Tăng trưởng xuất khẩu: Điểm cộng cho doanh nghiệp FDI

(baodautu.vn)

Tháng 9 vừa qua, Nhà máy Sản xuất thiết bị xử lý hóa chất CPE, thuộc Công ty Doosan Vina (Khu kinh tế Dung Quất - Quảng Ngãi) đã tiếp tục xuất khẩu 21 thiết bị trao đổi nhiệt đến một công ty của Saudi Arabia, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp này lên 127 triệu USD trong 9 tháng đầu năm.

Tăng trưởng xuất khẩu: Điểm cộng cho doanh nghiệp FDI
Con số này đã góp phần không nhỏ vào tổng kim ngạch xuất khẩu 83,8 tỷ USD của cả nước, hay 52,5 tỷ USD của riêng khu vực doanh nghiệp FDI trong 9 tháng đầu năm.

Thành tích xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI, trên thực tế, đã được ghi nhận ngay từ những tháng đầu năm và nay tiếp tục có thể thêm một điểm cộng cho họ. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu 18,9% trong 3 quý đầu năm hoàn toàn là nhờ khối doanh nghiệp FDI. Trong khi khối doanh nghiệp này đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 34,6%, thì các doanh nghiệp trong nước lại giảm 0,6% (chỉ đạt 31,3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Khác với cùng kỳ các năm trước, nếu loại trừ dầu thô, gần như các doanh nghiệp FDI đều nhập siêu, thì 9 tháng qua, ngay cả khi loại trừ xuất khẩu dầu thô (6,36 tỷ USD), khối doanh nghiệp này vẫn xuất siêu 2,24 tỷ USD. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước nhập siêu tới 8,5 tỷ USD, dù sản xuất và xuất khẩu giảm so với năm trước.

“Nếu đặt doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước bên cạnh nhau, có thể thấy, doanh nghiệp FDI có lợi thế hơn, vì họ tham gia nhiều hơn và sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngay cả với hai doanh nghiệp cung ứng lớn cho thị trường nội địa là Unilever và P&G, thì sản xuất, tiêu thụ của họ cũng vẫn tăng khoảng 20% so với năm trước, cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp trong nước. Điều đó cho thấy, doanh nghiệp FDI chịu đựng tốt hơn trước các tác động vĩ mô và nguyên nhân có thể là vì cơ cấu vốn của họ tốt hơn”, ông Nguyễn Xuân Thành (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) phân tích.

Lợi thế về thị trường, vốn và công nghệ có lẽ cũng là lý do khiến Samsung Electronics Việt Nam (SEV) trong 8 tháng đầu năm đã xuất khẩu được 7 tỷ USD các sản phẩm điện thoại di động. Chưa có con số cập nhật xuất khẩu 9 tháng của doanh nghiệp này, song xét về tỷ lệ, SEV sẽ đóng góp phần lớn trong số 8,6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện của cả nước trong 3 quý đầu năm.

Tương tự, nhờ sự góp sức của Intel, Canon..., kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm điện tử, máy vi tính và linh kiện tăng 77,3% so với năm trước, đạt 5,36 tỷ USD.

Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong năm nay có thể đạt 111 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2011, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra và là năm đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 100 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của khu vực FDI ước đạt 69,4 tỷ USD, chiếm 62,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Tất nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến giá trị gia tăng trong thành tích xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI, bởi thực tế, có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao đều là các mặt hàng gia công, nhập khẩu nguyên, vật liệu cũng lớn. Tuy nhiên, không thể không thừa nhận thành tích rất đáng ghi nhận, nếu không muốn nói là “công đầu” của khối doanh nghiệp FDI. Thừa nhận điều này, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, GS-TSKH Nguyễn Mại đã đánh giá cao sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI trong đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao.

Trong Đề án Định hướng thu hút và sử dụng FDI đến năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đánh giá cao những những đóng góp của doanh nghiệp FDI cho xuất khẩu ròng của Việt Nam. “Chủ trương khuyến khích FDI hướng về xuất khẩu đã tạo thuận lợi cho Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với thị trường quốc tế, nâng cao rõ rệt năng lực xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong công nghiệp, qua đó, giúp Việt Nam từng bước tham gia và cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định