Với việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm cũng như các chính sách phát triển kinh tế xã hội trong 6 tháng đầu năm 2013, các kết quả nổi bật được đánh giá là: (i) kinh tế vĩ mô nói chung ổn định, (ii) lạm phát thấp, (iii) một số các khó khăn lớn trong nền kinh tế như nợ xấu và tồn kho sản phẩm lớn đang từng bước được khắc phục. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, một số những diễn biến về kinh tế đã có tác động mạnh tới giá cả thị trường cần được phân tích, đánh giá rõ hơn, cụ thể như sau:
(1). Tăng trưởng kinh tế nói chung và đặc biệt là tăng trưởng của ngành sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm đạt mức thấp nhất trong các năm từ 2010 cho tới nay. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2013 đạt mức thấp nhất (4,9%) so với cùng kỳ các năm kể từ 2010 (2010 là 6,16%; năm 2011 là 5,92%; năm 2012 là 4,93%).
Số liệu về tốc độ tăng trưởng kinh tế theo ngành cho thấy, 6 tháng đầu năm 2013, tăng trưởng kinh tế của ngành sản xuất công nghiệp so cùng kỳ các năm đạt mức thấp nhất (năm 2010 là 6,5%; năm 2011 là 6,63%; năm 2012 là 5,59% và năm 2013 là 5,18%). Tăng trưởng của ngành công nghiệp là yếu tố có tác động lớn tới tăng trưởng chung của nền kinh tế, do vậy với mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp thấp hiện nay, khả năng cả năm nền kinh tế khó có thể có những mức tăng trưởng đột biến lớn.
(2). Cầu tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2013 vẫn yếu và ở mức thấp hơn so cùng kỳ năm trước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2013 ước tính tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước và nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 4,9%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,7% của cùng kỳ năm 2012. Mức độ tiêu thụ sản phẩm thấp sẽ là cản trở lớn đối với tăng trưởng kinh tế và cũng là nguyên nhân dẫn tới tồn kho sản phẩm sản xuất lớn hơn mức thông thường, chi phí sản xuất lớn hơn và tác động tới tăng CPI. Đây không phải là thông tin tích cực mà chúng ta đang mong đợi.
(3) Tồn kho sản phẩm có xu hướng giảm dần trong giai đoạn từ tháng 1 tới tháng 6/2013 so với cùng kỳ năm trước là do tăng trưởng sản phẩm công nghiệp thấp hơn, chứ không phải là do cầu tiêu dùng đã phục hồi. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho sản phẩm 6 tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ năm 2012 đang có xu hướng giảm dần từ tháng 1 tới tháng 6. Với số liệu này, có thể đánh giá, đây là xu hướng tích cực trong kinh tế 6 tháng đầu năm 2013 so với 2012.
Tuy nhiên, nếu xem xét tiêu chí giá trị hàng tồn kho so với giá trị hàng sản xuất thì thấy rằng, tỷ lệ giá trị hàng tồn kho hiện nay (tháng 5/2013 là 71% và 5 tháng đầu năm là 75,4%) là những con số vẫn cao hơn mức tồn kho thông thường (65%).
Ngoài ra, từ (i) mức độ tăng trưởng 5.18% của ngành sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2013 là thấp hơn so với mức tăng trưởng 5.59% của với cùng kỳ năm 2012 và (ii) tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2013 chỉ tăng 4,9%, thấp hơn mức 6,7% của cùng kỳ năm 2012 thì có thể kết luận là: giá trị sản phẩm tồn kho 6 tháng đầu năm 2013 có xu hướng giảm thấp dần là do giá trị sản xuất sản phẩm thấp hơn cùng kỳ năm 2012 chứ không phải là do cầu tiêu dùng đã phục hồi.
(4). Tồn kho sản phẩm 6 tháng cuối năm 2013 có khả năng sẽ tăng cao như diễn biến của năm 2012 và tiếp tục sẽ là lực cản lớn đối với thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế năm 2013. Theo xu hướng hàng năm thì tăng trưởng kinh tế các quý III và IV sẽ luôn ở mức cao hơn những quý đầu năm. Thực trạng kinh tế Việt Nam năm 2012 cho thấy, bắt đầu từ tháng 7/2012, khi tăng trưởng kinh tế cao hơn các tháng trước đó, tiêu dùng chững lại thì tồn kho sản phẩm bắt đầu tăng vọt cho tới cuối năm.
Đối với 2013, cho tới cuối năm, những thay đổi đột biến lớn trong nền kinh tế ít có khả năng xảy ra. Do vậy, nếu như kịch bản năm 2012 được lặp lại, có nghĩa là từ tháng 7/2013 tiêu dùng xã hội không có những động lực mới thúc đẩy tăng cao hơn những tháng đầu năm trong khi tăng trưởng kinh tế sẽ lớn hơn, thì chắc chắn là giá trị hàng tồn kho cũng sẽ tăng theo và điều đó sẽ lại trở thành một lực cản lớn đối với thực hiện mục tiêu tăng trưởng toàn bộ nền kinh tế cũng như mực tiêu kiềm chế lạm phát cả năm.
(5). Kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2013 đều tăng, song tốc độ tăng nhập khẩu cao hơn xuất khẩu, do vậy cán cân xuất nhập khẩu đã ở trạng thái thâm hụt. Tuy mức độ thâm hụt thương mại chưa cao (1,4 tỷ USD), song xu hướng cho tới cuối năm thì mức độ thâm hụt cán cân thương mại nhiều khả năng sẽ có quy mô lớn hơn và điều đó sẽ có tác động tới tăng tỷ giá và lạm phát.
Về xuất khẩu, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tính chung 6 tháng đầu năm đạt 62 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng xuất khẩu này lại thấp hơn mức tăng 23% của cùng kỳ năm 2012. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước tính đạt 64,8 tỷ USD, tăng 21,2%. Điều này cho thấy mức tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay chủ yếu do lượng xuất khẩu tăng.
Về nhập khẩu, tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 63,4 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2012 (cao hơn nhiều so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2012).
Nhập siêu 6 tháng đầu năm ước tính 1,4 tỷ USD, bằng 2,3% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Riêng nhập siêu từ Trung Quốc 5 tháng là 8,9 tỷ USD và tới tháng 6 ước tính là khoảng 11 tỷ USD.
Nhập siêu tăng thường là dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ có những biến động tích cực, song đây lại không phải là những thông tin tốt cho mục tiêu ổn định tỷ giá và lạm phát.
(6). Thu NSNN gặp nhiều khó khăn do tăng trưởng kinh tế thấp và việc triển khai nhiều giải pháp tài khoá nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chi NSNN dưới áp lực tăng cao để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Tổng thu NSNN từ đầu năm đến 15/6/2013 ước tính đạt 39,8% dự toán năm, trong đó thu nội địa bằng 39,8%; thu từ dầu thô bằng 50,8%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu bằng 32,7%. Tổng chi NSNN từ đầu năm đến 15/6/2013 ước tính đạt 41,8% dự toán.
Với số liệu ước tính trên đây cho thấy, năm 2013 sẽ là một năm rất khó khăn trong thực hiện dự toán thu – chi NSNN, đặc biệt là thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, theo Nghị quyết 01,02 của Chính phủ thì năm 2013 sẽ thực hiện một loạt các chính sách, giải pháp về tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh nên sẽ có tác động làm giảm thiểu số thu NSNN, như các giải pháp về hỗ trợ tài chính, miễn, giảm, kéo dài thời hạn nộp thuế cho doanh nghiệp. Đặc biệt, từ 01 tháng 7, Luật bổ sung, sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực chắc chắn là sẽ làm cho số thu thuế năm nay giảm hơn năm 2012. Về chi NSNN, cũng từ 01 tháng 7, thực hiện việc tăng tiền lương cơ bản cho cán bộ, công chức, viên chức... cũng sẽ làm cho chi NSNN tăng cao và gây những tác động nhất định tới biến động tăng của giá cả năm 2013.
(7). Lạm phát 6 tháng đầu năm được kiềm chế ở mức thấp, song có khả năng sẽ tăng cao trong 6 tháng cuối năm.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2013 tăng 2,4% so với tháng 12/2012 và tăng 6,69% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 6,73% so với bình quân cùng kỳ năm 2012. Hầu hết giá cả các nhóm sản phẩm, hàng hoá sử dụng để tính CPI 6 tháng đầu năm 2013 đều ít biến động. Yếu tố lớn nhất tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng những tháng đầu năm 2013 chính là việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế của Nhà nước. Giá thuốc và dịch vụ y tế đến tháng 6/2013 đã tăng 13,88% so với tháng 12/2013 và tăng 58,69% so cùng kỳ năm trước. Biến động của CPI các tháng từ 1/2010 tới 6/2013 được thể hiện ở biểu sau:
Theo chu kỳ các năm, chỉ số giá tiêu dùng thường tăng cao nhất vào tháng tết âm lịch (tháng 1 hoặc 2 dương lịch) sau đó giảm dần từ tháng 3 tới tháng 8 và bắt đầu tăng cao từ tháng 9 cho tới cuối năm và đầu năm sau. Như vậy, tại thời điểm này (tháng 6) nghĩa là đang trong giai đoạn CPI giảm theo chu kỳ nên biến động CPI thấp là hợp lý. Tuy nhiên, từ nay tới cuối năm, CPI có khả năng sẽ tăng cao do các yếu tố:
- Chính phủ thực hiện một số các giải pháp nới lỏng tài khoá và tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế.
- Tăng lương cơ bản từ 01/07/2013.
- Khả năng thâm hụt thương mại tăng cao và sẽ tác động tới lạm phát tăng.
- Chính phủ thực hiện một số các điều chỉnh về giá dịch vụ (y tế), điện, xăng dầu. Đặc biệt là tới tháng 9, chi tiêu cho giáo dục sẽ tăng và tác động làm tăng CPI như các năm trước.
- Chu kỳ tăng giá ở Việt Nam bắt đầu từ tháng 9 tới cuối năm do nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
- Tồn kho sản phẩm sẽ tăng cao trở lại, chi phí sản xuất tăng làm cho giá cả sản phẩm tăng.
Từ những phân tích trên đây cho thấy, năm 2013 mặc dù 6 tháng đã đạt được một số các mục tiêu quan trọng, song nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều rủi ro. Để khắc phục những hạn chế và rủi ro này, rất cần thiết phải thực hiện tích cực và có hiệu quả hệ thống nhiều giải pháp, đặc biệt là những giải pháp về tài khoá và tiền tệ đã nêu trong Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ từ tháng 1/2013.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 7 - 2013
Tăng trưởng kinh tế vĩ mô và những tác động tới giá cả thị trường
(Tài chính) Năm 2013, mức độ phục hồi của nền kinh tế trong nước còn chậm do phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, qua 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế nước ta vấn đạt mức khả quan, tác động tích cực đến diễn biến giá cả thị trường, tạo dư địa tốt cho mục tiêu kiềm chế lạm phát đã đặt ra trong năm…
Xem thêm