Tham tán thương mại nói về thị trường Hoa Kỳ

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Bên lề Hội nghị Tham tán thương mại diễn ra ngày 18//12, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đào Trần Nhân, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ xung quanh câu chuyện xuất khẩu vào thị trường quan trọng này.

Phóng viên: đánh giá thế nào về xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ?

 Tham tán thương mại nói về thị trường Hoa Kỳ - Ảnh 1
Ông Đào Trần Nhân,
Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ

Ông Đào Trần Nhân: Đây là thị trường lớn và quan trọng của Việt Nam. Nếu tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2013 dự kiến 133 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng 16,6% thì riêng thị trường Hoa Kỳ, 11 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 23,5 tỷ USD.

Dự kiến, cả năm 2013 kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này lần đầu tiên vượt 25 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng 22,5%.

Thị trường Hoa Kỳ thường chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam. Tổng nhập khẩu  Hoa Kỳ vào Việt Nam năm 2013 dự kiến gần 5 tỷ USD. Với lượng kim ngạch xuất khẩu lớn như vậy nên xuất siêu sang Hoa Kỳ năm nay khoảng 20 tỷ USD.

Năm 2014 thị trường Hoa Kỳ có điểm mới gì, các doanh nghiệp  Việt Nam sẽ phải nhận diện cơ hội và thách thức nào, thưa ông?

 Chúng tôi ước tính nếu ta duy trì được tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ là 10% thì trong năm 2014, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 27,5 tỷ USD.

Tôi cho rằng, con số này hoàn toàn có thể đạt được, bởi thị trường Hoa Kỳ là thị trường cực lớn, nhu cầu đa dạng. Vấn đề đặt ra là, liệu ta có đủ hàng xuất khẩu hay không?

Tuy nhiên, xuất khẩu vào Hoa Kỳ luôn gặp khó khăn về rào cản thương mại, về các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có mặt hàng hết sức quan trọng đối với Việt Nam như tôm, cá basa, cá tra…

Vậy theo ông, ngay trong năm 2014 tới, các doanh nghiệp cần lưu ý điều gì?

 Tôi cho rằng, Luật về hiện đại hoá về vệ sinh an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ là vấn đề doanh nghiệp Việt Nam cần lưu tâm nhất.

Mặc dù chúng tôi đã cảnh báo từ cách đây 2 năm, nhưng giờ phía bạn đã đưa thêm một số quy định mới như: Quy định về thực hành sản xuất tốt, phòng trừ sâu bệnh ngay từ khâu sản xuất, công nhận các đơn vị kiểm dịch của bên thứ ba...

Ngoài ra, các doanh nghiệp chúng ta vẫn phải chú ý tới việc tăng số lượng xuất khẩu đột biến, bởi dấu hiệu tăng số liệu xuất khẩu đột biến sẽ liên quan đến chống bán phá giá, đây thường được coi là cơ sở để tiến hành điều tra.

Về giá, các doanh nghiệp phải thực hiện điều tiết giá chung chứ không nên cạnh tranh lẫn nhau. Thực tế giữa các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có hiện tượng hạ giá xuống.

Thưa ông, với tư cách cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, Thương vụ đã có những đóng góp gì cho công tác hoạch định chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp?

Thị trường Hoa Kỳ với tính chất đặc thù không phải thị trường xuất khẩu  thông thường hay thương mại thông thường. Các nhóm lợi ích của Hoa Kỳ vì quyền lợi của mình nên thường xuyên dựng các rào cản thương mại hoặc kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp với mục tiêu ngăn cản hàng xuất khẩu của các nước.

Để vượt qua những khó khăn này, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã phối hợp rất tốt với các Hiệp hội ngành hàng của Việt Nam, phối hợp tốt với từng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn  theo đuổi các vụ kiện. Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã sát cánh cùng doanh nghiệp tham gia từng vụ tranh tụng, làm việc với các luật sư tư vấn để  giúp đỡ các doanh nghịêp, chống lại rào cản, chống lại các vụ kiện về  chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Cụ thể trong năm 2013, khi phía Hoa Kỳ định áp thuế chống bán phá giá cao, cũng như thuế chống trợ cấp cao lên mặt hàng tôm của Việt Nam, Thương vụ đã sát cánh cùng doanh nghiệp ở trong nước, phối hợp tốt với luật sư và tư vấn ở nước ngoài để theo đuổi vụ kiện, kết quả chúng ta đã thắng trong vụ kiện tôm về chống bán phá giá và chống trợ cấp, đạt được mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp là 0%.

Xin cảm ơn ông!