Tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất tại bốn thành phố lớn

Theo nhandan.com.vn

Vừa qua, Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã tổ chức họp báo công bố ngừng phát sóng chính thức truyền hình tương tự mặt đất tại TP. Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ từ 24 giờ ngày 15/8.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Phan Tâm cho biết, theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, năm thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Đà Nẵng phải hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất và ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất trước ngày 31/12/2015.

Khi triển khai thực tế Đề án số hóa, Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã nhận thấy một số khó khăn phát sinh ở cả phần phát truyền hình số mặt đất và phần hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo theo quy định.

Vì vậy, Ban chỉ đạo đã quyết định lựa chọn Đà Nẵng là thành phố triển khai thí điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất trước ngày 31/12/2015, và lùi thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại bốn thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ tới ngày 15/8 để bảo đảm các công tác chuẩn bị cho việc phủ sóng truyền hình số mặt đất được tốt hơn.

Trên thực tế, Đà Nẵng đã hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất và ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất từ ngày 1/11/2015. Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam chỉ đạo bốn thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai.

Đến nay, trên địa bàn bốn thành phố Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ đã được phủ sóng truyền hình số mặt đất, các kênh chương trình truyền hình của VTV, Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ đã được phát sóng trên hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất của Đài truyền hình Việt Nam, Công ty Cổ phần Truyền dẫn phát sóng đồng bằng Sông Hồng (RTB), Công ty trách nhiệm hữu hạn truyền hình kỹ thuật số Miền Nam (SDTV).

Số lượng kênh chương trình truyền hình miễn phí mà người dân có thể thu xem lên tới 70 kênh, trong đó có 06 kênh chương trình HD (gồm VTV1, VTV3, VTV5, VTV6, VTV7, VTV9). Tại Hà Nội, Hải Phòng có thể thu xem 45 kênh SD, tại TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ: 65 kênh SD.

Hiện tại, đại bộ phận người thu xem truyền hình tương tự mặt đất tại các thành phố này đã chuyển đổi sang thu xem truyền hình số mặt đất. Hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương tại bốn thành phố và địa bàn bị ảnh hưởng của 19 tỉnh lân cận đã được hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất. Tổng số hộ nghèo, cận nghèo đã được hỗ trợ là 413.542 hộ.

Ban chỉ đạo quyết định từ 24 giờ ngày 15/8 sẽ ngừng phát sóng toàn bộ các kênh truyền hình tương tự mặt đất tại bốn địa bàn thành phố Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ (các kênh chương trình truyền hình này đã được phát trên hệ thống truyền hình số mặt đất).

Tắt hẳn chứ không “tắt mềm” như thử nghiệm ở Đà Nẵng

Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đánh giá việc số hóa truyền hình mặt đất tại địa bàn Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh và việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo cơ bản đã hoàn thành, đã đáp ứng đủ điều kiện để ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất theo Quyết định 2451/QĐ-TTg.

Trên thực tế, người dân các hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn cũ đã được hỗ trợ đầu thu. Hiện tại, Ban chỉ đạo đang ráo riết thực hiện hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới, đến 15/8 sẽ thực hiện xong.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, đây là chủ trương lớn liên quan đến đại đa số người dân, vì thế, việc tuyên truyền đến từng hộ dân là rất quan trọng. Sau khi thử nghiệm ở Đà Nẵng, lần tắt ở bốn thành phố này sẽ tắt hẳn chứ không “tắt mềm” nữa.

Vì vậy, Thứ trưởng kêu gọi người dân không trong diện được hỗ trợ đầu thu nên chủ động tìm mua thiết bị sớm, không để tình trạng tắt rồi mới đổ xô đi tìm đầu thu sẽ gây ra tình trạng sốt đầu thu.

Đại diện Bộ TT-TT nêu một số khó khăn dẫn đến chậm trong việc thực hiện đề án như có quá nhiều chương trình truyền hình được phát sóng trên analog. Kinh phí hỗ trợ người dân được trích từ ngân sách Nhà nước nên việc xây dựng dự án, tiến hành đấu thầu đòi hỏi thời gian khá dài. Thêm nữa, mặc dù người dân đã được hướng dẫn chuyển đổi từ analog sang truyền hình số, nhưng họ không hiểu ngay. Thông thường, phải đến khi tắt sóng mới đi mua đầu thu.

Đại diện Bộ TT-TT cũng cho biết, việc số hóa truyền hình gặp nhiều khó khăn khiến lộ trình thực hiện bị chậm lại. Sau 5 thành phố lớn, theo Quyết định 2451/QĐ-TTg thì sẽ đến các tỉnh đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, rồi các tỉnh duyên hải miền trung và miền núi.

Đến 31/12/2016 sẽ tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất trên khắp cả nước. Tuy nhiên, dự kiến, lộ trình này khó có thể thực hiện được và dự án đang chậm một cách tổng thể. Thời hạn sẽ phải lùi lại, nhưng ngày chính xác Ban chỉ đạo Đề án sẽ quyết định sau khi tổng kết và rút kinh nghiệm từ việc tắt sóng của 5 thành phố lớn.