Tạo “luật chơi” cho PPP

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo một số chuyên gia, quan trọng nhất vẫn là dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) phải đảm bảo hiệu quả, có khả năng hoàn vốn cao, đủ sức hấp dẫn chủ đầu tư. Để làm được điều này cần đảm bảo đấu thầu công khai, minh bạch hóa, tránh tối đa trường hợp “thông thầu”, hoặc không tổ chức đấu thầu cạnh tranh.

Tạo “luật chơi” cho PPP
Nhu cầu vốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng là rất lớn

Vẫn dừng ở… thí điểm

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nhu cầu về vốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu tại Việt Nam cần khoảng 16-17 tỷ USD/năm. Trong khi đó khả năng huy động các nguồn vốn truyền thống chỉ đáp ứng khoảng 50% - 60%. Vì vậy, Việt Nam cần tăng cường thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư theo PPP.

Mặc dù vậy trên thực tế, tính đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 2 dự án PPP được chấp thuận về chủ trương đầu tư, trong đó có dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (vốn đầu tư 23.223 tỷ đồng) và 15 dự án vẫn đang nằm trong diện triển khai… nghiên cứu. Và sau hơn 2 năm thí điểm triển khai (theo Quyết định 71/2010/QĐ-TTg) mô hình này vẫn dừng ở mức thí điểm.

Sở dĩ như vậy, theo đánh giá của một số chuyên gia, vì còn có nhiều bất cập. Cụ thể như khâu lựa chọn chuẩn bị dự án đầu tư còn kém, các lĩnh vực cũng như tiêu chí được lựa chọn thí điểm chưa cụ thể, rõ ràng…

Mặc dù, quy định giới hạn phần vốn tham gia của Nhà nước trong một dự án PPP không quá 30%/ tổng vốn đầu tư của dự án đã được đề nghị thay đổi trong Dự thảo sửa đổi Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP, cũng như phần vốn tham gia của Nhà nước có thể được xác định tùy theo từng trường hợp. Song nhiều nhà đầu tư vẫn cho rằng quy chế hợp tác công – tư chưa thực sự hấp dẫn.

Nguyên nhân do các tiêu chí lựa chọn dự án, lựa chọn nhà đầu tư, phân chia rủi ro, quản lý và sử dụng phần tham gia của Nhà nước chưa được quy định rõ ràng, cụ thể và chưa phù hợp với thực tế.

TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, không thể phủ nhận trong một số lĩnh vực được cho là hấp dẫn như dầu khí, khoáng sản, điện nước… thì chủ yếu vẫn do Nhà nước chi phối. Còn lại nhiều dự án “xương xẩu”, lợi nhuận thấp, khả năng thu hồi vốn chậm thì mời gọi đầu tư, hợp tác cũng khó. Vì vậy, vấn đề PPP vẫn chưa thể phát triển đến chừng nào chưa có một luật chơi bình đẳng.

Mạnh dạn mở lối đi

Theo một số chuyên gia, quan trọng nhất vẫn là dự án PPP phải đảm bảo hiệu quả, có khả năng hoàn vốn cao, đủ sức hấp dẫn chủ đầu tư. Để làm được điều này cần đảm bảo đấu thầu công khai, minh bạch hóa, tránh tối đa trường hợp “thông thầu”, hoặc không tổ chức đấu thầu cạnh tranh.

Tuy nhiên, muốn nói gì thì nói nhưng chừng nào còn chưa có một hành lang pháp lý rõ ràng cho vấn đề này, đảm bảo rõ quyền lợi cho các bên tham gia thì chắc chắn chưa thể có một doanh nghiệp (DN) nào có đủ “can đảm” để dấn thân vào.

Nhiều DN trong và ngoài nước cho biết rất quan tâm đến hình thức PPP. Nhưng bản thân các DN cũng có cái khó riêng của họ chứ chưa nói gì đến các quy định của Chính phủ. Ông Võ Trường Sơn - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai cho biết, năng lực tài chính của đa phần các DN tư nhân còn hạn chế. Bởi vậy phần vốn để phát triển dự án đa phần DN vẫn phải đi vay là chủ yếu.

Hơn nữa, nguồn vốn này đa phần là ngắn hạn, trong khi vốn để đầu tư các cơ sở hạ tầng, công trình công cộng luôn đòi hỏi nguồn vốn lớn, khả năng thu hồi và lợi nhuận đem lại trong lâu dài. Vì vậy, không nhiều DN có khả năng tham gia PPP.

Tuy nhiên, kinh nghiệm ở một số quốc gia phát triển để có thể huy động được nguồn lực tối đa trong dân, san sẻ bớt gách nặng cho ngân sách Nhà nước, Chính phủ có thể thông qua hình thức phát hành chứng chỉ quỹ, thành lập quỹ đầu tư hạ tầng… để mọi đối tượng có thể tham gia góp vốn. Như vậy, cả Nhà nước và nhân dân đều có lợi.

Ông Sanjay Kalra - Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam đánh giá, tiềm năng của Việt Nam trong vấn đề PPP, còn rộng mở. Trong vòng 10 năm tới, nếu tạo được hành lang pháp lý phù hợp hơn Việt Nam có khả năng huy động 70 - 80 tỷ USD thông qua hình thức đầu tư này.

Ngoài ra, để thúc đẩy các dự án theo hình thức PPP, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, Việt Nam cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm về phát triển PPP nhưng quan trọng là cần lựa chọn hướng đi phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của quốc gia mình.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã có phiên đối thoại cấp cao về thúc đẩy các dự án đối tác PPP và một số chương trình dự án khác mà Chính phủ Việt Nam cho phép các nhà đầu tư tư nhân tham gia xây dựng, vận hành, bảo trì các dự án liên quan theo hợp đồng nhượng quyền cụ thể hoặc hình thức tương tự trong thời gian dài hạn tại Việt Nam.

Theo đó, JBIC và các đối tác sẽ hình thành, xây dựng các dự án có tính khả thi, đáng tin cậy và có thể vay vốn ngân hàng, hợp tác thúc đẩy các dự án trong việc nghiên cứu, tham khảo các dự án điển hình. Hiện tại, JBIC đang triển khai 2 dự án đầu tư theo hình thức PPP và dự kiến thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư theo hình thức này tại Việt Nam.