Tết Trung thu: Đồ chơi truyền thống lên ngôi
Chỉ còn vài ngày nữa là tới Tết Trung thu, nhưng "phố đồ chơi" Hàng Mã, Lương Văn Can (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã nhộn nhịp, lung linh bởi những đồ chơi rực rỡ sắc màu. Quan sát thị trường đồ chơi tại Hà Nội năm nay, có thể nhận thấy đồ chơi truyền thống đã lấy lại vị thế, được ưa chuộng hơn đồ chơi điện tử.
Từ lâu, phố Hàng Mã, Lương Văn Can đã được nhiều người gọi là "phố đồ chơi", "vương quốc đồ chơi", với đa dạng các sản phẩm đồ chơi từ truyền thống đến hiện đại. Và những con phố trên càng lung linh và đẹp hơn, trở thành một nét đẹp của Phố cổ Hà Nội, mỗi dịp Tết Trung thu. Đến với Hàng Mã những ngày này, từ đầu phố đến cuối phố rực rỡ màu sắc của vô vàn các loại đồ chơi.
Điểm dễ nhận thấy là sau một khoảng thời gian đồ chơi điện tử lên ngôi, vài năm gần đây, đồ chơi Trung thu truyền thống đã được người tiêu dùng ưa chuộng và lựa chọn nhiều hơn.
Năm nay, các đồ chơi truyền thống có hình ảnh quen thuộc với người dân Việt như đèn lồng, mặt nạ, trống,... được bày bán số lượng nhiều. Những chiếc đầu lân, đèn ông sao, mặt nạ giấy bồi, trống tiêu vẫn được xếp vào hàng đầu tiên trong những lựa chọn tiêu dùng của người dân và trẻ em trước dịp Trung thu này.
Theo khảo sát của phóng viên, giá các loại đồ chơi Trung thu năm nay không có biến động nhiều, vẫn ở mức giá trung bình như năm ngoái. Giá bán các loại đèn ông sao vào khoảng 10.000 - 15.000 đồng/sản phẩm, các loại cỡ to hơn là 60.000 - 100.000 đồng/sản phẩm. Đèn lồng giấy có giá 20.000 - 50.000 đồng/chiếc, tùy từng kích cỡ. Đầu lân sư tử là loại đồ chơi có giá đắt nhất, khoảng 550.000 - 950.000 đồng/chiếc, loại đầu lân đặc biệt có giá lên tới 3 triệu đồng/chiếc.
Mặt nạ giấy bồi - một món đồ chơi truyền thống được chính tay các nghệ nhân Phố cổ làm thủ công có giá bán khoảng 35.000 - 70.000 đồng/chiếc, trong khi đó mặt nạ nhựa được nhập về có giá dao động từ 20.000 - 40.000 đồng/chiếc.
Người tiêu dùng cũng lựa chọn các sản phẩm truyền thống cho con em của mình nhiều hơn. Chị Trần Khánh Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Đến với phố Hàng Mã năm nay, mình thấy rất thích thú vì các loại đồ chơi truyền thống được bày bán nhiều, đủ mọi kiểu dáng và màu sắc. Mình lựa chọn mua đồ chơi truyền thông cho con, bởi vì nhiều loại đồ chơi điện tử không an toàn với trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, mình cũng muốn con được tiếp xúc và yêu những giá trị văn hóa truyền thống ngay từ nhỏ”.
Mới 60 tuổi đời nhưng bà Đặng Hương Lan ở Hàng Than, Hà Nội đã có 40 năm sống cùng với nghề truyền thống làm mặt nạ giấy bồi, là một trong những nghệ nhân còn lại cuối cùng của Phố cổ. Với bà Lan mỗi dịp Trung thu đến thì ký ức với bao nhiêu mẫu đồ chơi do chính tay bà làm ra từ sự tỉ mỉ và lòng yêu nghề phục vụ con trẻ lại ùa về.
Bà Lan chia sẻ: Công đoạn để làm nên một chiếc mặt nạ giấy bồi truyền thống rất tỉ mỉ, công phu, kiên trì, đòi hỏi sự khéo tay của người làm. Mặt nạ truyền thống có gần 30 mẫu, trong khi các loại mặt nạ khác trên thị trường chỉ có 4,5 mẫu. Bên cạnh đó, mặt nạ truyền thống có đường nét rõ nét, độ lồi lõm rõ ràng, nét vẽ mềm mại. Chất liệu làm nên chiếc mặt nạ là từ giấy và bột sắn nấu lên thành hồ nên không độc hại, thân thiện với môi trường.
“Chính vì thế dù trên thị trường có xuất hiện bao nhiêu loại mặt nạ nhựa, mặt nạ giấy bồi truyền thống vẫn luôn được yêu thích và có vị thế nhất định trong lòng khách hàng” - bà Lan khẳng định.
Bên cạnh những đồ chơi quen thuộc, năm nay một số cửa hàng còn nhận làm mâm ngũ quả phá cỗ Trung thu. Với giá dao động khoảng 3 triệu đồng/mâm, theo chia sẻ của các cửa hàng, khoảng 1 tuần trước Trung thu đơn hàng nhiều và phải đặt trước 1,2 ngày mới có.
Với mỗi dịp Trung thu về, con trẻ luôn háo hức và chờ đợi và những con phố bán đồ chơi như Hàng Mã, Lương Văn Can là địa chỉ đến các "thượng đế", đồng thời tô điểm thêm nét đẹp cho văn hóa Hà Nội.