Tập đoàn Dầu khí nộp ngân sách 108 nghìn tỷ đồng
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa công bố kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019, trong đó đã nộp ngân sách Nhà nước 108 nghìn tỉ đồng, vượt 23% kế hoạch.
PVN cho biết, năm 2019 tập đoàn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là quy chế tài chính Công ty mẹ - PVN, đề án tái cấu trúc PVN chưa được phê duyệt, các cơ chế tháo gỡ khó khăn cho PVN chưa được ban hành...
Tuy nhiên, ý thức đầy đủ về trách nhiệm của một tập đoàn kinh tế đối với đất nước, mọi kết quả hoạt động của PVN đều ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng GDP, an ninh năng lượng và nguồn thu ngân sách Nhà nước; với phương châm “Bản lĩnh - Đoàn kết - Đổi mới - Hành động”, tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên PVN đã giữ vững niềm tin, đoàn kết, bình tĩnh vượt khó, chủ động xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ được giao.
Kết thúc năm 2019, với định hướng và phương châm hành động đúng đắn, cùng những giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả, PVN đã về đích trước kế hoạch năm từ 2-60 ngày tất cả các chỉ tiêu.
Nổi bật là giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định năm 2010) đạt 519,8 nghìn tỉ đồng, vượt 4,3% kế hoạch, tăng 6,3% so với năm 2018. Tổng doanh thu toàn PVN đạt 736,2 nghìn tỉ đồng, vượt 123,9 nghìn tỉ đồng (20%) kế hoạch, tăng 17% so với năm 2018. Nộp ngân sách Nhà nước toàn PVN đạt 108 nghìn tỉ đồng, vượt 20,5 nghìn tỉ đồng (23,0%) kế hoạch. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 43,8 nghìn tỉ đồng, vượt 40% kế hoạch...
Trong quá trình triển khai các dự án trọng điểm dầu khí và các dự án điện cấp bách, PVN đã tích cực, chủ động thực hiện và kịp thời, thường xuyên báo cáo Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về tiến độ, những khó khăn, vướng mắc liên quan, những vấn đề vượt thẩm quyền, để xin ý kiến chỉ đạo. Giá trị thực hiện đầu tư năm 2019 đạt trên 30,4 nghìn tỉ đồng.
PVN đã chủ động, tích cực trong việc xử lý 5 dự án yếu kém, khó khăn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017.
PVN đã hoàn thành báo cáo Đề án tái cơ cấu PVN giai đoạn 2019-2025. Hiện tại, PVN đang chờ cấp thẩm quyền phê duyệt Đề án tái cơ cấu để làm cơ sở triển khai thực hiện các công việc tiếp theo.
Đặc biệt, PVN đã tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản trị doanh nghiệp, chú trọng công tác truyền thông và triển khai nhiều biện pháp nhằm tái tạo văn hóa Petrovietnam.
Năm 2020, Tập đoàn sẽ tập trung triển khai đồng bộ, linh hoạt 10 giải pháp trọng tâm, trước hết là xây dựng kế hoạch, đôn đốc, chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Tập đoàn sẽ xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc tại các dự án nhiệt điện than của PVN, gồm: Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1; tập trung thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm: Chuỗi Dự án Lô B; chuỗi Dự án Cá Voi Xanh; tập trung hoàn thành xử lý các khó khăn, vướng mắc 5 dự án yếu kém theo đúng chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29-9-2017.
Cùng với đó, PVN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ngành liên quan để sớm được Chính phủ phê duyệt Đề án tái cấu trúc PVN giai đoạn 2019-2025; rà soát, cập nhật, điều chỉnh chiến lược phát triển của PVN đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.
Rà soát, đánh giá tất cả các dự án đầu tư để xác định nhóm các dự án ưu tiên theo từng lĩnh vực hoạt động phù hợp với khả năng cân đối, thu xếp vốn và dòng tiền cho nhu cầu đầu tư của PVN.
Đồng thời, PVN tiếp tục tập trung vào lĩnh vực khoa học công nghệ, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, kỹ thuật số vào công tác quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động; chủ động và tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của PVN…