Tập đoàn Nhật Bản rót 9 triệu USD vào Vinatex
(Tài chính) Việc Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) đầu tư mua cổ phần của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) được đánh giá rất tích cực, bởi Itochu không chỉ là nhà đầu tư cùng ngành nghề, mà còn là doanh nghiệp (DN) có quy mô lớn, sở hữu nhiều yếu tố thuận, có thể đóng góp vào sự phát triển của Vinatex trong tương lai.
Sau nhiều cuộc thương thảo và tìm hiểu kỹ thông tin về quy mô vốn, thị trường, chiến lược đầu tư, sản xuất của Vinatex, Itochu đã đầu tư hơn 9 triệu USD để sở hữu gần 3% cổ phần của DN này. Động thái trên được kỳ vọng là đòn bẩy để Vinatex có thêm động lực đầu tư chuyên sâu, đúng ngành nghề, lĩnh vực chủ chốt mà DN đang theo đuổi là sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng dệt may…
Sự kỳ vọng của Vinatex là hoàn toàn có cơ sở, bởi Itochu là tập đoàn thương mại đa ngành lớn thứ ba của Nhật Bản, chỉ sau Mitsubishi Corporation và Mitsui & Co, với các mảng hoạt động chính chuyên về dệt may, kim loại/khoáng sản, thực phẩm, máy móc, thiết bị, năng lượng và công nghệ thông tin.Về chiến lược hoạt động tại thị trường Việt Nam, đại diện Itochu cho biết, Tập đoàn có kế hoạch mua sợi và các nguyên liệu khác tại địa phương, cũng như từ các nước láng giềng, sau đó tiến hành xử lý và sản xuất tại các cơ sở của Vinatex và cuối cùng là xuất khẩu sản phẩm hoàn thiện sang nhiều nước trên thế giới. Itochu có thâm niên nhiều năm hợp tác kinh doanh, nhập khẩu hàng hóa với gần 100 DN dệt may Việt Nam, trong đó có 30 DN thành viên của Vinatex.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Vinatex thừa nhận, Itochu đã có thời gian dài tìm hiểu về Vinatex cũng như chiến lược phát triển trong những năm tới của Tập đoàn. Bởi vậy, quyết định sở hữu cổ phần Vinatex của Itochu cũng đúng như dự đoán của lãnh đạo Vinatex.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, thời gian tới, Việt Nam nỗ lực cùng các đối tác kết thúc đàm phán một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó, quan trọng nhất là FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu các FTA này được ký kết và có hiệu lực, dệt may Việt Nam sẽ có cơ hội hưởng những tác động rất tích cực và việc nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Itochu chọn thời điểm hiện tại để đầu tư vào DN dệt may cũng nhằm đón đầu cơ hội này.
Còn theo tin từ đơn vị tư vấn việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cho Vinatex, việc đầu tư vào Vinatex đã được Itochu chuẩn bị từ vài năm nay. Ban đầu, nhà đầu tư Nhật Bản này có ý định muốn làm đối tác chiến lược, nhưng cuối cùng lại quyết định chọn mua cổ phần theo hình thức đấu giá.
Tìm kiếm các đối tác, nhà đầu tư cùng ngành nghề để hỗ trợ cả về kinh nghiệm hoạt động, thị trường… luôn là điều mong mỏi của không riêng Vinatex, mà của bất kỳ DN nào. Qua 15 năm phát triển, Vinatex luôn phát triển khâu may mặc là trung tâm để tạo được chỗ đứng trên thị trường quốc tế, đến nay chiến lược của ngành cần có bước chuyển từ tập trung nhiều vào khâu may mặc, sang cả đầu tư cho khâu thiết kế, thương hiệu và kênh phân phối.
Theo ông Trường, đây là quá trình dịch chuyển định vị của ngành dệt may Việt Nam lên nấc thang giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị của dệt may toàn cầu. “Và đã là quá trình nâng cấp giá trị, thì chắc chắn sẽ khó khăn cả về nguồn lực tài chính cho đầu tư. Do vậy, ở một góc độ nào đó, Itochu sẽ cùng Vinatex gỡ bỏ phần nào khó khăn trong quá trình chuyển đổi, phát triển sang một giai đoạn mới, nhằm đáp ứng được yêu cầu của khâu đầu tư có hàm lượng công nghệ cao như khâu sản xuất nguyên liệu”, ông Trường nhấn mạnh.
Năm 2012, Itochu chính là đối tác đã cùng Vinatex thực hiện Dự án Đầu tư sản xuất sợi tại Khu công nghiệp Bảo Minh (Nam Định), với tổng vốn 120 triệu USD, quy mô 50.000 cọc sợi, chuyên cung cấp sợi chất lượng cao.
Trước mắt, cơ hội gia tăng nhanh xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang thị trường Nhật Bản là khá hiện thực, nhờ vào mạng lưới thương mại của Itochu và xa hơn là Itochu sẽ giúp Vinatex thúc đẩy phát triển đầu tư các dự án nguyên phụ liệu, cùng “bắt tay” phát triển sản phẩm có năng lực cạnh tranh tốt và có giá trị gia tăng cao.