Thận trọng khi gọi vốn FDI vào thủy sản
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam khẳng định, hiện đa phần doanh nghiệp (DN), người dân nuôi và chế biến, xuất khẩu cá tra đều thiếu vốn.
Thiếu vốn có phải là nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng của lĩnh vực nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra hiện nay, thưa ông?
Hiện nay, DN và người dân nuôi, chế biến cá tra được vay vốn mới rất ít, do các ngân hàng siết chặt điều kiện vay.
Cần phải nói thêm là, Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát trước đây chỉ yêu cầu hạn chế tín dụng với lĩnh vực phi sản xuất, nhưng các ngân hàng đã “siết” tín dụng chung với cả ngành sản xuất, trong đó có cá tra.
Lĩnh vực cá tra đã từng trải qua thời điểm bùng nổ, nhiều DN thắng lớn, nhưng tại sao vốn vẫn là câu chuyện nóng bỏng?
Việc nuôi, chế biến cá tra cần một nguồn vốn rất lớn để quay vòng sản xuất. DN phải đầu tư cho vùng nuôi, thức ăn chăn nuôi, nhà máy chế biến sản phẩm và phụ phẩm cá tra. Mỗi năm, cả nước sản xuất trên 1 triệu tấn cá tra, song chỉ xuất khẩu được 1/3 cá phi lê, còn lại là phụ phẩm. Chúng ta vẫn còn thiếu rất nhiều công đoạn trong chuỗi sản xuất cá tra. Nhiều DN đã nhận thấy điều này và bắt đầu tham gia đầu tư chế biến các phụ phẩm như: bột cá, dầu cá, thức ăn chăn nuôi…, song việc này cần vốn đầu tư rất lớn. Nói cách khác, tất cả vốn đầu tư cho cá tra hiện nay vẫn chưa đủ. Để ngành cá tra phát triển bền vững, cần có lượng vốn lớn hơn nữa.
Liệu Việt Nam có nên đưa ra các chính sách kêu gọi doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực này, thưa ông?
Hiện vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực này chưa nhiều, song chúng ta cần phải thận trọng khi kêu gọi doanh nghiệp FDI đầu tư vào thủy sản. Trước đây, lĩnh vực thức ăn chăn nuôi cũng thiếu vốn, nên mở rộng cửa để kêu gọi vốn FDI. Hậu quả là đến nay, toàn bộ thị trường thức ăn chăn nuôi đã bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm.
Hiện tại, cũng đã có một số DN FDI đầu tư vào lĩnh vực này như C.P, Cargill… Các DN này đã sản xuất các loại giống thủy sản, đầu tư nhà máy chế biến. Tới đây, họ sẽ bắt tay vào sản xuất dầu cá, bột cá… Nếu chúng ta bỏ mặt trận này, các DN FDI sẽ nhảy vào chiếm lĩnh.
Cá tra là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của quốc gia, song giá trị mà cá tra thu về chưa tương xứng. Làm sao để cải thiện tình trạng này?
Phải thừa nhận rằng, nước ta vẫn chủ yếu xuất khẩu cá tra ở dạng thô: 90% lượng cá tra xuất khẩu là cá phi lê đông lạnh. Các DN chưa chú trọng đa dạng hóa sản phẩm, đưa ra nhiều sản phẩm đã qua chế biến để nâng cao giá trị gia tăng. Do đó, mục tiêu của ngành cá tra thời gian tới là tiếp tục nâng cao giá trị cho 1 triệu tấn cá tra hiện nay, bằng cách tăng cường các sản phẩm chế biến sâu, đầu tư chế biến phụ phẩm… Khi đã nâng cao được giá trị xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu thị trường rất lớn, thì mới mở rộng nuôi cá tra ở mức 1,2-1,5 triệu tấn.
Hiệp hội Cá tra Việt Nam sẽ có những hoạt động gì để đưa lĩnh vực cá tra phát triển bền vững, thưa ông?
Nhiệm vụ của Hiệp hội Cá tra Việt Nam là liên kết người nuôi và người chế biến, nhằm thống nhất định hướng quy hoạch, phát triển, nắm sát thông tin thị trường và thông tin sản xuất, không để cung vượt cầu. Mục tiêu là nâng cao chất lượng và giá cả, chứ không phải là sản lượng.
Thời gian qua, nhiều DN đã chủ động xây dựng vùng nuôi, kết nối với người nuôi. Thời gian tới, những hộ nuôi cá thể, nhỏ lẻ sẽ phải tổ chức lại sản xuất để có được những hợp đồng cung cấp nguyên liệu chặt chẽ với các nhà chế biến xuất khẩu, tránh tình trạng nuôi mà không có người mua hoặc phải bán với giá thấp.