Những con số thâm hụt ngân sách
Mặc dù “bức tranh” kinh tế - tài chính toàn cầu trong nửa đầu năm 2013 đã được cải thiện đáng kể nhưng tình hình thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN) ở một số quốc gia trên thế giới vẫn ở mức cao và trở thành vấn đề đáng lo ngại về “vỡ” cân đối thu - chi trong năm. Việc bảo toàn dự toán thu - chi NSNN là “bài toán” khó đối với nhiều quốc gia trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - chính trị trên thế giới chưa có dấu hiệu cải thiện.
Thời gian gần đây, số liệu ngân sách được công bố ở nhiều nước cho thấy không chỉ các nước trong khu vực châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia…) mà ngay cả các nền kinh tế lớn (Mỹ, Pháp, Đức, Nga, Italia…) cũng đang phải vật lộn với việc thâm hụt NSNN khổng lồ, do thất thu từ thuế. Trong khi đó, các khoản chi (chi cho trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp, chi trợ cấp năng lượng…) ngày càng tăng cao.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) mới đây đưa ra dự báo thâm hụt ngân sách của nước này sẽ giảm xuống còn khoảng 642 tỷ USD trong năm nay, so với 1.100 tỷ USD trong tài khóa 2012, nhờ nguồn thu tăng mạnh. Như vậy ước tính, thâm hụt ngân sách của Mỹ trong năm tài khóa 2013 sẽ giảm xuống còn 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) so với 7% GDP năm 2012. Để duy trì ổn định ngân sách của Chính phủ Liên bang đã phải nâng trần nợ công nhằm giảm thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, nước này vẫn phải đối mặt với “núi nợ” công vào khoảng 75% GDP, tương đương 16.000 tỷ USD trong năm tài khóa 2013, gấp đôi năm 2006. Đáng chú ý, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ công bố số liệu thâm hụt ngân sách trong tháng 7/2013 của nước này lên tới 97,6 tỷ USD.
Bộ Tài chính và Ngân khố Australia vừa công bố Báo cáo Triển vọng tài chính và kinh tế dự kiến, thâm hụt ngân sách Liên bang sẽ ở mức 30,1 tỷ AUD trong năm 2013 - 2014 và dự kiến đạt mức tăng trưởng 2,5% trong năm nay.
Bộ Tài chính và Ngân khố Australia vừa công bố Báo cáo Triển vọng tài chính và kinh tế dự kiến, thâm hụt ngân sách Liên bang sẽ ở mức 30,1 tỷ AUD trong năm 2013 - 2014 và dự kiến đạt mức tăng trưởng 2,5% trong năm nay.
Tương tự, trong năm 2012, Pháp đã thất bại với mục tiêu duy trì và đảm bảo bội chi NSNN ở mức 4,8% GDP. Tuy nhiên, năm tài khóa 2013 cũng không có dấu hiệu nào khả quan và rất có thể nước này sẽ lại một lần nữa “lỗi hẹn” với chỉ tiêu thâm hụt NSNN. Mới đây, Chính phủ Pháp đã thừa nhận, sẽ không thể giữ mức thâm hụt ngân sách trong năm nay thấp hơn 3% GDP như cam kết với Ủy ban châu Âu (EC). Dự kiến, con số thâm hụt ngân sách của nước này sẽ là 3,7% GDP trong năm nay.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Liên bang Nga Anton Siluanov, năm nay, thu NSNN của nước này có thể bị hụt thu khoảng 1.000 tỷ rubles (30 tỷ USD) và tổng thu NSNN ước đạt khoảng 13.000 tỷ rubles (400 tỷ USD). Tuy nhiên, theo dự báo của Bộ Tài chính Liên bang Nga, con số hụt thu NSNN sẽ còn tiếp tục tăng cao và kéo dài trong vòng ít nhất 3 năm tới. Trong bản kế hoạch ngân sách mới của Nga dự báo, thâm hụt NSNN của nước này trong năm 2014 sẽ là 0,4% GDP, tương đương 327,1 tỷ rubles (tương đương 10 tỷ USD). Dự kiến, tổng thu NSNN của Liên bang Nga trong năm 2014 ước đạt 13.520 nghìn tỷ rubles (409,6 tỷ USD) và tổng chi 13.847 nghìn tỷ rubles (419,6 tỷ USD).
Tại châu Âu, Italia đang trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử khi EC dự báo tốc độ tăng trưởng của nước này chỉ đạt 1,3% trong năm 2013 và 0,7% trong năm 2014. Về NSNN, EC ước tính, thâm hụt NSNN của nước này trong năm 2013 sẽ là 2,9% GDP và sẽ giảm xuống còn 2,4% GDP trong năm 2014. Đáng lo ngại hơn là nợ công của Italia sẽ đạt ngưỡng 131,4% GDP trong năm nay và 132,2% GDP trong năm 2014.
Các quốc gia trong khu vực châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia…) cũng đang khốn khổ với thâm hụt ngân sách. Bộ Tài chính Trung Quốc dự báo, thâm hụt NSNN của nước này trong năm nay là 13,82 nghìn tỷ NDT (2,2 nghìn tỷ USD), tương ứng với thâm hụt 2% GDP, tăng 0,4% GDP so với năm 2012. Để bù đắp vào con số thâm hụt ngân sách khổng lồ trên, Chính phủ Trung Quốc đã cho phép tăng hạn ngạch phát hành trái phiếu chính phủ từ 250 tỷ NDT năm 2012, lên 350 tỷ NDT trong năm 2013. Đồng thời, sẽ quyết liệt cải cách hệ thống quản lý nợ của các chính quyền địa phương.
Nhiều khả năng, Ấn Độ sẽ đảm bảo được bội chi dưới 4,8% trong năm 2013 như kế hoạch đề ra. Để đảm bảo cân đối dự toán thu - chi NSNN, Ấn Độ đã luôn quan tâm củng cố vững chắc tài khóa của đất nước. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Ấn Độ Chidambaram, Ấn Độ đang quyết tâm giảm thâm hụt NSNN xuống 3% từ nay đến năm 2017. Thời gian tới, Bộ Tài chính nước này sẽ tập trung vào thanh, kiểm tra mở rộng thâm hụt tài khoản vãng lai.
Indonesia - một trong những nước thuộc khu vực Đông Nam Á điển hình nhất về thâm hụt NSNN. Tính đến ngày 31/5/2013, Indonesia đã thâm hụt ngân sách lên tới 25,9 nghìn tỷ rupiah, tương đương 2,64 tỷ USD, bằng 0,27% GDP. Tháng 6/2013, Chính phủ Indonesia dự báo thâm hụt NSNN của nước này cả năm 2013 là 224,2 nghìn tỷ rupiah, bằng 2,38% GDP. Trước đó, Quốc hội Indonesia đã thông qua Kế hoạch NSNN năm 2013 sửa đổi theo đề nghị của Chính phủ. Theo đó, các mục tiêu mới bao gồm: thâm hụt ngân sách 2013 ở mức 2,38% GDP, thu ngân sách 1.502 nghìn tỷ rupiah, chi ngân sách 1.726 nghìn tỷ rupiah; tăng trưởng kinh tế 6,3%; tỷ lệ lạm phát 7,2%...
Nguyên nhân
Các nước nói trên có tỷ lệ nợ công và thâm hụt NSNN cao bắt nguồn từ nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau, song tập trung vào các nguyên nhân chủ yếu sau:
Một là, do chi tiêu của Chính phủ các nước ngày càng tăng cao, vượt quá số thu NSNN, cộng với chi cho các khoản trợ cấp an sinh xã hội, chăm sóc y tế và những chương trình bắt buộc khác. Bên cạnh đó, khoản tiền trợ giá năng lượng năm sau cao hơn năm trước. Điển hình, Indonesia đang trợ giá năng lượng để người dân được hưởng nhiên liệu, năng lượng giá rẻ nhưng chính điều này đã “bóp méo” kinh tế Indonesia và gây ra những căng thẳng về thu NSNN;
Tính đến 31/5/2013, Indonesia đã thâm hụt ngân sách lên tới 25,9 nghìn tỷ rupiah, tương đương 2,64 tỷ USD, bằng 0,27% GDP. Tháng 6/2013, Chính phủ Indonesia dự báo thâm hụt NSNN của nước này cả năm 2013 là 224,2 nghìn tỷ rupiah, bằng 2,38% GDP.
Hai là, thâm hụt NSNN chịu tác động của “bóng đen” của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu kéo dài từ năm 2008 đến nay. Đây là nguyên nhân tác động trực tiếp làm giảm nguồn thu từ thuế khi hàng loạt các công ty, doanh nghiệp đình đốn, thậm chí phá sản ngày càng tăng;
Ba là, là “mầm bệnh” dẫn tới thâm hụt NSNN. Bên cạnh đó, những yếu tố khách quan như: hạn hán, lũ lụt, bệnh dịch, động đất xảy ra khiến nguồn quỹ của các nước bị tổn thất lớn hàng năm;
Bốn là, tỷ lệ lạm phát cao là một trong những yếu tố chủ yếu dẫn đến thâm hụt NSNN tại các nước trên thế giới, nhất là ở các nước đang phát triển ở châu Á… Những khoản chi tiêu của Chính phủ các nước được tài trợ bởi thu thuế hoặc các khoản thu khác có thể góp phần dẫn đến dư thừa của tổng cầu và gây lạm phát. Thêm vào đó, trên thực tế Chính phủ nhiều nước có thể “bơm tiền” ra để tài trợ cho thâm hụt ngân sách, do giá cả chưa phản ứng ngay. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, khi lạm phát xảy ra thì khả năng thu thuế lạm phát sẽ dần bị hạn chế;
Năm là, chính phủ các nước huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ, miễn giảm thuế và sử dụng các quỹ dự trữ. Để đối phó với khủng hoảng kinh tế, nhiều nước buộc phải sử dụng gói kích cầu tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế nhưng đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới thâm hụt NSNN tăng cao.
Giải pháp giảm thâm hụt ngân sách nhà nước
Trước vấn nạn thâm hụt NSNN đang lan rộng ở nhiều nước trên thế giới, bài toán đặt ra là phải tìm cách để giảm thâm hụt NSNN, gia tăng khoản thu từ tiền thuế và cắt giảm chi tiêu chính phủ. Giảm thâm hụt ngân sách phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế của mỗi nước. Tuy nhiên, về cơ bản cần tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, chính phủ các nước cắt giảm triệt để chi tiêu công để giảm thâm hụt NSNN. Những năm 1990, Canada đã quyết liệt cắt giảm chi tiêu công lên tới 20% trong 4 năm. Theo đó, kinh tế Canada tiếp tục tăng trưởng và giảm được thâm hụt NSNN. Trong cuộc khủng hoảng ở khu vực Eurozone, nhiều nước trong khu vực này đã cắt giảm chi tiêu Chính phủ và cố gắng giảm thâm hụt ngân sách. Hi Lạp, Ireland và Tây Ban Nha đều đã thực hiện cắt giảm chi tiêu công. Để bù đắp cho việc thâm hụt NSNN, năm 2013, Chính phủ Pháp đã cam kết cắt giảm 10 tỷ Euro chi tiêu công, bằng 56% tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là việc cắt giảm này đã góp phần giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước này;
Thứ hai, tập trung vào các khoản thu từ thuế để tăng nguồn thu vào NSNN và giảm thâm hụt ngân sách. Có kế hoạch cụ thể về lộ trình tăng thuế thu nhập cá nhân vào thời điểm thích hợp. Gần đây, Pháp đã tăng thuế đối với những người giàu có đến hơn 70%. Đức cân đối ngân sách tập trung vào các quỹ bảo hiểm xã hội để đạt mục tiêu cân bằng NSNN trong năm 2014, 2015 và giảm nợ công vào năm 2016;
Thứ ba, tăng trưởng kinh tế là một trong những giải pháp tốt nhất để giảm thâm hụt ngân sách. Khi kinh tế tăng trưởng, chính phủ sẽ gia tăng các nguồn thu từ thuế giá trị gia tăng, và thu nhập doanh nghiệp từ các cá nhân và các công ty. Bên cạnh đó, chính phủ các nước ban hành các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Đây được coi là những yếu tố ít tổn hại nhất đến thâm hụt NSNN nhờ đó không phải cắt giảm chi tiêu công và điều chỉnh tăng mức thuế suất;
Thứ tư, phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa luôn đảm bảo minh bạch và ổn định, qua đó tạo đà cho tăng trưởng kinh tế và tạo nguồn lực cho đầu tư;
Thứ năm, để bù đắp thâm hụt NSNN và kích thích phục hồi kinh tế, một số nước đã “bơm tiền” ra bằng cách kích hoạt ngân sách một khoản tiền lớn. Ví dụ: Nhật Bản mới đây đã “bơm” 92.610 tỷ Yên (hơn 906 tỷ USD) cho tài khóa 2013 sau khi chỉ có 46,3% ngân sách của tài khóa hiện tại bắt nguồn từ việc phát hành công trái, để thúc đẩy các chính sách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe và kết thúc gần 2 thập kỷ giảm phát…
Thâm hụt ngân sách ở một số nước và những vấn đề đặt ra
(Tài chính) Những bất ổn về kinh tế - chính trị trên thế giới đang diễn tiến ngày càng phức tạp đã tác động trực tiếp đến tình hình thu ngân sách của nhiều quốc gia. Bài viết chỉ ra thực trạng thâm hụt ngân sách ở một số nước và các giải pháp giảm thâm hụt ngân sách.
Xem thêm