Tăng tốc đưa hàng vào Mỹ
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN với kim ngạch ước đạt gần 13 tỉ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2011.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhận định xuất hàng sang thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng mạnh sau khi Chính phủ Mỹ vừa tung ra gói kích thích kinh tế mới.
Sức mua tăng và giá các mặt hàng vào Mỹ cũng tăng, đây chính là cơ hội lớn nhất mà nhiều doanh nghiệp đang khẩn trương khai thác.
Đón cơ hội
Đã quá trưa nhưng ông L.A., tổng giám đốc Công ty cổ phần giày HĐ, vẫn còn xuống tận kho kiểm tra lần cuối hóa đơn xuất 500.000 đôi giày thời trang nữ cho một thương hiệu thời trang khá nổi tiếng có trụ sở đặt tại Mỹ. Tổng giá trị của lô hàng trị giá khoảng 6 triệu USD, và công ty ông còn phải xuất hai lần như vậy từ đây đến cuối năm mới xong hợp đồng với đối tác này.
Theo ông L.A., gói kích thích kinh tế của Mỹ sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp tìm kiếm thêm đơn hàng nhằm bù cho các thị trường khác đang bị sụt giảm. “Dù chỉ là ngắn hạn, nhưng ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động trong việc tổ chức sản xuất để có thể tiếp nhận được lượng đơn hàng với số lượng lớn hơn trong thời gian tới” - ông L.A. nhận định. Cơ hội này cũng sẽ chia đều cho các đối thủ đang cạnh tranh rất gay gắt với VN. “Quan trọng nhất là các doanh nghiệp cần hết sức đúng hẹn trong việc giao hàng, chất lượng sản phẩm luôn ở mức tối ưu, để uy tín của nhà cung cấp hàng vẫn được các nhà nhập khẩu lựa chọn cho những mùa hàng kế tiếp mới là mục tiêu lâu dài” - ông L.A. chia sẻ.
Thông tin gói kích thích kinh tế của Mỹ đến VN được nhiều doanh nghiệp đón nhận với thái độ tích cực, nhất là trong bối cảnh nhiều mặt hàng xuất khẩu đang có dấu hiệu chững lại. Ông Nguyễn Phạm Thanh, tổng giám đốc Công ty Highland Dragon (Khu công nghiệp Sóng Thần 1, Bình Dương), cho biết trong tám tháng đầu năm xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ tăng 42,6% so với cùng kỳ năm 2011, chủ yếu là do giá xuất khẩu tăng khi khách hàng đã chấp nhận mức giá mới. Là đơn vị chế biến và xuất khẩu cá ngừ đóng hộp, trong đó thị trường Mỹ chiếm tới 60% tổng doanh số, nên việc Mỹ đưa ra gói kích thích được vị lãnh đạo Công ty Highland Dragon xem như là cơ hội lớn trong thời gian tới. “So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu vào Mỹ của chúng tôi vẫn tăng 20% nhưng hi vọng gói kích thích kinh tế mới của Mỹ sẽ đẩy mạnh doanh số của công ty chúng tôi trong những tháng cuối năm” - ông Thanh phấn khởi.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Kịch, tổng giám đốc Công ty Cafatex, cho rằng việc Mỹ tung ra gói kích thích kinh tế chắc chắn sẽ đẩy sức mua tại Mỹ tăng nhanh, tạo cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào thị trường này thời gian tới. Đặc biệt, ông Kịch dự báo giá cá tra xuất sang Mỹ sẽ tăng trong thời gian tới. “Hiện giá cá tra xuất khẩu của VN đang ở mức đáy khiến cả người dân lẫn doanh nghiệp đều lỗ, trong khi giá đầu vào là nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi đang tăng, do đó giá cá tra bắt buộc phải tăng lên trong thời gian tới” - ông Kịch cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Chiến Thắng, chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, cho biết hiện các nhà nhập khẩu đang liên hệ với nhà cung cấp để đặt các đơn hàng mới cho thời gian sắp tới. “Với những tác động tích cực từ thị trường Mỹ, tôi nghĩ đây sẽ là thị trường trọng điểm để tăng lượng hàng xuất khẩu nhằm bù đắp lại lượng sụt giảm của thị trường châu Âu trong bốn tháng cuối năm để ngành gỗ đạt mục tiêu 4,5 tỉ USD” - ông Thắng nói.
Chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sangBà Phạm Minh Hương, phó tổng giám đốc Tổng công ty CP Phong Phú, cho biết ước tính kim ngạch xuất khẩu mặt hàng quần jean sang thị trường Mỹ trong chín tháng đầu năm 2012 đạt khoảng 85 triệu USD, trong khi cả năm 2011 con số này chỉ dừng ở mức 57 triệu USD. “Trong khi hợp đồng từ các thị trường trọng điểm khác như EU sụt giảm khá rõ thì thị trường Mỹ đã giúp các doanh nghiệp duy trì được mức sản xuất như năm ngoái” - bà Hương nhận định.
Bà Đặng Thị Thúy Dung, phó tổng giám đốc Tổng công ty dệt may Gia Định cho hay dù sản lượng đơn đặt hàng của một số mã hàng có giảm nhưng bù lại các nhà đặt hàng gia tăng nhiều mã hàng, nên nhìn chung tổng đơn hàng mà Gia Định nhận được đến thời điểm này vẫn rất ổn định. Theo bà Dung, ước trong 150,3 triệu USD kim ngạch xuất khẩu chín tháng của năm 2012, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã chiếm đến gần 33%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tỉ lệ này chỉ khoảng 29,3%.
Theo ông Diệp Thành Kiệt - phó chủ tịch Hiệp hội Da giày VN, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu VN, thị trường Mỹ vẫn còn rất nhiều dư địa để khai thác. Trong đó có việc các nhà đặt hàng/nhập khẩu của Mỹ đang dịch chuyển từ Trung Quốc sang VN để tận dụng lợi ích của Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương đang đi vào các vòng đàm phán cuối cùng, nhằm tận dụng lợi thế về mặt thuế suất đối với một số ngành hàng xuất khẩu từ VN (thay vì chọn mua hàng từ Trung Quốc) dần một rõ nét.
Chưa kể, việc các thương hiệu thời trang lớn trong lĩnh vực dệt may, da giày có những nhận xét tích cực về tỉ lệ nội địa hóa ở một số nhóm sản phẩm sản xuất tại VN đã được cải thiện tốt hơn, càng làm tăng khả năng đặt hàng vì họ không cần phải mua từ nơi khác chuyển về VN nhiều như trước. Theo bà Phạm Minh Hương, dù có áp lực không nhỏ trong việc đàm phán giá với nhà đặt hàng trong bối cảnh sức mua toàn cầu sụt giảm, nhưng với tay nghề kỹ thuật cao, cộng với dịch vụ hậu cần sản xuất được đánh giá tốt, các doanh nghiệp xuất khẩu của VN vẫn không khó để tiếp tục nhận được đơn đặt hàng từ thị trường Mỹ.