Thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định số 276/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chính phủ phân công ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm Chủ tịch Hội đồng; ông Phạm Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm Phó Chủ tịch Hội đồng.
Các ủy viên Hội đồng gồm đại diện lãnh đạo của các Bộ: Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Bộ Tư pháp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Nội vụ; Bộ Ngoại giao; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tham gia thành viên Hội đồng cón có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; Báo Nhân dân; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam; Hội Nhà báo Việt Nam; Hội Xuất bản Việt Nam; Học viện Báo chí tuyên truyền.
Trong đó, Ủy viên phản biện của Hội đồng là các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở và xuất bản, in, phát hành.
Tư vấn phản biện độc lập được phân công cho ông Trần Bình Minh - nguyên Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; ông Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; ông Vũ Đình Thường - nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản - Ban Tuyên giáo Trung ương. Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định là Bộ Thông tin và Truyền thông.
Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tổ chức thẩm định Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Hội đồng hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm; chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.