Tây Ban Nha sắp thành lập cơ quan xử lý nợ xấu

Theo Báo Tin tức

Cơ quan tài chính này sẽ bắt đầu hoạt động từ 19/11 với mục tiêu quản tới 90 tỷ euro (118 tỷ USD) tài sản xấu.

Tây Ban Nha sắp thành lập cơ quan xử lý nợ xấu
Theo nguồn tin của Bộ Kinh tế Tây Ban Nha, một cơ quan tài chính có tên Sareb sắp được thành lập nhằm tiếp xử lý nợ xấu của các ngân hàng dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào ngày 19/11 với mục tiêu quản tới 90 tỷ euro (118 tỷ USD) tài sản xấu.

Sareb sẽ mua sau đó bán lại các tài sản như bất động sản còn chưa được đưa vào sử dụng và các tòa nhà đang xây mà chưa hoàn thành để lành mạnh hoá hệ thống ngân hàng. Trong vòng một tuần sau khi Sareb đi vào hoạt động, Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha sẽ định giá chính xác các tài sản mà các ngân hàng Tây Ban Nha chuyển cho Sareb, dựa trên đánh giá của hãng kiểm toán Oliver Wyman.

Các bất động sản được mua sẽ có giá trị tối thiểu là 100.000 euro, và các ngân hàng có vấn đề dự kiến sẽ thanh lý các tài sản như vậy trong vòng 15 năm.

Bộ trưởng Kinh tế Luis de Guindos cho biết, nguồn tài chính của Sareb sẽ là từ các quỹ công, song các quan chức Tây Ban Nha cũng hy vọng các nhà đầu tư tư nhân sẽ cùng chung tay góp sức với thực thể tài chính này.

Việc thành lập Sareb là một điều kiện mà Liên minh châu Âu đặt ra trước khi giải ngân khoản cứu trợ 100 tỷ euro cho hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha hiện đang lao đao vì gánh nặng nợ xấu sau khi bong bóng bất động sản vỡ vào năm 2008.

Số nợ mà các hộ gia đình và các công ty Tây Ban Nha chậm thanh toán trong tháng 8 ở mức kỷ lục là 178 tỷ euro, khiến các ngân hàng nước này phải chịu thêm gánh nặng và càng cho thấy sự cần có một gói cứu trợcũng như đòi hỏi việc phải thành lập một ngân hàng mua lại nợ xấu để giúp đưa nền kinh tế ra khỏi suy thoái.