Tăng tín dụng vì sức ép lợi nhuận

VIR

Trong khi một số ngân hàng cho vay với lãi suất 6%/năm mà vẫn không xài hết hạn mức tín dụng, thì nhiều ngân hàng lại khẳng định, có thể tăng trưởng tín dụng đến 25 - 30%. Sự khó hiểu về tăng trưởng tín dụng ngân hàng được giải mã từ sức ép lợi nhuận của cổ đông.

Tăng tín dụng vì sức ép lợi nhuận

Nghịch lý tín dụng Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 30/7, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt trên 1%. Thế nhưng, liên tiếp các ngân hàng thi nhau công bố được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. NHNN đã chấp thuận cho 10 ngân hàng nới room tăng trưởng tín dụng. Đa số những ngân hàng xin và được chấp thuận nới hạn mức tín dụng là ngân hàng thương mại cổ phần, như OceanBank, TienPhongBank, HDBank…

Một số ngân hàng nước ngoài như ANZ, Sumitomo cũng được chấp thuận tăng hạn mức tín dụng. Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó tổng giám đốc OceanBank, ngân hàng vừa được nới hạn mức tín dụng lên 27% cho hay: “Chỉ tính riêng tháng 7, tăng trưởng tín dụng của OceanBank đã đạt 4% so với tháng 6, đưa tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm lên 18%”. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là, trong khi một số ngân hàng quy mô vừa liên tục xin được tăng hạn mức tín dụng, thì nhiều ngân hàng lớn lại kêu khó có thể đạt được chỉ tiêu do Ngân hàng Nhà nước đề ra.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Tổng giám đốc VietinBank cho biết, 7 tháng đầu năm 2012, tăng trưởng tín dụng của VietinBank vẫn “âm” 2%. Mục tiêu phấn đấu của VietinBank là hồi phục tăng trưởng tín dụng vào cuối tháng 8, đạt kết quả tăng trưởng tín dụng 10 - 12% vào cuối năm nay. Trong khi đó, Vietcombank tăng trưởng tín dụng khoảng 5% trong 7 tháng đầu năm, song khả năng đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 17% trong năm nay cũng rất khó. Ông Phạm Chí Thành, Trưởng phòng Kinh doanh và Quản lý nguồn vốn (Vietcombank) cho hay, dù hạ lãi suất, có nhiều doanh nghiệp gõ cửa xin vay, song Ngân hàng vẫn không thể bơm vốn mạnh do thiếu khách hàng đạt chuẩn vay. “Nếu khách hàng tốt, chúng tôi sẵn sàng cho vay. Tuần qua, có những khoản vay chúng tôi chào khách hàng lãi suất chỉ 6%/năm trong 6 tháng. Chúng tôi xác định, thà cho vay theo kiểu cắt giảm bớt lỗ còn hơn là huy động với lãi suất 9%/năm, rồi để vốn chết. Vấn đề khó nhất là tìm doanh nghiệp đáp ứng được chuẩn để cho vay”, ông Thành cho biết. Việc ngân hàng lớn tăng trưởng tín dụng thấp hơn ngân hàng nhỏ không có gì là ngạc nhiên, bởi 4 ngân hàng thương mại cổ phần lớn đã chiếm gần 50% thị phần dư nợ tín dụng toàn hệ thống.

Do đó, nhiều ngân hàng nhỏ tăng trưởng tín dụng có đến vài chục phần trăm, thì cũng chỉ bằng 3 - 4% tăng trưởng tín dụng của ngân hàng lớn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, nghịch lý tín dụng nêu trên có nguyên nhân từ sức sép lợi nhuận của các ngân hàng. Khả năng lỗ rất cao Việc NHNN chỉ đạo giảm lãi suất các khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm từ ngày 15/7 được cộng đồng doanh nghiệp mong chờ, nhưng lại khiến lợi nhuận của ngân hàng “bốc hơi”. Tại nhiều ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh, thiệt hại từ việc giảm lãi suất này lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Cụ thể, khoản lợi nhuận “nhường” cho doanh nghiệp của BIDV là 1.200 - 1.500 tỷ đồng, VietinBank 1.500 - 1.800 tỷ đồng, Vietcombank khoảng 1.800 tỷ đồng…

Với ngân hàng thương mại cổ phần, mức lợi nhuận bị mất từ việc giảm lãi ít hơn, song tác động lại có phần lớn hơn. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần nhận xét, việc giảm lãi với ngân hàng quốc doanh chỉ ảnh hưởng đến lương của công nhân viên, còn với ngân hàng thương mại cổ phần có thể làm “bay” cả ban điều hành. Chính vì lẽ này, các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ đang ra sức đẩy tín dụng để làm tăng lợi nhuận. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định: “Năm nay, nhiều ngân hàng sẽ thất thu lớn. Sẽ không ngạc nhiên nếu ngân hàng nào đó báo lỗ”. Báo cáo giải trình của Thống đốc NHNN tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây cũng khẳng định, những năm gần đây, các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng cổ phần liên tục tăng vốn điều lệ, dẫn đến sức ép tăng trưởng tín dụng để đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Nhiều tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm quá cao (trên 50%), trong khi khả năng về quản trị rủi ro, giám sát vốn vay còn bất cập. Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cảnh báo, nhiều ngân hàng tuy báo lãi, song thực chất là lỗ, vì vốn của các ngân hàng này đã bị nợ xấu “ăn” hết.