Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại trước nguy cơ của làn sóng bùng dịch tại Bắc Kinh
Trong khi hầu hết các doanh nghiệp tại Bắc Kinh gần như đã bỏ qua mối lo ngại về dịch COVID-19 để khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, thì ổ dịch bùng phát hồi cuối tuần giữa thủ đô đang làm tăng lên những rủi ro, bất ổn cho sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ông Bruce Pang, người đứng đầu nghiên cứu vĩ mô và chiến lược tại China Renaissance cho biết: "Các dữ liệu khảo sát cho thấy hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc đang dần trở lại, nhưng nguy cơ bùng dịch lần thứ 2 có thể sẽ trở thành nỗi ám ảnh đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng trong nước".
Sau hơn 50 ngày không có trường hợp nào nhiễm COVID-19 được báo cáo lây truyền trong cộng đồng, Bắc Kinh đã bất ngờ thông báo một trường hợp nhiễm virus vào thứ Năm tuần trước. Sau đó, các ca nhiễm mới tiếp tục được phát hiện và tính tới ngày thứ Tư, đã có 137 ca nhiễm virus sau 6 ngày.
Phần lớn các bệnh nhiễm bệnh mới đều liên quan đến chợ đầu mối Xinfadi, nằm ở ngoại ô thành phố, cách trung tâm Bắc Kinh khoảng 8,7 dặm (14 km). Hiện tại, các nhà chức trách của Tổ chức Y tế Thế giới và Trung Quốc vẫn chưa công khai xác định nguồn gốc cho cụm nhiễm virus mới nhất.
Ông Dan Wang, nhà phân tích của The Economist Intelligence Unit (EIU) cho biết, Xinfadi là thị trường nông sản lớn nhất ở Bắc Trung Quốc, do đó việc đóng cửa nó sẽ thúc đẩy tình trạng khan hiếm thực phẩm và ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, nhà hàng.
Ngoài ra, ông Wang cũng lưu ý rằng: "Phản ứng hoảng loạn lan truyền qua các thành phố khác sẽ khiến khả năng mở cửa lại nền kinh tế bị đe dọa, gây ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp".
Vào tuần trước, EIU có một bản báo cáo, trong đó dự đoán tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị Trung Quốc là 10% và doanh số bán lẻ cũng sẽ giảm khoảng 8% trong năm nay.
Cuối tuần qua, các nhà chức trách của thành phố Bắc Kinh đã công bố "tình trạng vô cùng khó khăn" khi gấp rút thực hiện xét nghiệm cho hàng nghìn người có tiếp xúc gần với khu vực nhiễm bệnh. Hiện có ít nhất 29 địa phương trong cả nước bắt đầu thực hiện biện pháp kiểm dịch với người đi về từ Bắc Kinh.
Những thách thức cho tiêu dùng
Sự tái xuất hiện của virus đã ảnh hưởng tiêu cực đến mức chi tiêu của người tiêu dùng, điều mà Trung Quốc đang cố gắng dựa nhiều hơn như một nguồn cho sự tăng trưởng.
Trong bối cảnh không chắc chắn của thị trường, công ty tư vấn Oliver Wyman đã dự đoán thị trường may mặc trị giá 370 tỷ USD của Trung Quốc có thể giảm gần 60 tỷ USD trong năm nay. Nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng với thu nhập suy giảm đang có xu hướng mua hàng rẻ hơn và với số lượng hạn chế.
Trong khi đó, các địa phương khác của Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp khác nhau để cố gắng tăng mức chi tiêu nội địa. Tương tự như các thành phố khác, Bắc Kinh đã tuyên bố rằng các phiếu mua hàng giảm giá ưu đãi trị giá 12,2 tỷ nhân dân tệ (1,74 tỷ USD) sẽ được phát hành thông qua ứng dụng JD.com trong vài tuần tới.
Doanh số bán lẻ của Bắc Kinh đã giảm 21,5% trong ba tháng đầu năm, lớn hơn mức giảm 19% của quốc gia và mức giảm 20,4% của Thượng Hải.
Vào đầu tháng trước, Thượng Hải đã tổ chức nhiều sự kiện khuyến mãi mua sắm của riêng mình với hơn 24 tỷ nhân dân tệ khuyến mãi thông qua các phiếu giảm giá.
Tăng trưởng kinh tế
Tuy dữ liệu quốc gia được công bố hôm thứ Hai cho thấy sự sụt giảm doanh số bán lẻ trong tháng 5, song doanh số báo cáo trên các trang thương mại trực tuyến vẫn tăng trưởng tới 15,6% so với năm trước.
Ông Qin Gang, người sáng lập Viện Chiến lược Thành phố YaSong, đã chỉ ra rằng người Trung Quốc ngày nay sẵn sàng chi tiêu ở mức cao hơn các thế hệ trước. Ông hy vọng xu hướng tiêu dùng dài hạn của Trung Quốc vẫn còn được bảo toàn, đặc biệt là trong các lĩnh vực như văn hóa, du lịch, giáo dục, chăm sóc y tế và liên quan đến hưu trí.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang gặp một thách thức lớn liên quan đến mức thu nhập của người dân nước này. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, tình trạng bất bình đẳng thu nhập đang diễn biến cực kỳ nghiêm trọng tại Trung Quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình thúc đẩy tiêu dùng trong nước khi dịch COVID-19 giáng cú đòn nặng vào nhóm thu nhập thấp, bao gồm dân lao động nhập cư và chủ hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Theo SCMP, Tổng cục Thống kê Trung Quốc đã xác nhận rằng hơn 600 triệu người - tương đương 40% dân số nước này, chỉ kiếm được trung bình 1.000 NDT (141 USD)/tháng hồi năm ngoái.
Hiện tại, Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo sức mua, nhưng GDP bình quân đầu người tại quốc gia này vẫn thấp hơn các quốc gia phát triển khác. Trong khi đó, chênh lệch thu nhập giữa dân cư nông thôn và thành thị đang ngày càng trở thành vấn đề nghiêm trọng.