Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan: Thứ nhất, thông qua thị trường TPCP, ngân sách nhà nước (NSNN) đã huy động được một khối lượng vốn hiệu quả phục vụ cho đầu tư phát triển với tổng số 654.493 tỷ đồng, trong đó Kho bạc Nhà nước (KBNN) huy động được 513.292 tỷ đồng, gấp 13,36 lần so với giai đoạn 2000 - 2008 (38.500 tỷ đồng).
Thứ hai, công tác phát hành TPCP có nhiều cải cách mạnh mẽ. Thị trường luôn công khai thông tin về kế hoạch, lịch biểu, khối lượng, kỳ hạn, lãi suất, thông báo và kết quả đấu thầu. Quy trình đăng ký, lưu ký TPCP từ khi đấu thầu lên niêm yết, giao dịch được nghiên cứu, cải tiến liên tục và được rút ngắn dần từ T+15 xuống T+10, T+6 và hiện này là T+4 (kể từ ngày tổ chức đấu thầu).
Thứ ba, quy mô giao dịch TPCP tăng trưởng mạnh lên mức bình quân 1.124 tỷ đồng/ mã (30/6/2014), tăng 3,52 lần so với năm 2009. Trong đó, TPCP do KBNN phát hành đạt khoảng gần 4.108 tỷ đồng/mã, giúp hình thành hệ thống mã chuẩn và Đường cong lợi suất tham chiếu cho thị trường. Thanh khoản thị trường cũng tăng từ 175 tỷ đồng/phiên năm 2009 lên trên 1.322 tỷ đồng/phiên năm 2013 và tăng mạnh lên mức 2.734 tỷ đồng/phiên trong 6 tháng đầu năm 2014.
Thứ tư, hệ thống đấu thầu, giao dịch, thông tin đã được triển khai hiện đại, đồng bộ, chính xác theo thời gian thực giữa các phân hệ cấu phần, tạo sự gắn kết và liên thông chặt chẽ giữa thị trường sơ cấp và thứ cấp, qua đó tự động hóa hoàn toàn quy trình từ khi đấu thầu tới khi đưa trái phiếu vào niêm yết và giao dịch.
Thứ năm, hình thành, phát triển và dần đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư (NĐT). Bên cạnh các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, thị trường đã xuất hiện của nhiều NĐT mới là công ty bảo hiểm, công ty quản lý quỹ, NĐT nước ngoài thông qua các thành viên môi giới…Từ năm 2011 đến nay, NĐT nước ngoài trở lại với tỷ trọng giao dịch ổn định, chiếm khoảng 23% giá trị giao dịch TPCP.
Thứ sáu, khuôn khổ pháp lý cho thị trường đã khá hoàn thiện. Việc Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 261/QĐ-BTC ngày 1/2/2013, phê duyệt “Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến năm 2020” đã tạo được định hướng phát triển rõ ràng cho thị trường trái phiếu nói chung, thị trường TPCP nói riêng.
Cùng với nỗ lực tái cơ cấu hàng hóa, trong 5 năm qua, trên thị trường TPCP, HNX đã triển khai nhiều sản phẩm mới, hỗ trợ NĐT. Bà có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Thời gian qua, KBNN đã phối hợp với HNX tiến hành 8 đợt hoán đổi TPCP nhằm giảm số mã, tăng quy mô từng mã để tạo ra các mã trái phiếu chuẩn. Kết quả có 28 mã được hoán đổi, khối lượng trái phiếu hoán đổi đạt gần 95 triệu trái phiếu, tương đương 9.500 tỷ đồng.
KBNN đã tăng cường phát hành các trái phiếu có kỳ hạn dài hơn như trái phiếu kỳ hạn 10 năm, mỗi tháng/01 lần vào phiên đấu thầu cuối tháng và tháng 6/2013, đã phát hành thành công TPCP kỳ hạn 15 năm.
Sự ra đời của hệ thống đấu thầu điện tử được tích hợp như một phân hệ cấu phần của hệ thống giao dịch TPCP tổng thể, đã góp phần đẩy mạnh tính minh bạch, cạnh trạnh của thị trường, giúp tiết kiệm chi phí vay và định hướng lãi suất nợ, được kết nối trực tiếp với thành viên thị trường để bỏ thầu trực tuyến cho chính mình và NĐT.
Hệ thống thông tin thị trường từng bước được hoàn thiện, bước đầu đã hình thành cổng thông tin tập trung về thị trường sơ cấp, giao dịch thứ cấp, thông tin công bố của HNX và các báo cáo tài chính, báo cáo hoạt động, báo cáo thường niên cũng như các thông tin khác, qua đó đã truyền tải nhanh chóng, chính xác và kịp thời nhất tới thành viên và NĐT.
Hệ thống chỉ báo gồm Đường cong lợi suất đến nay hoạt động ổn định, các thành viên tham gia quote giá trên cả hệ thống Đường cong lợi suất và quote lệnh chắc chắn trên hệ thống giao dịch đều đặn, chất lượng giá yết cao hơn.
Xin bà cho biết những sản phẩm, tiện ích nào sẽ tiếp tục được HNX triển khai trên thị trường TPCP tới đây nhằm tăng thanh khoản và sức hấp dẫn của thị trường?
Sắp tới, HNX sẽ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hãng thông tin kinh tế - tài chính Bloomberg và khai trương vận hành hệ thống giao dịch TPCP phiên bản 3 - Modul kết nối với hệ thống thông tin quốc tế Bloomberg. Việc làm này sẽ cho phép tự động hóa quy trình chuyển lệnh, nhập lệnh từ hệ thống Bloomberg về hệ thống giao dịch TPCP của HNX, giúp các NĐT dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm thông tin, đặt lệnh và giao dịch trái phiếu chỉ trên một màn hình HNX. Cũng trong tháng 9/2014, HNX sẽ ra mắt Bộ chỉ số trái phiếu (Bond-Index), cùng với Đường cong lợi suất là những sản phẩm nằm trong hệ thống chỉ báo thị trường, giúp thành viên và NĐT có thêm những công cụ hữu ích để tính toán giá trái phiếu và dự báo xu hướng đầu tư, thúc đẩy sự tham gia tích cực của thành viên và NĐT.
Ngoài ra, trong năm 2014, HNX sẽ có cổng thông tin giao dịch TPCP trực tuyến trên Internet với đầy đủ các sản phẩm giao dịch, tiện ích phụ trợ và thông tin đa dạng, kết nối với Vendor, giao dịch trực tuyến, phòng ngừa rủi ro.
Các công cụ giao dịch mới trên cả thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp giao ngay, kỳ hạn và thị trường phái sinh như Zero coupon bond, When-issued, bộ sản phẩm repo gồm (Sell/buy back repo, Borrowing-Lending repo, Cross currency repo) đã được đưa vào nghiên cứu, hoàn thiện với mục tiêu hoàn thành áp dụng trong giai đoạn 2015-2016.
Định hướng phát triển của thị trường TPCP trong 5, 10 năm tới là gì, thưa bà?
Để tiếp tục phát triển thị trường trong vòng 5-10 năm tới, theo tôi, có 4 nhóm giải pháp chính sau đây:
Thứ nhất, phát triển quy mô, cấu trúc thị trường TPCP ngang với các thị trường trong khu vực thông qua tăng cường kích cầu cho thị trường như đa dạng hóa kéo dài kỳ hạn phát hành, công bố thông tin về kế hoạch phát hành theo lộ trình cụ thể và rộng rãi để các NĐT bố trí nguồn vốn hợp lý. Tăng cường các giải pháp về cơ chế giao dịch, thanh toán để thúc đẩy hơn nữa thanh khoản trên thị trường thứ cấp, thu hút nhiều hơn các NĐT trên thị trường sơ cấp, nghiên cứu để phát hành thêm các loại trái phiếu khác như trái phiếu thả nổi, trái phiếu zero coupond…
Thứ hai, xây dựng và phát triển hệ thống PD và các nhà tạo lập thị trường. Mở rộng cơ sở NĐT, tạo điều kiện tham gia thị trường đối với các công ty bảo hiểm, công ty tài chính, quỹ hưu trí…Thứ ba, phát triển hệ thống giao dịch, thông tin thị trường, đảm bảo thông tin đến từng NĐT được đầy đủ, minh bạch, kịp thời, thu hút sự tham gia sâu rộng của NĐT trong và ngoài nước. Tăng thanh khoản cho thị trường thông qua việc đưa ra giao dịch các sản phẩm mới, giải pháp mới đối với các công cụ phòng vệ rủi ro cho NĐT.
Thứ tư, khuyến khích sự tham gia của NĐT nước ngoài; Rà soát, điều chỉnh hợp lý chính sách thuế, phí giao dịch trái phiếu đối với NĐT nước ngoài và có cơ chế phòng ngừa rủi ro cho NĐT nước ngoài.
Xin cảm ơn bà!
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 9-2014
Tăng tính hấp dẫn cho thị trường trái phiếu Chính phủ
(Tài chính) Ngày 24/9/2014, thị trường trái phiếu Chính phủ kỷ niệm 5 năm thành lập. Nhân sự kiện quan trọng và ý nghĩa này, Tài chính & Đầu tư phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) xung quanh thành công và định hướng phát triển của thị trường.
Xem thêm