Tham nhũng làm suy yếu đất nước Italy

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Theo Hãng tin độc lập ADN Kronos trong một cuộc điều tra trên phạm vi toàn Italy mới được công bố. Kết quả của cuộc điều tra chỉ ra, 1/3 số DNNVV được thăm dò thừa nhận đã đưa hối lộ dưới nhiều hình thức để được tạo điều kiện thuận tiện cho việc làm ăn. Trong khi, 53% DN khẳng định rằng, năm ngoái, họ đã từ chối ít nhất một lần việc phải trả tiền “lót tay” hoặc “hoa hồng”.

Tham nhũng làm suy yếu đất nước Italy
Massimo Carminati, kẻ được cho là bố già đứng đầu hệ thống mafia này đã bị bắt. Nguồn: internet
Hiện có hơn 1,4 triệu trẻ em Italy, chiếm khoảng 4% tổng số trẻ em của nước này, đang phải sống trong nghèo đói, trong đó có 67.000 trẻ em dưới 6 tuổi và 309.000 trẻ từ 7-17 tuổi. Ngoài ra, Italy đang rơi vào đợt suy thoái kinh tế lần thứ ba trong vòng 6 năm qua cũng ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của giới trẻ khi liên tiếp bị cắt giảm các nguồn trợ cấp từ chính phủ. Tỷ lệ thất nghiệp lên tới 13,2% trong tháng 12 vừa qua, mức cao nhất từ trước tới nay.

Tổng thống Italy Napolitano thừa nhận rằng, nền chính trị Italy đã bị "tha hóa nghiêm trọng", bị cuốn vào những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực và từ lâu đã rơi vào vòng xoáy của tham nhũng làm suy yếu đất nước.

Ông kêu gọi tất cả các đảng phái chính trị và bản thân các chính trị gia phải đoàn kết trong việc quét sạch tội phạm khỏi giới chính trị, làm trong sạch hệ thống chính trị của đất nước và thực hiện những cải cách cần thiết để đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại.

Theo Hãng tin độc lập ADN Kronos trong một cuộc điều tra trên phạm vi toàn Italy mới được công bố. Kết quả của cuộc điều tra chỉ ra, 1/3 số DNNVV được thăm dò thừa nhận đã đưa hối lộ dưới nhiều hình thức để được tạo điều kiện thuận tiện cho việc làm ăn. Trong khi, 53% DN khẳng định rằng, năm ngoái, họ đã từ chối ít nhất một lần việc phải trả tiền “lót tay” hoặc “hoa hồng”.

Con số này cho thấy, tình trạng hối lộ ngày càng phát triển trong thời gian qua, tính từ cuộc thăm dò trước đó của ADN Kronos vào tháng 12/2013, khi 47% DN khẳng định họ bị vòi vĩnh tiền bạc và 27% đã đồng ý hối lộ.

Rất nhiều DN bị vòi vĩnh không hề khai báo. Chỉ có 12% số trường hợp được báo cho cảnh sát. 75% số DN được thăm dò thậm chí nói rằng, khả năng phải dừng hoạt động kinh doanh của họ có thể bị tác động do sự cạnh tranh không lành mạnh từ những người khác trong cùng lĩnh vực, khi những đối thủ này trả tiền hối lộ cao hơn để trúng thầu hoặc có được cơ hội kinh doanh cao hơn.

Những tuyên bố của Tổng thống Napolitano được đưa ra trong thời điểm vụ bê bối mafia đã mua chuộc hàng loạt quan chức các cấp của Thủ đô Rome và vùng Lazio đang làm rung chuyển hệ thống chính trị Italy. Vụ scandal đang làm rung chuyển chính quyền Rome với việc hàng loạt quan chức bị bắt và điều tra vì dính líu đến các hối lộ và mua chuộc của mafia, không chỉ nhiều gói thầu xây dựng lớn mang tầm quốc gia Italy bị điều tra vì có dấu hiệu tham nhũng, hối lộ đã trở thành một căn bệnh lan ra cả các DNNVV, vốn là một phần quan trọng của nền kinh tế nước này.

Bộ trưởng Nội vụ Italy Angelino Alfano đã cử ông Giuseppe Pecoraro, cảnh sát trưởng thành phố Rome làm người đứng đầu một ủy ban đặc biệt gồm nhiều chuyên gia cảnh sát để mở rộng cuộc điều tra nhằm đưa ra ánh sáng thêm nhiều kẻ phạm tội nữa. Theo dự kiến, cuộc điều tra sẽ kéo dài trong ba tháng nhưng không loại trừ khả năng sẽ kéo dài cuộc điều tra.

Theo báo chí Italy, cuộc điều tra đang được tiếp tục mở rộng và không loại trừ, Viện công tố Rome sẽ cho bắt thêm nhiều nghi phạm mới.

Tuần trước, 37 người đã bị bắt và hơn 100 người đã bị điều tra, hầu hết trong số đó là các quan chức của Thủ đô Rome, trong đó có cả cựu thị trưởng Gianni Alemanno, vì tội cấu kết với mafia, tham nhũng, hối lộ, tạo các điều kiện thuận lợi để mafia trúng nhiều gói thầu lớn trị giá nhiều triệu euro liên quan đến xây dựng cơ bản trong 5 năm, từ 2008 đến 2013. Massimo Carminati, kẻ được cho là bố già đứng đầu hệ thống mafia này đã bị bắt. Các tài sản trị giá 200 triệu euro cũng bị tịch thu.

Hôm 10/12, cảnh sát tài chính đã lục soát các văn phòng của Công ty vệ sinh môi trường đô thị AMA, cơ quan do thành phố Rome điều hành, để tìm kiếm các bằng chứng liên quan đến vụ bê bối. Cảnh sát nghi ngờ Carminati và băng nhóm của hắn đã kiểm soát nhiều hoạt động xử lý rác thải của AMA, kiếm lợi hàng triệu euro, sau khi đã hối lộ cho một quan chức cao cấp của AMA.

Viện công tố Rome cũng đang thẩm tra hàng loạt giấy tờ tài chính của chính quyền thành phố trong những năm dưới quyền của cựu thị trưởng Alemanno.

Trước đó, một nguồn tin của cảnh sát cho biết, cảnh sát đã tìm thấy trong nhà của Salvatore Buzzi, cánh tay phải của Carminati và là trung gian thương lượng giữa mafia và các quan chức tha hóa, một cuốn sổ ghi chi tiết số tiền mà mafia đã trao cho các quan chức trong một thời gian dài.

Vụ bê bối đã tác động nghiêm trọng đến chính quyền Thủ đô Rome, khi hàng loạt quan chức bị bắt, bị điều tra và một số người đã phải từ chức. Điều này buộc thị trưởng đương nhiệm Ignazio Marino và đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền phải tiến hành một loạt các thay đổi nhân sự nhằm đối phó với tình hình.

Thị trưởng Marino đang tại vị của thành phố Rome tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp nhằm duy trì hoạt động của chính quyền, đồng thời loại bỏ những kẻ tham nhũng khỏi đội ngũ.

Hôm 9/12, Thủ tướng Matteo Renzi cũng khẳng định chính phủ sẽ đưa ra những cải cách về luật hình sự để nâng hình phạt tối thiểu cho tội tham nhũng từ 4 năm lên 6 năm tù, đồng thời đơn giản hóa các thủ tục để thu giữ tài sản của những kẻ tham nhũng. Chính phủ Italy khẳng định rằng sẽ gia tăng các hình phạt đối với những kẻ tham nhũng và hối lộ, như một biện pháp nặng tay để đối phó với tình trạng tham nhũng lan tràn hiện nay ở Italy.

Giới bình luận chính trị Italy cho rằng, phản ứng của Thủ tướng Renzi và đảng Pd là nhanh chóng và hợp lý trong hoàn cảnh uy tín đang sa sút của họ có thể bị tác động mạnh hơn vì vụ bê bối ở Thủ đô Rome.