Thanh toán điện tử: Làm sao vươn tới tiềm năng?

Theo Thời báo Ngân hàng

Vấn đề ở đây là chúng ta cần thêm thời gian để các doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng hiểu rõ hơn về giá trị của thanh toán điện tử (TTTĐT), để họ thấy được sự dễ dàng, đơn giản, thuận tiện song vẫn đảm bảo an toàn và nhanh chóng của việc sử dụng hình thức TTĐT, từ đó họ sẽ dần từ bỏ thói quen sử dụng tiền mặt đã tồn tại lâu nay.

Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Moody Alalitics – công ty chuyên tư vấn và nghiên cứu kinh tế độc lập - tăng trưởng trong việc sử dụng các sản phẩm TTĐT như thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ đã đóng góp 1,2 tỷ USD (25 nghìn tỷ đồng) vào GDP của Việt Nam giai đoạn 2008 - 2012.

Tuy nhiên, với tỷ lệ thanh toán qua thẻ chỉ đạt 10% trên tổng số khoảng 54 triệu thẻ ngân hàng ở Việt Nam hiện nay cho thấy, con số này còn ở mức quá khiêm tốn.

Trao đổi về vấn đề này, bà Lorijon Bacchi - Giám đốc khu vực của Visa tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho rằng, sự chấp nhận của người tiêu dùng; công tác tư vấn, giáo dục cho người sử dụng và việc làm sao bắt kịp với nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của người tiêu dùng để đưa ra được những sản phẩm thẻ phù hợp là những thách thức lớn đối với TTĐT hiện nay.

Bà có thể cho biết rõ hơn về những thách thức này?

Thanh toán điện tử: Làm sao vươn tới tiềm năng? - Ảnh 1
Bà Lorijon Bacchi - Giám đốc khu vực của Visa tại Việt Nam, Campuchia và Lào
Sự chấp nhận là rất quan trọng, vì trước khi sử dụng một sản phẩm TTĐT nào đó, người sử dụng cần hiểu rõ về giá trị, mức độ an toàn cũng như những tiện lợi mà hình thức thanh toán đó mang lại. Để có được sự chấp nhận này thì việc tuyên truyền, giáo dục (cả về những ưu việt của TTĐT cũng như đối với từng sản phẩm TTĐT cụ thể và cách thức giao dịch chúng) là điều rất cần thiết và cần được duy trì thường xuyên, liên tục.

Một điểm thú vị và cũng cho thấy xu hướng tích cực là nhu cầu của người dân trong sử dụng các dịch vụ thẻ ngày càng cao hơn.

Đơn cử nếu 5 năm trước đây, loại thẻ mà mọi người cần thường chỉ là thẻ ghi nợ (debit card) và chủ yếu được sử dụng trong việc rút tiền mặt tại các cây ATM, thì đến nay, ngày càng nhiều người sử dụng thẻ tín dụng (credit card) để mua các vật dụng cho mình như laptop, điều hòa… Hay cũng ngày càng có nhiều DN có nhu cầu sử dụng thẻ DN để thanh toán các chi tiêu cho DN (như công tác phí, cước viễn thông, văn phòng phẩm…).

Điều đó cho thấy, nhu cầu đối với thanh toán qua thẻ ngày càng tăng, đồng thời cũng đặt ra thách thức cho các đơn vị cung cấp dịch vụ TTĐT phải thiết kế ra được các sản phẩm phù hợp với nhu cầu ngày càng đa dạng đó. Vì vậy, có thể xem đây vừa là những thách thức, nhưng cũng là những động lực cho TTĐT phát triển.

Nhưng thói quen sử dụng tiền mặt của người dân Việt Nam vẫn là thách thức không nhỏ, thưa bà?

Dường như mỗi lần đến Việt Nam tôi đều được nghe nói đến điều này. Đây cũng là một thách thức lớn, nhưng không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới nước nào cũng trải qua. Đặc biệt, đối với các nền kinh tế mới nổi thì tiền mặt vẫn là phương tiện thanh toán thống lĩnh hiện nay.

Để thay đổi thói quen này không chỉ cần thúc đẩy hoạt động TTĐT mà còn cần cả yếu tố thời gian. Bởi thực tiễn cho thấy, để đạt được tỷ lệ người dân sử dụng thẻ và các hình thức TTĐT khác cao, các nước phát triển như Mỹ, Anh cũng phải mất nhiều năm. Vì vậy Việt Nam cũng sẽ cần thời gian để thay đổi.

Khoảng thời gian ấy chính xác là bao lâu thì chúng ta không thể chắc chắn. Nhưng nếu việc tư vấn cho người dân, DN được thúc đẩy để họ thực sự thấy sự thuận tiện, an toàn, nhanh gọn của TTĐT thì quá trình ấy chắc chắn sẽ được rút ngắn.

Vậy theo bà cơ quan quản lý và các ngân hàng cần làm gì để thúc đẩy TTĐT thời gian tới?

Một điều rất đáng khích lệ là Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang có những chính sách và biện pháp để khuyến khích thanh toán không sử dụng tiền mặt. Về phía mình, các ngân hàng thương mại cũng đang rất tích cực trong thúc đẩy TTĐT. Ví dụ, hiện đã có 32 ngân hàng thương mại có giấy phép của Visa trong việc phát hành các loại thẻ sử dụng trong thanh toán.

Như vậy, vấn đề ở đây là chúng ta cần thêm thời gian để các DN hiểu rõ hơn về giá trị của TTĐT, chia sẻ với họ về những kinh nghiệm và thành công của cộng đồng DN ở các nước khác khi khai thác triệt để các lợi ích của TTĐT.

Điều tương tự cũng cần làm với người tiêu dùng để họ thấy được sự dễ dàng, đơn giản, thuận tiện song vẫn đảm bảo an toàn và nhanh chóng của việc sử dụng hình thức TTĐT, từ đó họ sẽ dần từ bỏ dần thói quen sử dụng tiền mặt đã tồn tại lâu nay.

Xin cảm ơn bà!