Thanh khoản suy kiệt, vì đâu?

Theo Đầu tư Chứng khoán

Mất thanh khoản là vấn đề nghiêm trọng nhất của TTCK và đã đến lúc cần nhận rõ nguyên nhân để kích hoạt lại chức năng chính này trên thị trường.

Thanh khoản suy kiệt, vì đâu?

Gần 2 tuần gần đây, TTCK không chỉ suy giảm về điểm số, mà điều đáng báo động là thanh khoản giảm trầm trọng. Giá trị giao dịch tại sàn TP. HCM chỉ từ 300 - 500 tỷ đồng/phiên, còn tại sàn Hà Nội, nơi có gần 400 loại cổ phiếu niêm yết, giá trị chuyển nhượng chỉ loanh quanh 100 - 200 tỷ đồng/phiên. Mất thanh khoản là vấn đề nghiêm trọng nhất của TTCK và đã đến lúc cần nhận rõ nguyên nhân để kích hoạt lại chức năng chính này trên thị trường.

Tạm không bàn đến những lý do đã cũ, như thị trường không có dòng tiền mới hay nhà đầu tư lo ngại trước các biến cố về nhân sự tại một số ngân hàng, theo tìm hiểu của ĐTCK, nguyên nhân trực diện khiến thanh khoản thị trường sụt giảm nằm ở tâm lý của chính CTCK và những người hành nghề.

Thực tế, nhiều CTCK đã không còn mạnh dạn, thậm chí ngừng luôn việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho nhà đầu tư sau khi UBCK họp bàn với Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán và đưa ra quan điểm, sẽ kiểm soát chặt các hoạt động ứng vốn, ứng chứng khoán để bán của CTCK, nhằm đảm bảo an toàn giao dịch trên thị trường.

Không ít CTCK đang đứng trước nỗi lo âm ỉ: những hoạt động hỗ trợ giao dịch mà họ đã làm, sẽ bị cơ quan quản lý xử lý ra sao? Nhiều người hành nghề (môi giới) lo lắng, nếu Công ty bị phạt thì trách nhiệm cá nhân phải chịu là gì? Ngoài trách nhiệm về tài chính (nếu có), liệu họ có vướng gì vào ranh giới mong manh giữa lỗi hành chính và tội hình sự hay không?

Phía nhà quản lý cho rằng, CTCK chỉ được làm những gì quy chuẩn pháp lý đã quy định, không được vượt rào, nhưng từ thị trường, các CTCK có nhiều lý do giải thích cho việc phát triển các dịch vụ tài chính. Thực tế, sức sống của TTCK được thể hiện qua thanh khoản và bản thân CTCK có “sống” hay không, như lúc này, cũng chủ yếu trông chờ vào mức độ giao dịch (thanh khoản) của nhà đầu tư.

Hiện 2 Sở GDCK giữ quyền công bố danh sách cổ phiếu được margin, nhưng phía CTCK cho rằng, đó không phải là “pháp lệnh”, buộc mọi thành viên phải tuân thủ tuyệt đối. Theo đó, với những cổ phiếu ngoài danh sách được margin, nếu nhà đầu tư có nhu cầu vay để mua, CTCK tuy không được ứng vốn trực tiếp, nhưng họ phải được quyền tìm đối tác thứ ba, cung ứng vốn theo mối quan hệ dân sự, hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch.

Một vấn đề gây tranh luận khác là hoạt động ứng trước tiền bán chứng khoán. Hoạt động này tất cả các CTCK đều làm, nhưng lại không có quy định pháp lý nào cho phép cả. Thực tế một số CTCK như Tràng An, Golden Bridge rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, buộc cơ quan quản lý phải tuyên hủy nhiều giao dịch, gây hệ lụy không nhỏ cho những CTCK “trót” ứng trước tiền bán chứng khoán.

UBCK trên quan điểm bảo vệ hệ thống, đang xin ý kiến Hiệp hội việc cấm CTCK ứng trước tiền bán chứng khoán, nhưng gặp nhiều tranh luận trái chiều. CTCK cho rằng, khi lệnh bán của nhà đầu tư báo được khớp, thì sau 3 ngày tiền về là đương nhiên. Vì thế hoạt động ứng trước tiền bán là an toàn và hợp lý nhằm hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh việc quay vòng vốn. Việc để xảy ra rủi ro đến mức phải hủy nhiều giao dịch là trách nhiệm của bên tổ chức thị trường, không thể vì một vài thành viên có lỗi, mà “chặn” cả một nghiệp vụ hữu ích giữa nhà đầu tư với CTCK.…

Khi ranh giới đúng - sai trong cung ứng dịch vụ tài chính tại CTCK chưa rõ ràng, hành động nhãn tiền tại nhiều công ty là dừng dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư để… chờ đợi. Muốn thúc đẩy thanh khoản, bên cạnh những giải pháp lớn, thì điều thị trường cần lúc này là thông điệp từ nhà quản lý, định ranh các dịch vụ CTCK được làm một cách hợp pháp và khoa học.