Tăng trưởng xanh: Con đường buộc phải lựa chọn
(Tài chính) Việc xoá bỏ trợ cấp các loại nguyên liệu hoá thạch có thể làm tăng mức tăng trưởng trung bình của nền kinh tế trong trung hạn. Theo cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) trợ cấp nhiên liệu hoá thạch ở Việt Nam dao động từ 1,2 tỷ đến 4,49 tỷ USD mỗi năm từ giai đoạn 2007 đến 2012.
Một mô hình…
“Tiềm năng đặc biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh” cụm từ đánh giá về Quảng Ninh mà ông Hoàng Danh Sơn, Phó giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Ninh nói không ngoa khi nhìn vào vị thế chiến lược, nơi hội tụ cảnh quan, di tích văn hoá lịch sử, tài nguyên khoáng sản, con người và xã hội.
Thế nhưng, chính cái tiềm năng phát triển kinh tế đặc biệt ấy cũng trở thành một thách thức của tỉnh Quảng Ninh khi đã có lúc rác thải từ khai thác mỏ đã chất thành núi, lượng khách du lịch “tăng tốc” cũng kéo theo những nguy cơ phá vỡ môi trường.
Bên cạnh những thành tựu về kinh tế, những vấn đề như cơ cấu bất hợp lý phát triển chưa bền vững, chủ yếu dựa vào tài nguyên hữu hạn và nhân công giá rẻ (năm 2011: 77% thu nội địa là từ than và đất) trở thành thách thức buộc tỉnh phải chuyển con đường phát triển kinh tế “từ nâu sang xanh”. Đây cũng trở thành một sợi dây xuyên suốt trong định hướng phát triển bền vững của tỉnh đến năm 2010 và tầm nhìn 2030.
Giá trị kinh tế mang lại khi có giải pháp xúc tác từ tăng trưởng bền vững thay vì để nền kinh tế phát triển dựa trên tăng trưởng hữu cơ cũng đã được tỉnh Quảng Ninh định lượng. Theo đó, mô hình “tăng trưởng xanh” chỉ ra 4 tác nhân: sáng kiến nông nghiệp, sáng kiến sản xuất, sáng kiến du lịch và sáng kiến thương mại sẽ mang đến cho tỉnh một tốc độ tăng trưởng 12,7% để GDP đầu người năm 2020 có thể đạt mức 8.100 USD và GDP tỉnh sẽ tăng lên 122,3 tỷ USD và năm 2030 tương ứng là 20.000 USD và 234,1 tỷ USD, thay vì tốc độ tăng trưởng hữu cơ chỉ là 5.500 USD/đầu người vào năm 2020.
Cùng với các tác nhân trên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ lên 51%, công nghiệp và khai thác khoáng sản xuống 11%, công nghiệp các ngành khác tăng lên 33%, nông nghiệp 4% vào năm 2020 trong khi thời điểm 2011 các chỉ số tương ứng là 42%, 25%, 26%, 6%. Với những kế hoạch cụ thể, Quảng Ninh kỳ vọng sẽ là tỉnh dẫn đầu cả nước thực hiện thành công các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường trong khuôn khổ Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam, mục tiêu đến năm 2020.
Và một tầm nhìn
Ông Koos Neefjesl, chuyên gia của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) cho biết, nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, việc xoá bỏ trợ cấp các loại nguyên liệu hoá thạch có thể làm tăng mức tăng trưởng trung bình của nền kinh tế trong trung hạn. Theo cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) trợ cấp nhiên liệu hoá thạch ở Việt Nam dao động từ 1,2 tỷ đến 4,49 tỷ USD mỗi năm từ giai đoạn 2007 đến 2012. Trợ cấp là ưu đãi các nhà sản xuất, giảm nguồn thu của Chính phủ và làm tăng nợ của DNNN.
Hơn thế, việc không phản ánh đúng chi phí sử dụng các nguyên liệu hoá thạch vào giá thành sản xuất trở thành rào cản với việc tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và sản xuất năng lượng tái tạo, trừ thuỷ điện. Thêm vào đó, tính cạnh tranh của thị trường cũng sẽ bị biến dạng khi giá cả không phản ánh đúng tính thị trường.
Trên đây chỉ là một trong những vấn đề mà ông Koos đưa ra về lợi thế khi thực hiện con đường tăng trưởng xanh.
“Con đường liên quan đến vận mệnh”, GS.,TS. Trần Đình Thiên đã nói như thế về việc buộc phải lựa chọn con đường tăng trưởng xanh của Việt Nam và của nhân loại. Khi tái cấu trúc nền kinh tế còn chưa lạc quan, việc đưa tăng trưởng xanh thành một trục dài hạn sẽ đặt những vấn đề gay gắt hơn, khó khăn hơn trong tái cấu trúc nền kinh tế trong thời gian tới.
“Tái cấu trúc nền kinh tế thời gian qua chưa đi vào những nội dung cơ bản mang tính chiến lược là phân bổ nguồn lực, cơ chế thị trường và quản trị Nhà nước”. Nhắc lại những vấn đề đã được các chuyên gia nói mãi tại các hội thảo, diễn đàn, PGS., TS. Trần Đình Thiên khuyến nghị: “Trong thời điểm này, cần nghĩ đến những hành động để xoay chuyển tình thế”.
Ba vấn đề cần làm được PGS., TS. Thiên đưa ra. Đối với việc cơ cấu ngành, công nghiệp Việt Nam cần logic trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Định vị trong chuỗi và gắn với chuỗi là yếu tố bắt buộc cùng với phát triển công nghệ cao thay vì làm sản phẩm trọn gói như xi măng, sắt thép.
Vấn đề thứ 2 là tập trung đột phá vùng với một tư duy đầu tư tập trung không dàn trải. Và “muốn như vậy phải tập trung đột phá cho những vùng ưu tiên. Hiện mới chỉ là cơ chế ưu đãi chưa có điều kiện hạ tầng, thể chế, chính sách để bứt lên. Với nông nghiệp tăng trưởng xanh chỉ có thể hiện thực hoá khi xây dựng DN làm trọng tâm. Tuy nhiên, tình thế chỉ có thể xoay chuyển nếu “trách nhiệm cá nhân được làm rõ” - ông Thiên nhận định.