Thả nổi tỷ giá đồng ruble: Chỉ còn là vấn đề thời gian

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trong những tháng gần đây, đồng ruble đã liên tục rớt giá so với USD và một số đồng tiền chủ chốt khác bất chấp các hành động can thiệp vào thị trường ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR). Điều đó đã buộc CBR phải thay đổi đối sách như tung ra hàng loạt các biện pháp mới, trong đó có việc giới hạn quy mô của các đợt can thiệp. Động thái này cho thấy Moscow đang tiến gần hơn tới việc thả nổi tỷ giá của đồng ruble.

Thả nổi tỷ giá đồng ruble: Chỉ còn là vấn đề thời gian
Trong những tháng gần đây, đồng ruble đã liên tục rớt giá so với USD và một số đồng tiền chủ chốt khác. Nguồn: internet

Đồng ruble tụt dốc

Cho đến cuối năm 2013, một trong những thành công của ông Vladimir Putin trên cương vị người đứng đầu nước Nga là giữ ổn định tỷ giá hối đoái của đồng ruble. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi kể từ sau cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra ở Ukraine hồi cuối năm ngoái. Từ đầu năm tới nay, đồng bản tệ của Nga đã mất giá hơn 25% so với đồìng USD. Chỉ riêng trong 3 tháng qua, đồng ruble đã mất giá 19% so với USD, mức mất giá mạnh nhất trong rổ tiền mà hãng tin Bloomberg đang theo dõi. Trong phiên giao dịch ngày 5.11 tại Sở Giao dịch Tiền tệ liên Ngân hàng Moscow (MICEX), tỷ giá giữa hai đồng tiền này có lúc đã xuống tới 44,98 ruble/USD, mức thấp kỷ lục từ trước tới nay.

Nguyên nhân chủ yếu khiến đồng ruble liên tục mất giá là do giá dầu thô, một trong những mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Nga, đã liên tục giảm mạnh trong những tháng gần đây và ảnh hưởng nghiêm trọng tới cán cân ngân sách của Nga. Hôm 5.11, giá dầu thô Brent chỉ còn 81,63 USD/thùng, giảm gần 30% so với mức cao nhất từ mức đỉnh của năm 2014 đạt được hồi tháng 6.

Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt mà phương Tây sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nhất là có các biện pháp trừng phạt áp đặt lên ngành dầu khí và ngân hàng, đã tác động mạnh tới kinh tế Nga, qua đó ảnh hưởng tiêu cực tới giá trị của đồng ruble. Hiện tại, nền kinh tế Nga đang trên bờ vực suy thoái. Nguy cơ này sẽ trở lên lớn hơn nếu Mỹ và Liên minh châu Âu tiếp tục mở rộng các biện pháp trừng phạt chống Nga sau các cuộc bầu cử mà Kiev coi là bất hợp pháp của phe đòi ly khai ở các khu vực miền Đông Ukraine.

Ngoài ra, hiện tượng rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài cũng tác động đáng kể tới giá trị của đồng ruble. Các số liệu chính thức từ CBR cho thấy trong 9 tháng năm 2014, tổng số vốn ròng chảy khỏi nước này lên tới 77,5 tỷ USD, tăng mạnh so với con số 45,7 tỷ USD năm ngoái. Tuy nhiên, điều may mắn là tốc độ rút vốn đang có xu hướng giảm. Trong quý III.2014, lượng vốn chảy khỏi nước Nga chỉ là 5,7 tỷ USD, giảm so với con số 61,7 tỷ USD của quý I.2014 và 10,2 tỷ USD của quý II.

Thay đổi đối sách

Trong bối cảnh chưa có dấu hiệu nào cho thấy xu hướng giảm giá của đồng ruble sẽ sớm chấm dứt, ngày 5.11, CBR đã quyết định thay đổi phương thức can thiệp vào thị trường ngoại hối. Theo quyết định này, CBR sẽ chỉ chi 350 triệu USD/ngày để hỗ trợ cho đồng ruble nếu tỷ giá hối đoái của đồng tiền này tăng/giảm vượt quá biên độ cho phép. Tuy nhiên, CBR khẳng định sẵn sàng can thiệp bổ sung vào thị trường ngoại hối trong nước trong trường hợp xuất hiện các mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính.

Trong thông báo trên trang web chính thức của mình, CBR nhấn mạnh việc giới hạn quy mô can thiệp vào thị trường sẽ giúp tăng sự linh hoạt của tỷ giá hối đoái một cách đáng kể. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tỷ giá hối đoái của đồng ruble sẽ chủ yếu được quyết định bởi các nhân tố thị trường.

Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân chủ yếu khiến CBR quyết định giảm dần sự can thiệp vào thị trường ngoại hối là do kể từ đầu năm tới nay, dự trữ ngoại hối của quốc gia xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới này đã giảm tới 73 tỷ USD xuống còn 439 tỷ USD vào ngày 24.10, thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Chỉ riêng trong tháng 10, CBR đã chi gần 30 tỷ USD để chặn đà giảm giá của đồng ruble. Nếu CBR tiếp tục can thiệp vào thị trường ngoại hối theo phương thức như hiện nay, quỹ ngoại hối của Nga sẽ cạn dần trong lúc người hưởng lợi là những kẻ đầu cơ đồng ruble ngắn hạn.

Bên cạnh đó, quyết định tăng lãi suất thêm 1,5% hôm 31.10 của CBR đã không giúp chặn đà giảm giá của đồng ruble. Vì vậy, việc áp dụng một tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn sẽ giúp bảo vệ nước Nga chống lại các cú sốc từ bên ngoài như việc dầu thô giảm giá…

Bình luận về động thái này của CBR, Neil Shearing, chuyên gia về các thị trường mới nổi của tổ chức Capital Economics, cho rằng đây là bước đi đúng đắn.

Trong khi đó, bà Tatiana Orlova, chuyên gia kinh tế trưởng về Nga của ngân hàng Royal Bank of Scotland Group Plc ở London (Anh), cho rằng việc CBR không tiết lộ thời điểm và quy mô can thiệp vào thị trường ngoại hối sẽ giúp giảm mức độ hấp dẫn của việc đầu cơ đồng ruble trong ngắn hạn. Động thái này cuối cùng sẽ giúp bình ổn thị trường mặc dù tại thời điểm hiện nay, xu hướng giảm giá của dầu thô và những căng thẳng về địa chính trị đang có tác động lên thị trường lớn hơn so với những tác động tích cực của các hành động can thiệp của CBR.

Song song với việc giảm quy mô can thiệp vào thị trường tiền tệ, CBR cho biết, trong tháng 11.2014, họ sẽ bắt đầu tiến hành đấu giá các hợp đồng repo ngoại tệ thời hạn 12 tháng. Các phiên đấu giá loại hợp đồng repo này sẽ được tiến hành hàng tháng trên sàn MICEX. Lãi suất đối với tất cả các hợp đồng repo ngoại tệ cũng được điều chỉnh giảm bằng lãi suất libor cộng 1,5%. Theo CBR, mục đích của việc tung ra công cụ này là bảo đảm hoạt động ổn định của lĩnh vực ngân hàng Nga và giảm áp lực từ nhu cầu ngoại tệ của các thành viên thị trường lên tỷ giá hối đoái của đồng ruble trong bối cảnh khả năng tiếp cận các thị trường tài chính quốc tế của các doanh nghiệp Nga đang bị hạn chế. Theo dự kiến, phiên đấu giá đầu tiên đối với loại hợp đồng này sẽ diễn ra trong khoảng từ ngày 10 đến 20.11. Ngoài ra, Phó thống đốc thứ nhất của CBR Ksenia Yudaeva cũng không loại trừ khả năng CBR sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

Nhiều người lo ngại các biện pháp mới của CBR có thể sẽ khiến đồng ruble tiếp tục mất giá. Tuy nhiên, Phó thống đốc Yudaeva tự tin cho rằng, thị trường ngoại hối có thể sẽ ổn định trở lại vào cuối năm nay.