hội cơ bản cho nông dân.
Hai là, phân bổ chi tiêu của ngân sách nhà nước cho an sinh xã hội đối với nông dân với các chính sách về giáo dục, y tế, môi trường..., chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, về xóa đói, giảm nghèo, về văn hóa để sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn tài chính từ xã hội.
Giải pháp tăng cường vai trò của Nhà nước về an sinh xã hội đối với nông dân
Đẩy mạnh sản xuất, tăng nguồn thu, nâng cao thu nhập của nông dân
Để nông dân chủ động tham gia an sinh xã hội đóng - hưởng, việc tăng thu nhập cho nông dân là biện pháp hàng đầu. Cần phải giải quyết ba nhóm giải pháp quan trọng là: 1) Cần coi trọng cả phát triển nông nghiệp lẫn phát triển phi nông nghiệp; 2) Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn; 3) Tăng cường, huy động nguồn lực của Nhà nước và nông dân, cải thiện hơn nữa kết cấu hạ tầng nông thôn nhằm mục đích tạo điều kiện tốt cho quá trình sản xuất, thu mua và tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Tăng cường hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước để nông dân tham gia hệ thống an sinh xã hội
Thứ nhất, về các biện pháp hỗ trợ tài chính cho bảo hiểm y tế tự nguyện: Để nông dân tham gia vào bảo hiểm y tế tự nguyện nhằm hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2020, Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, vận động để các đối tượng thuộc hộ giàu và hộ khá, tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện. Việc hỗ trợ nên dành cho đối tượng cận nghèo và những năm tới nên bổ sung mở rộng cho đối tượng có thu nhập trung bình, với mức kinh phí hỗ trợ từ 60% - 80% kinh phí tham gia, tùy từng đối tượng thu nhập.
Thứ hai, Nhà nước có các biện pháp tăng nguồn thu và điều chỉnh cơ cấu thu chi ngân sách cho trợ giúp xã hội nói chung, đối với nông dân nói riêng.
Nghiên cứu đổi mới tổ chức quản lý an sinh xã hội theo nguyên tắc đóng - hưởng đối với nông dân
Nhà nước sớm nghiên cứu đổi mới tổ chức và quản lý an sinh xã hội theo nguyên tắc đóng - hưởng tự nguyện. Có thể tách tổ chức bộ phận thu chi bảo hiểm xã hội tự nguyện nói chung, đối với nông dân nói riêng và giao cho một đơn vị khác có tổ chức từ trung ương đến địa phương thực hiện. Đổi mới công tác thông tin, thống kê có liên quan đến an sinh xã hội nói chung, nông dân nói riêng.
Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác an sinh xã hội
Cần tăng cường đào tạo đội ngũ, bảo đảm số lượng, nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ làm công tác an sinh xã hội nói chung, an sinh xã hội đối với nông dân nói riêng.
Nâng cao nhận thức cho người nông dân về lợi ích của việc tham gia các chương trình an sinh xã hội
Để đạt được điều này, ngoài việc sử dụng các phương tiện truyền thông nhằm giáo dục ý thức tự an sinh đối với mỗi nông dân, giáo dục tinh thần phấn đấu vươn lên của mỗi người dân, tinh thần tự nguyện đóng góp, tích lũy để bảo đảm an sinh xã hội cho bản thân và gia đình, Nhà nước cũng nên hoàn thiện hệ thống kênh thông tin đa chiều để tiếp nhận và phản hồi ý kiến của người nông dân về các vấn đề liên quan đến luật pháp, chính sách cũng như việc tổ chức thực hiện các chương trình này. Những hoạt động này một mặt khẳng định vai trò của Nhà nước trong việc tăng cường trách nhiệm xây dựng hệ thống an sinh xã hội đối với nông dân, hỗ trợ nông dân chủ động tham gia hệ thống an sinh chủ động; đồng thời tạo ra một môi trường xã hội để người dân đấu tranh chống lại tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ Nhà nước.
Đến nay, hệ thống an sinh xã hội đối với nông dân mới được hình thành, nhưng chưa đồng bộ, mức độ bao phủ của bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự nguyện và trợ giúp xã hội còn thấp, mức độ tác động của trợ giúp xã hội thường xuyên thấp, việc bảo đảm an sinh xã hội cho nông dân còn rất khó khăn. Là đất nước chuyển sang phát triển kinh tế thị trường trong điều kiện khu vực nông thôn còn chiếm tỷ lệ lớn như nước ta, việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội có ý nghĩa rất quan trọng để giúp cho người dân phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro trong cuộc sống. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, tổ chức và nhận thức còn hạn chế, đến nay việc phát triển hệ thống an sinh xã hội đối với nông dân vẫn còn nhiều khó khăn, mức độ bao phủ còn thấp, mức độ tác động chưa cao. Để xây dựng và phát triển nhanh chóng hệ thống an sinh xã hội cho nông dân, còn rất nhiều việc cần làm, nhưng trên hết cần tăng cường vai trò Nhà nước về an sinh xã hội đối với nông dân ở Việt Nam./.