Tháo gỡ khó khăn cho ngành tôm
Lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, lao động bị thiếu hụt vì các quy định nghiêm ngặt trong phòng, chống dịch COVID-19 đã khiến toàn bộ các khâu trong chuỗi giá trị ngành tôm lâm vào thế khó và hệ quả là giá tôm giảm liên tục vì thiếu người thu hoạch và chế biến. Đó là ý kiến phản ánh chung của người nuôi tôm, doanh nghiệp, đại lý trong chuỗi giá trị ngành tôm khu vực phía Nam tại Diễn đàn Tôm Việt năm 2021 do Tổng cục Thủy sản tổ chức vào sáng ngày 1/9.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, từ ngày 19/7, khi các tỉnh, thành khu vực phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ hầu hết các khâu trong chuỗi giá trị ngành tôm đều gặp khó, khiến hoạt động thả nuôi có xu hướng giảm mạnh, nguy cơ thiếu hụt tôm nguyên liệu các tháng cuối năm là rất cao.
Trong đó, 2 khó khăn lớn nhất và tác động mạnh nhất đến ngành tôm chính là việc thiếu hụt lao động trong các khâu thu hoạch, chế biến và việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ ngành tôm gặp khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch.
Chia sẻ khó khăn của ngành tôm Sóc Trăng tại diễn đàn, ông Võ Quan Huy - Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong thời gian giãn cách vừa qua cả người nuôi tôm lẫn đại lý và doanh nghiệp chế biến đều gặp khó khăn, trong đó, người nuôi tôm và cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống là 2 nhóm đối tượng bị “tổn thương” nhiều nhất, còn đại lý cung ứng thức ăn, thu mua hay doanh nghiệp chế biến thì dễ thở hơn.
Nguyên nhân chính theo ông Huy chính là tình trạng thiếu hụt lao động (thu hoạch và chế biến) và việc vận chuyển, lưu thông vật tư phục vụ nghề nuôi cũng như tôm thương phẩm gặp khó khăn, kể cả chủ trang trại hay giám đốc doanh nghiệp nuôi tôm muốn đến vùng nuôi của mình cũng khó nếu khác xã, khác huyện và khác tỉnh.
Ông Huy dẫn chứng: “Như trường hợp của doanh nghiệp tôi có đến 2 vùng nuôi tại Sóc Trăng và Bạc Liêu, trong khi tôi lại ở Long An, nên dù biết các anh em ở dưới trại rất khó khăn nhưng cũng không sao xuống thăm hỏi hay chỉ đạo sản xuất được”.
Trước những khó khăn vừa qua, cả Sóc Trăng lẫn các tỉnh, thành phía Nam đều lo lắng trước viễn cảnh người nuôi tôm sẽ treo ao vì lo sợ rủi ro và thiếu vốn. Ông Huy cho biết thêm: “Hiện người nuôi đang không có vốn để nuôi tiếp, còn đại lý cũng không còn đủ vốn để hỗ trợ người nuôi như trước do chưa thu được vốn đầu tư trước đó. Với tình hình này, khả năng thiếu hụt tôm nguyên liệu là rất lớn vì cả người nuôi lẫn đại lý đều chưa thể yên tâm. Do đó, theo tôi, việc tháo gỡ khó khăn cần phải đặt đúng chỗ thì mới có hiệu quả”.
Còn theo ThS. Quách Thị Thanh Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, sau 2 tuần đầu giãn cách, các khó khăn đã được tỉnh từng bước tháo gỡ, đến nay sản xuất cơ bản đã ổn định nhưng giá tôm nhìn chung vẫn còn thấp. Đây cũng chính là điều ngành lo lắng nhất vì nuôi tốt, có sản lượng cao nhưng hiệu quả của người nuôi vẫn không cao, gây khó khăn cho những vụ nuôi tiếp theo.
Sóc Trăng là một trong những tỉnh có giải pháp tháo gỡ khó khăn sớm nhất nhưng vẫn không ngăn được đà giảm giá tôm khá mạnh. Giá tôm tại ao nuôi với giá tôm do nhà máy đưa ra thường có sự chênh lệch khoảng 10 - 15%, thậm chí là 20%.
Tuy nhiên, giá tôm cỡ lớn thường không giảm nhiều mà chủ yếu tập trung vào tôm cỡ nhỏ. Thông tin thêm tình hình vụ tôm của tỉnh, ThS. Quách Thị Thanh Bình cho biết, đến hết tháng 8, toàn tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi trên 76% diện tích, nhưng thiệt hại chỉ chiếm hơn 5% so với diện tích thả nuôi. Thu hoạch trên 60% so kế hoạch và hiện đang còn gần 18.000ha tôm chưa thu hoạch. Một thông tin lạc quan nữa được ThS. Quách Thị Thanh Bình chia sẻ tại diễn đàn là trong tháng 9 này, dự kiến tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên triển khai tiêm vắc xin cho các nhóm đối tượng trong ngành hàng thủy sản khoảng 10.000 người.
ThS. Quách Thị Thanh Bình chia sẻ: “Khó khăn từ đại dịch COVID-19 vừa qua đã cho thấy, các hộ nuôi nhỏ lẻ là đối tượng gặp khó khăn nhiều nhất nên tới đây ngành sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, liên kết đầu vào, đầu ra, nhằm giảm bớt gánh nặng, khó khăn cho nhóm đối tượng này mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh”.
Để hạn chế khó khăn, giúp ngành tôm phục hồi đón thời cơ trong những tháng còn lại của năm, ông Võ Quan Huy kiến nghị 3 nhóm trụ cột chính nhằm kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh và phục hồi sản xuất gồm: ban hành quy định khoanh vùng dịch tễ hẹp (theo bán kính) để kiểm soát chặt chẽ vùng có nguy cơ rất cao (vùng đỏ) theo tổ, ấp; vùng nguy cơ cao (vùng cam) theo ấp, xã… Thứ hai là về chiến lược vắc xin nên ưu tiên cho chuỗi sản xuất đồng bộ từ khâu sản xuất đến chế biến để tránh đứt gãy. Thứ ba là tạo sự thông thoáng cho sản xuất thông qua việc quy định cho phép người tiêm vắc xin mũi 1 sau 15 ngày được phép đi lại nuôi tôm, thu hoạch, vận chuyển, chế biến trong địa giới nhất định để ổn định ngành tôm.
Ngoài ra, ông Võ Quan Huy còn kiến nghị các cấp vận động 2 khâu có lãi trong chuỗi cung ứng là cung cấp vật tư đầu vào đại lý thu mua giảm giá vật tư, tăng giá thu mua tôm để chia sẻ với người nuôi. Chính phủ nên có chính sách giảm tiền điện cho người nuôi và ngân hàng nên khoanh nợ, giãn nợ từ nay đến hết tháng 6/2022; đồng thời, áp dụng lãi suất ưu đãi và tái cấp vốn cho hộ khó khăn.