Tập trung xử lý nợ xấu trên 3% tổng dư nợ

Theo Thời báo Ngân hàng

Phấn đấu đến cuối năm 2015 xử lý được cơ bản số nợ xấu hiện nay, Đề án "Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD" và Đề án "Thành lập Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC)" giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì tập trung xử lý nợ xấu của các TCTD có tỷ lệ nợ xấu trên 3% tổng dư nợ và nợ xấu có tài sản bảo đảm, trong đó ưu tiên xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản.

Tập trung xử lý nợ xấu trên 3% tổng dư nợ
Đề án tập trung xử lý nợ xấu của các TCTD có tỷ lệ nợ xấu trên 3% tổng dư nợ và nợ xấu có tài sản bảo đảm. Nguồn: Internet

Theo Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD và Đề án thành lập Công ty Quản lý Tài sản của các TCTD Việt Nam - VAMC vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 843/QĐ-TTg thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 5 thành phần chủ lực, cùng với chính quyền địa phương và các ngân hàng thương mại.

Trong đó, NHNN được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, các cơ quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu, thành lập và phê duyệt điều lệ công ty VAMC. Đồng thời tiến hành thanh tra toàn diện ngân hàng không chịu bán nợ xấu; áp dụng một hoặc một số tỷ lệ an toàn cao hơn quy định. Yêu cầu tăng vốn điều lệ để đáp ứng các yêu cầu đảm bảo an toàn…

Theo Đề án, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ xây dựng các chính sách miễn, giảm thuế liên quan đến mua, bán tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu của các TCTD. Bộ Tài chính cũng phải xây dựng phương án phát hành công cụ nợ của chính phủ để xử lý nợ xấu của các đối tượng trên. Ngoài ra, Bộ Tài chính phải phối hợp cơ quan liên quan xây dựng và trình Chính phủ phương án xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo Đề án Tái cơ cấu DNNN ngay trong năm 2013, mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015.

Theo Đề án, Bộ Xây dựng có trách nhiệm sửa đổi quy định về thị trường bất động sản để tạo điều kiện cho các TCTD, VAMC để xử lý nhanh nợ xấu của các TCTD.

Còn nhiệm vụ của Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp là khẩn trương sửa Luật DN, ban hành thông tư xử lý tài sản đảm bảo.

Riêng các TCTD, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các đơn vị này phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, NHNN về xử lý nợ xấu; xây dựng và triển khai kế hoạch xử lý nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng; Chủ động triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu và kiềm chế nợ xấu gia tăng.

Đề án nêu rõ, mục tiêu xử lý nợ xấu của các TCTD nhằm tạo điều kiện cho TCTD mở rộng tín dụng với lãi suất hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện thanh khoản và nâng cao sự an toàn, lành mạnh, hiệu quả hoạt động của các TCTD.

Phấn đấu đến cuối năm 2015 xử lý được cơ bản số nợ xấu hiện nay, Đề án tập trung xử lý nợ xấu của các TCTD có tỷ lệ nợ xấu trên 3% tổng dư nợ và nợ xấu có tài sản bảo đảm, trong đó ưu tiên xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản.

Để xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng trong tương lai, các TCTD chủ động triển khai 10 giải pháp: Đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý thích hợp; tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; tiếp tục cơ cấu lại nợ; tiếp tục hỗ trợ vốn để khách hàng khắc phục khó khăn và phục hồi; bổ sung, hoàn thiện hồ sơ pháp lý tài sản bảo đảm; thu nợ và xử lý tài sản bảo đảm; hoán đổi nợ thành vốn; bán nợ xấu cho Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC) thuộc Bộ Tài chính; kiểm soát chặt chẽ và giảm chi phí hoạt động; hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai.

Theo Quyết định 843, thì VAMC được thành lập với tư cách công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các TCTD, DN và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế. Đây là DN đặc thù do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ là 500 tỷ đồng.

VAMC sẽ mua nợ xấu của TCTD theo giá trị ghi sổ số dư nợ gốc khách hàng vay chưa trả đã được khấu trừ số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập chưa sử dụng cho khoản nợ xấu đó và trả cho TCTD bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt. Khi có nhu cầu về vốn, TCTD có thể sử dụng trái phiếu đặc biệt để vay tái cấp vốn của NHNN… Ngoài ra, căn cứ năng lực tài chính, hiệu quả kinh tế và điều kiện thị trường, VAMC mua nợ xấu của TCTD theo giá trị thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt trên cơ sở thỏa thuận và giá trị khoản nợ xấu được đánh giá lại…